menu_open
Phát triển kinh tế di sản từ những lợi thế riêng có
Xem cỡ chữ:
 Festival Huế là nơi hội tụ, giao thoa các nền văn hóa đặc sắc trên thế giới
Mang trong mình kho tàng di sản văn hóa phong phú, Huế đang hướng tới phát triển kinh tế di sản với những cách tiếp cận mới mẻ, linh hoạt, bền vững và giàu tính trải nghiệm hơn.
 Festival Huế là nơi hội tụ, giao thoa các nền văn hóa đặc sắc trên thế giới

Nhìn ra thế giới

Phát triển kinh tế di sản không phải là câu chuyện riêng của Huế mà đã trở thành xu hướng toàn cầu. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế Hoàng Việt Trung, phát triển kinh tế từ giá trị di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.

Nhiều quốc gia đã thành công khi khai thác di sản văn hóa làm động lực phát triển kinh tế bền vững.

Tại Pháp, thành phố Avignon, nơi nổi tiếng với Di sản Thế giới Cung điện của Giáo hoàng (Palais des Papes), đã biến di sản thành trung tâm của các hoạt động văn hóa và nghệ thuật. Lễ hội sân khấu Avignon hằng năm thu hút hàng trăm nghìn du khách, mang lại nguồn thu lớn cho kinh tế địa phương và biến thành phố thành một trung tâm văn hóa quốc tế.

Ở Nhật Bản, thành phố Kyoto – nơi lưu giữ hàng nghìn ngôi đền, chùa cổ và khu phố truyền thống – đã khéo léo kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch trải nghiệm. Kyoto không chỉ cung cấp dịch vụ tham quan mà còn tổ chức các lớp học làm gốm, trà đạo và nghệ thuật cắm hoa, giúp du khách hiểu sâu hơn về văn hóa Nhật Bản.

Hàn Quốc cũng là một ví dụ điển hình với việc tái hiện lịch sử triều đại Joseon qua các dịch vụ trải nghiệm. Ở Thái Lan, thủ đô Bangkok phát triển du lịch sông Chao Phraya bằng các tour trải nghiệm văn hóa dọc theo dòng sông, kết hợp trình diễn nghệ thuật truyền thống trên thuyền. Mô hình này không chỉ bảo tồn văn hóa mà còn tạo ra trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Tiềm năng và triển vọng

Huế - thành phố trực thuộc Trung ương, với định hướng phát triển theo mô hình “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”, mỗi di sản được xem như hạt nhân, tạo động lực phát triển cho các lĩnh vực du lịch, dịch vụ và công nghiệp văn hóa. Từ những bài học thành công của thế giới, Huế hoàn toàn có thể phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo mang dấu ấn riêng của di sản Cố đô. Trước đây, Huế tập trung khai thác di sản qua các hoạt động bán vé tham quan di tích. Nay, Huế đang hướng tới mô hình kinh tế di sản với cách tiếp cận mới mẻ, linh hoạt và bền vững.

“Các mô hình như khai thác Thái Y Viện, hệ thống thủy đạo, du lịch trải nghiệm trên Thượng Thành, giáo dục di sản và tổ chức Festival văn hóa đã chứng minh tiềm năng lớn của di sản Huế trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững”, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung khẳng định.

Theo ông Trung, việc tái hiện không gian văn hóa cung đình thông qua các dịch vụ trải nghiệm như nghi lễ cung đình, ẩm thực cung đình, hay dịch vụ y học cổ truyền tại Thái Y Viện đang là những bước đi đúng hướng. Cùng với đó, có thể xây dựng các tour du lịch sinh thái kết hợp văn hóa tại Thượng Thành và hệ thống thủy đạo Kinh thành, mở ra cơ hội mới để phát triển du lịch bền vững, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách.

Việc ứng dụng công nghệ trong bảo tồn và khai thác di sản, như công nghệ số hóa 3D và trình diễn ánh sáng 3D mapping, cũng là hướng đi cần thiết để giúp di sản trở nên sống động, gần gũi hơn với thế hệ trẻ. Đây là cách mà Huế có thể kết nối quá khứ và tương lai, tạo nên sự khác biệt so với các điểm đến khác. Ngoài ra, giáo dục di sản là một phương thức quan trọng để truyền tải giá trị văn hóa, lịch sử đến thế hệ trẻ. Đồng thời, cũng là kênh khai thác kinh tế gián tiếp thông qua các sản phẩm và dịch vụ liên quan.

Sự đa dạng của các di sản đã được UNESCO công nhận cũng tạo nền tảng vững chắc để Huế phát triển thành một thành phố Festival đẳng cấp quốc tế, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn đến triển lãm văn hóa - lịch sử, cảnh quan thu hút khách du lịch và nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Kho tàng di sản này tạo cơ sở để Huế trở thành trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế, tổ chức các sự kiện ngoại giao văn hóa quy mô lớn. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của Huế trên trường quốc tế mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu bền vững thông qua các hoạt động văn hóa và du lịch, đưa Huế trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc tế.

Bài, ảnh: Liên Minh