menu_open
Tháp đôi Liễu Cốc
Xem cỡ chữ:
Tháp Đôi Liễu Cốc là một công trình đặc trưng của văn hóa Chămpa thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1994, Tháp Đôi Liễu Cốc được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Địa chỉ: Thôn Bàu Tháp, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế
Tình trạng: Được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994

Lịch sử hình thành:

Theo truyền thuyết, vùng tháp cổ Liễu Cốc do "Bà Chúa Tháp" cai trị, rất linh thiêng. Cạnh tháp có một ngôi miếu xây lên từ đời vua Thành Thái, được họ Nguyễn Văn tái tạo để thờ Bà Chúa Tháp, thường gọi là “Miếu Bà Cô xóm Tháp”. Đến nay, công trình đặc trưng của văn hóa Chămpa này ước khoảng 1.000 năm tuổi.

Nét đặc trưng:

Theo các nhà nghiên cứu, kỹ thuật xây dựng của tháp đôi Liễu Cốc rất tuyệt hảo và tinh vi. Tháp được xây dựng không có mạch hồ mà đã đứng vững hàng ngàn năm. Đây là kỹ thuật đặc trưng trong xây dựng của người Chăm mà đến nay vẫn còn là một bí mật chưa có công trình khoa học nào giải mã được. Qua kỹ thuật xây dựng, kiến trúc của tháp các nhà nghiên cứu đã nhận định có thể xác định niên đại của di tích này là vào khoảng thế kỷ thứ 9.

Tháp đôi Liễu Cốc nhìn từ trên cao (Ảnh: Nguyễn Tiến Giang)

Kiến trúc:

Tháp Đôi Liễu Cốc là một công trình đặc trưng của văn hóa Chămpa, tồn tại không còn nguyên vẹn. Tháp Đôi Liễu Cốc được xây dựng gần nhau trên hai trục song song hướng Đông - Tây, lối vào tháp ở phía Đông, phù hợp với nguyên tắc xây dựng của các đền đài thuộc phong cách của văn hóa Ấn Độ giáo. Hai tháp nằm trên một gò đất chung quanh cây cao bóng cả che khuất, ở mặt phía Bắc, đông Bắc một hồ nước dài rộng, xưa kia chảy thông ra sông Bồ.

Nhìn vào bình đồ Tháp Đôi dễ nhận thấy hai tháp, một tháp lớn, một tháp nhỏ.

Tháp lớn: Chân móng vùi lấp dưới lòng đất, gạch, hiện nay chưa xác định nền móng ban đầu của tháp. Chiều cao xác định được từ cos diềm tháp đến cos bắt đầu của chân móng là 4m. Bên trong tháp ở phía Tây còn lưu giữ một đoạn vòm cuốn gạch của đỉnh tháp, đặc trưng kết cấu thể hiện trong các công trình kiến trúc - văn hóa tôn giáo Chăm. Ở tường ngoài tháp có các khoảng tạo hình lõm, chia mặt chính tháp thành hệ thống bổ trụ. Nền tháp lát và bó vỉa bằng gạch, tường tháp dày 1,60m, diện tích lòng tháp còn lại trên 9m2.

Tháp nhỏ: Chất liệu và kỹ thuật xây dựng giống tháp lớn, lòng tháp còn lại khoảng 7,5m2.

Giá trị nghệ thuật:

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nhận định kết quả khảo cổ học tháp đôi Liễu Cốc có ý nghĩa đặt nền móng cho khảo cổ học hàng loạt di tích đền tháp và di chỉ cư trú của người Chăm giai đoạn sớm trên đất Thừa Thiên Huế. Năm 1926, tháp đôi Liễu Cốc đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu xếp hạng là một trong số các di tích được xếp hạng trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương lúc bấy giờ.

Tháp Đôi Liễu Cốc được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 2754-QĐ/BT, ngày 20/7/1994.

Bản đồ: