Nỗ lực và trăn trở
Ông Trần Hữu Quang – Phó trưởng khoa Âm nhạc di sản truyền thống (HVAN Huế) cho hay, nội dung chương trình giảng dạy chuyên ngành biểu diễn các nhạc cụ như: đàn tranh, đàn tỳ, đàn nhị, đàn nguyệt, sáo trúc, đàn bầu… ở bậc trung học và đại học tại Học viện hầu hết theo khuynh hướng mỗi năm một phong cách. Năm thứ nhất phong cách miền Bắc (chèo), năm thứ hai phong cách miền Trung (âm nhạc truyền thống Huế), năm thứ ba phong cách miền Nam (cải lương). Nhưng điều đáng lo ngại, số bài bản âm nhạc truyền thống như hát ru, hò, vè, lý… của Huế, hay kể cả của Quảng Bình, Quảng Trị là 2 tỉnh có mối quan hệ khăng khít về mặt âm điệu tiếng nói - âm nhạc hiện diện rất khiêm tốn trong chương trình giảng dạy.
Cụ thể, chương trình giảng dạy chỉ có các điệu lý: lý tử vi, lý năm canh, lý giao duyên, lý ngựa ô, lý hoài xuân - lý con sáo, lý tình tang, lý hành vân, lý tương tư, lý quỳnh tương… Và những bài lý này thường giảng dạy vào năm 3 cho cả bậc học trung cấp 4 năm và trung cấp 6 năm.
Những bài nêu trên được Trường trung cấp VHNT Huế đưa vào chương trình trung cấp biểu diễn các nhạc cụ truyền thống. Như vậy, so với số lượng bài âm nhạc truyền thống Huế lên đến hàng trăm thì số bài bản được giảng dạy quá ít.
Phản hồi ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Mãi - Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Huế cho hay, về âm nhạc truyền thống Huế, học sinh của trường được học các hình thức đàn độc tấu, đàn hòa tấu, đệm ca và hát các bài bản làn điệu lý Huế, ca Huế, nhạc lễ cung đình Huế và phần nhạc dạo, Thủ - Vĩ, chuyển hò 2, 3 và 4…, đảm bảo khả năng thực hành nghề nghiệp sau đào tạo cho học sinh.
Đối chiếu về hàm lượng làn điệu, bài bản trong chương trình giảng dạy so với yêu cầu của bậc đào tạo và với hệ thống làn điệu, bài bản âm nhạc truyền thống Huế hiện còn, trong thời gian 3 năm, học sinh ngành nhạc công truyền thống Huế thực hành được từ các làn điệu nhỏ như dân ca Huế, đến bài bản bản lớn như: Tứ đại cảnh, Phú lục, Nam bình… và các hình thức trình diễn, chắt lọc các bài tiêu biểu, phù hợp với bậc học trung cấp nghề và mục tiêu ngành. Còn với ngành nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, cũng trong thời gian 3 năm, học sinh được học hết nhóm làn điệu dân ca, nhóm ca Huế.
“Đây là chương trình học được đánh giá là quán chiếu hết hàm lượng âm nhạc truyền thống Huế. Vừa trang bị cho người học khả năng hiểu sâu về nghệ thuật truyền thống Huế, vừa rèn khả năng thực hành nghề cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình học”, ông Nguyễn Văn Mãi khẳng định.
Ở chiều ngược lại, bà Hà Mai Hương - Giám đốc HVAN Huế cho hay, riêng với chuyên ngành đàn - ca Huế, nội dung chương trình đào tạo tập trung vào các bài bản làn điệu ca Huế. Tuy nhiên, bà Hương cũng nhìn nhận, với thời gian đào tạo 4 năm, học sinh - sinh viên trong mỗi học kỳ cũng không thể học được hết các làn điệu của âm nhạc truyền thống Huế.
“Việc nắm vững vốn âm nhạc cổ truyền để có thể thực hành trong giảng dạy, biểu diễn và sáng tạo để phát huy âm nhạc truyền thống nói chung, âm nhạc truyền thống Huế nói riêng trong thời đại hiện nay đòi hỏi quá trình tự học tập, nghiên cứu lâu dài và bền bỉ của mỗi cá nhân để tự hoàn thiện, bởi kiến thức được trang bị trong 4 năm học là không đủ”, bà Hương chia sẻ.
Bà Hà Mai Hương thông tin thêm, theo định kỳ, Học viện sẽ thực hiện rà soát chương trình đào tạo, trong đó chú trọng việc lấy ý kiến phản hồi của người học để có cơ sở xem xét và điều chỉnh. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đang xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học để có quy định thống nhất về chuẩn đầu vào, đầu ra, chương trình đào tạo... Và HVAN Huế cũng đang trong quá trình chờ đợi quyết định ban hành để có những điều chỉnh phù hợp.
Vĩ thanh
Dù trực tiếp hay gián tiếp, phản hồi của Giám đốc HVAN Huế đang cho thấy một thực tế, chương trình đào tạo âm nhạc truyền thống Huế thời gian qua tại Học viện chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu hiện nay, cũng như đang có những bị động nhất định.
Nói bị động là bởi, trong thời điểm Huế đang đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống Huế, thay vì “chờ đợi quyết định ban hành để có những điều chỉnh phù hợp”, tại sao không chủ động đưa âm nhạc truyền thống Huế vào dạy từ năm 1 cho đến lúc học sinh - sinh viên ra trường (kèm theo tăng thời gian điền dã, cọ xát thực tế…) thay vì đến năm 3 mới đưa vào giảng dạy, bởi quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn cho phép thời lượng dạy âm nhạc địa phương nhiều hơn.
Với âm nhạc truyền thống Huế (hay với bất cứ ngành, nghề khác), đào tạo là một trong những phương thức hiệu quả để bảo tồn và phát huy. Vậy nên, cũng cần cân nhắc việc đào tạo nguồn nhân lực theo mô hình “3 trong 1” với các tiêu chí: hiểu biết + có khả năng diễn xướng + đủ năng lực giảng dạy - giới thiệu đến cộng đồng; đồng thời, có khả năng sáng tạo để phát huy âm nhạc truyền thống nói chung, âm nhạc truyền thống Huế nói riêng đến với công chúng. Qua đó, góp phần phát huy tính hiệu quả trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy âm nhạc truyền thống Huế như mục tiêu mà thành phố đã đề ra.