Bác sĩ Trường nhận giải Anh hùng chống mù lòa từ tổ chức IAPB. Ảnh: T.L
"Anh hùng chống mù lòa" là giải thưởng được tổ chức IAPB tổ chức hàng năm nhằm ghi nhận và vinh danh những cá nhân đã có đóng góp lớn và tạo ra những sự khác biệt thực sự trong việc khôi phục thị lực, phòng chống mù lòa. IAPB đã trao tặng 15 người trên thế giới và bác sĩ Phạm Minh Trường là bác sĩ nhãn khoa đầu tiên của Việt Nam đang làm việc trong bệnh viện công lập được nhận giải thưởng này. Giải thưởng không đánh giá cao về giá trị vật chất nhưng có tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phòng chống mù lòa trên thế giới.
Bác sĩ Phạm Minh Trường năm nay 55 tuổi. Ông từng giữ các cương vị Trưởng Trạm Mắt tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), Giám đốc Trung tâm Phòng chống mù lòa, Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh tật xã hội. Khi Bệnh viện Mắt Huế được thành lập năm 2005, ông được tín nhiệm bầu làm giám đốc và đảm đương chức vụ này trong hơn 10 năm qua. Khi ấy Bệnh viện Mắt Huế chưa chữa trị được các bệnh về mắt cho trẻ em. Trẻ em bị bệnh mắt ở miền Trung đa số phải đi Hà Nội hay TP. HCM điều trị nên chỉ con nhà giàu mới có điều kiện chữa bệnh.
"Nhiều em bị lác mắt, sụp mắt, đục thủy tinh thể bẩm sinh ở Quảng Bình, Hà Tĩnh được cha mẹ lặn lội đưa vào Huế chữa trị nhưng không được đành phải quay về. Lúc đó, tôi ước gì Bệnh viện Mắt Huế có đầy đủ cơ sở vật chất để có thể chữa trị cho các em", bác sĩ Trường chia sẻ.
Ngoài công tác quản lý, bác sĩ Trường trực tiếp khám chữa bệnh cho người già. Ảnh: Võ Thạnh.
Nhận thấy những khó khăn của đơn vị trong những ngày đầu mới thành lập và thấu hiểu nỗi niềm của bà con nghèo không chỉ ở địa phương mà ở khu vực miền Trung bị bệnh tật về mắt khá lớn nên Bác sĩ Trường đã tìm hiểu, tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo Trung ương, địa phương; đồng thời, mạnh dạn kết nối các tổ chức trong, ngoài nước hơn 10 năm nay để phục vụ công tác chữa bệnh về mắt và phòng chống mù lòa . Ông cho biết: “Được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, như CBM (Đức), FHF (Úc) và Orbis (Hoa Kỳ), tôi đã quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại và đào tạo nâng cao nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế cho đơn vị. Hiện nay, Bệnh viện Mắt Huế trở thành một trong những đơn vị chuyên khoa về mắt hàng đầu của cả nước. Hàng năm, BV khám hơn 50.000 lượt, điều trị nội trú và phẫu thuật khoảng 5.000 bệnh nhân; trong đó nhiều trường hợp khó phải áp dụng kỹ thuật cao như cắt dịch, mổ bán phần sau… mà trước đây các bệnh này phải điều trị tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh đó, BV Mắt đã xây dựng được Trung tâm chăm sóc mắt thân thiện, cung cấp nhiều dịch vụ điều trị bệnh mắt trẻ em, người già với chất lượng cao”.
Bác sĩ CKII Phạm Minh Trường khám mắt cho bệnh nhân Ảnh: T.L
Ngoài ra, bác sĩ Trường còn quan tâm xây dựng, phát triển mạng lưới chăm sóc mắt tuyến dưới; xây dựng mạng lưới truyền thông chăm sóc, giáo dục bảo vệ mắt và mạng lưới hoạt động thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với các tổ chức quốc tế đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế trường học và y tế xã, huyện; huy động sự hỗ trợ của cộng đồng để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ cho trẻ em, người già; xây dựng quan hệ đối tác với các tỉnh lân cận để bệnh nhân chuyển tuyến…
Ông luôn trăn trở và tự thôi thúc mình là phải tiếp tục khôi phục thị lực cho các em và người già có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, bác sĩ Trường đang phối hợp thành lập 4 trung tâm khúc xạ chất lượng cao tại các huyện, thị xã; phối hợp Hội Người cao tuổi chăm sóc mắt cho người già. Hoạt động này sẽ tiếp tục phủ sóng trên địa bàn Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung để được khám, điều trị các bệnh về mắt cho trẻ em và hình thành được mạng lưới chăm sóc mắt liên hoàn từ cộng đồng đến BV. Ngoài ra, người “Anh hùng chống mù lòa này” vẫn đang tiếp tục kết nối với các tổ chức trong, ngoài nước đào tạo cho đội ngũ y, bác sĩ ở BV Mắt Huế vừa hồng vừa chuyên, đạt chuẩn quốc tế, xây dựng BV Mắt Huế phát triển lớn mạnh, có thương hiệu ở Việt Nam.