menu_open
Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế
08/11/2024 5:40:37 CH
Xem cỡ chữ:
  Hỗ trợ, tư vấn thông tin du lịch Huế cho du khách quốc tế khi tàu du lịch cập cảng Chân Mây 
Du lịch Huế đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc khi không ít khách du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây chọn những điểm đến khác mà không phải là Huế. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch, Huế đang chú ý hơn khâu kết nối, quảng bá để hút khách lên thành phố Huế.
Hỗ trợ, tư vấn thông tin du lịch Huế cho du khách quốc tế khi tàu du lịch cập cảng Chân Mây 

Đa dạng các hình thức cung cấp thông tin

Cùng ngành du lịch tỉnh đón khách du lịch tàu biển một ngày cuối tháng 10/2024, điều đáng mừng là du khách đã tìm hiểu nhiều hơn thông tin về Huế. Chuyến tàu du lịch Celebrity Millennium của hãng tàu Royal Caribbean đưa 2.150 khách và 958 thuyền viên cập cảng Chân Mây, có khoảng 1 nửa số du khách đi du lịch chọn lên tham quan các di tích, điểm du lịch ở Huế. Đây là lần đầu tiên du khách đi du lịch đường tàu biển có điều kiện thuận lợi để tiếp cận thông tin du lịch Huế nhờ Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ du khách tại cảng Chân Mây chính thức đi vào hoạt động.

Một du khách quốc tịch Đức chia sẻ: “Tôi có tìm hiểu thông tin về du lịch Việt Nam, trong đó có Huế nhưng vẫn chưa biết rõ. Nhờ kênh tư vấn trực tiếp này, tôi hiểu hơn để đưa ra quyết định lựa chọn điểm đến tham quan”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ du khách tại cảng Chân Mây được hình thành nhằm phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách và thuyền viên của các tàu du lịch khi lên bờ tại cảng Chân Mây; tiếp nhận và xử lý mọi tình huống khi du khách yêu cầu hỗ trợ về thông tin du lịch, phản ánh về chất lượng dịch vụ du lịch hoặc yêu cầu giúp đỡ trong các trường hợp khẩn cấp khi gặp sự cố tại cảng Chân Mây hoặc trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Tại trung tâm này có khá nhiều hình thức thông tin du lịch được chuyển tải, phục vụ du khách, như: Các tờ rơi, tập gấp, ấn phẩm thông tin du lịch, bản đồ du lịch, sách hướng dẫn du lịch và các thông tin, hình ảnh, clip liên quan đến điểm đến du lịch địa phương. Nhân viên trung tâm sẽ tư vấn khách du lịch có những thông tin cần thiết để có những chuyến trải nghiệm thú vị khám phá di sản văn hóa, du lịch cộng đồng, sinh thái, tâm linh, nghề truyền thống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe... khi đến Huế. Tại đây cũng trưng bày, giới thiệu một số mặt hàng đặc sản, hàng lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đặc trưng của Huế để quảng bá văn hóa cũng như hình ảnh của Huế đến với khách du lịch tàu biển; tổ chức hỗ trợ dịch vụ đặt tour tham quan, đặt xe vận chuyển, nơi trải nghiệm ẩm thực, đặt chỗ khách sạn và các dịch vụ khác khi có nhu cầu. Mọi du khách tàu biển trong các trường hợp cần sự giúp đỡ, xử lý khẩn cấp, như: Thất lạc giấy tờ tùy thân, đồ dùng tư trang, gặp các hiện tượng tiêu cực (ép giá, mất cắp, hành động thiếu văn minh...) khi lên bờ tham quan đều được hỗ trợ giải quyết.

Lãnh đạo Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch chia sẻ, việc kết nối, quảng bá, chia sẻ thông tin đến du khách rất quan trọng. Khách du lịch tàu biển là dòng khách hạng sang, nhu cầu du lịch và chi tiêu lớn, song, yêu cầu của họ ngoài sản phẩm du lịch chất lượng thì trước hết họ phải biết thông tin du lịch, các trải nghiệm, chất lượng dịch vụ. Kênh kết nối, trao đổi, tư vấn, hỗ trợ khách được làm tốt thì cơ hội để thu hút khách càng cao hơn.

Hút khách & giữ khách

Lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Chân Mây cho biết, qua 10 tháng đầu năm đã đón gần 60.000 khách và thuyền viên. Năm 2024, cảng Chân Mây sẽ đón 41 chuyến tàu du lịch cập cảng Chân Mây với hơn 90.000 hành khách và thuyền viên. Dự kiến năm 2025, lượng tàu và khách đăng ký cập cảng Chân Mây sẽ tăng hơn 10-15%. Đây là một cơ hội rất lớn cho ngành du lịch địa phương, vấn đề quan trọng là phải làm sao để kết nối, quảng bá, thu hút khách và giữ chân du khách.

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, sở cũng đã có chương trình làm việc với Tập đoàn Tàu biển Royal Carribean và hợp tác với các hãng lữ hành khai thác khách tàu biển nghiên cứu xây dựng và phát triển trong năm 2025 và các năm tới. Trong đó tập trung chuỗi sản phẩm du lịch dành cho du khách tàu biển có điểm nhấn, có tính tương tác và trải nghiệm cao gắn với giá trị di sản, ẩm thực, nghề truyền thống... và gắn với đặc trưng văn hóa lịch sử vùng đất Cố đô.

Bên cạnh đó, với sự ra đời của các trung tâm thương mại, giải trí và các điểm đến hiện có, sẽ nghiên cứu, gắn với các hoạt động dịch vụ bổ trợ nhất là các điểm mua sắm kết hợp giải trí có chất lượng cao (Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, Không gian Sống Platform, Không gian văn hóa Lục Bộ, chợ Đông Ba). Ngành du lịch cũng dựa trên tiềm năng du lịch địa phương để tập trung đầu tư có bài bản, trong đó có các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa lành... tạo sự khác biệt so với các điểm đến khác trong khu vực trong cùng một hành trình, nhằm nâng cao khả năng thu hút khách và tăng khả năng chi tiêu của khách.

Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh liên kết vùng, tạo ra chuỗi sản phẩm, dịch vụ để tăng trải nghiệm và thu hút khách cùng đến các địa phương trong vùng liên kết. Hợp tác với các địa phương để khai thác, làm nổi bật điểm đến của mỗi địa phương và cùng quảng bá cho thương hiệu du lịch của địa phương.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC