Cuộc thi Lập trình dành cho học sinh trung học và Sản phẩm sáng tạo công nghệ thông tin dành cho sinh viên cao đẳng, đại học (Hue-ICT Challenge) là cuộc thi do Hội Công nghệ thông tin và Điện tử viễn thông tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức hàng năm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, được nâng tầm là cuộc thi cấp Tỉnh ngay từ năm đầu tiên tổ chức (năm 2022). Năm 2024, Cuộc thi nhận được sự đồng hành bảo trợ về mặt chuyên môn đến từ đội ngũ chuyên gia của Hội Tin học Việt Nam (VAIP) nhằm nâng tầm Cuộc thi với quy mô và chất lượng cấp Quốc gia. Cuộc thi cũng nhận được sự đồng hành đến từ Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế.
PGS. TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, Đồng Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Hue-ICT Challenge 2024 phát biểu tại chương trình Khai mạc
Cuộc thi Hue-ICT Challenge được tổ chức nhằm động viên phong trào học tập, tự nghiên cứu sáng tạo, nâng cao kỹ năng làm việc tập thể, hội nhập các tiêu chuẩn quốc tế của học sinh các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở (gọi chung là trung học); hướng nghiệp cho học sinh lựa chọn ngành CNTT để phát triển nghề nghiệp cho bản thân, đáp ứng nhu cầu thị trường nhân lực ngành CNTT của tỉnh Thừa Thiên Huế, miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung; đồng thời tạo ra môi trường nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, đam mê nghiên cứu về lĩnh vực CNTT và truyền thông của sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh/thành phố trên cả nước; xây dựng cầu nối giữa chính quyền - doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức, các đối tác trong ngành công nghệ thông tin và điện tử viễn thông - trường cao đẳng, đại học; phát hiện các ý tưởng hoặc ứng dụng có ý nghĩa, mang tính thực tiễn, từ đó có sự hỗ trợ cần thiết để hoàn thiện và tham gia các cuộc thi sản phẩm/ý tưởng sáng tạo cấp tỉnh, quốc gia.
Tại chương trình Khai mạc, Ban Tổ chức Cuộc thi Hue-ICT Challenge 2024 cho biết, sau thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham dự, Ban tổ chức Cuộc thi đã tiếp nhận 2,157 hồ sơ đăng ký trực tuyến của các thí sinh từ hệ thống website của Cuộc thi (với hai địa chỉ: http://hue-ictc.huedita.vn/ và https://hue-ictc.husc.edu.vn/). Trong đó: Bảng PRO CHANLLENGE 583 thí sinh; Bảng NAÏ CHALLENE 1,021 thí sinh và Bảng JUNIOR CHALLENE 553 thí sinh. Các tỉnh, thành có số thí sinh tham dự đông nhất lần lượt là: Thừa Thiên Huế (289 thí sinh), Hà Nội (268), Đà Nẵng (169), Quảng Trị (137), Nghệ An (124), Đăk Lăk (124), Bình Định (100)… trong tổng số 54 tỉnh, thành phố có học sinh đăng ký tham gia, vượt qua con số 1,344 thí sinh (năm 2023) và 523 thí sinh (năm 2022).
Các thí sinh tham gia Vòng Sơ loại trực tuyến với sự giám sát chặt chẽ đến từ Ban Tổ chức và Hội đồng coi thi ngay sau chương trình Khai mạc
Cùng với kinh nghiệm sau thành công của hai lần tổ chức Cuộc thi Hue-ICT Challenge, các nhà trường và các em học sinh trong cả nước đã biết đến rộng rãi Cuộc thi nhiều hơn; Đặc biệt, năm nay với sự đồng hành ngay từ đầu của Hội Tin học Việt Nam đã góp phần tạo nên sức hút và sự thi đua trong các thí sinh, nhà trường để đăng ký tham gia Cuộc thi một cách nghiêm túc, có sự quan tâm và đầu tư hơn với mong muốn cọ xát, giao lưu, học hỏi.
Ngày 10/3 vừa qua, Ban Tổ chức đã tổ chức 01 buổi thi thử để thí sinh làm quen với hệ thống. Vòng Sơ loại phần thi Lập trình dành cho học sinh trung học diễn ra vào sáng ngày 17/3/2024, các thí sinh sẽ tham dự và làm bài thi trực tuyến trên hệ thống http://coder.husc.edu.vn. các thí sinh sử dụng máy tính để lập trình giải các câu hỏi của bài thi theo đề thi do Ban Tổ chức phát hành cho cuộc thi, với thời lượng 180 phút.
Thí sinh làm bài trên máy tính cá nhân theo sự phân bố của Ban tổ chức với các thao tác gồm: đọc đề và phân tích đề, tìm phương án giải, lập trình trên máy tính cá nhân để giải các câu, thử nghiệm bài giải với các test case được cung cấp trong đề thi hoặc các test case do thí sinh tự tạo ra. Thí sinh có thể lập trình giải các bài toán bằng 1 trong 4 ngôn ngữ lập trình là Pascal, C/C++, Java hoặc Python khi làm bài thi. Bài thi được chấm tự động theo từng câu hỏi bằng máy chấm trực tuyến (judge online) với các trường hợp dữ liệu cụ thể (gọi là test case), mỗi test case có một điểm số do Ban Tổ chức quy định. Mỗi câu của bài thi thực hiện đúng test case nào sẽ có điểm của test case đó. Điểm của câu hỏi trong bài thi bằng tổng điểm của các test case mà câu đó thực hiện đúng. Điểm của bài thi là tổng điểm của các câu trong bài thi.
Các thành viên Ban Tổ chức tham gia chỉ đạo, giám sát công tác tổ chức tại các phòng thi trực tuyến
Ngày 18/3, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ họp bàn để lựa chọn ra các thí sinh đạt thành tích cao để tiếp tục dự thi Vòng Chung kết, dự kiến sẽ diễn ra vào vào ngày 30/3/2024 tại Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế (77 Nguyễn Huệ, Phú Nhuận, Tp. Huế).
Các thầy cô trực giám sát hệ thống và hỗ trợ các thí sinh trong quá trình đăng nhập, tham gia thi
Cùng với sự đồng hành liên tục của các đơn vị sở ngành địa phương như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế, năm nay, Cuộc thi đã nhận được sự tài trợ đến từ các Doanh nghiệp: VnLINK (Nhà Tài trợ Vàng); FPT Software, SMC Huế (Nhà Tài trợ Bạc); GOSU, PostMEDIA (Nhà Tài trợ Đồng); Brycen Việt Nam, Soft World Việt Nam (Đồng tài trợ).