menu_open
Lại thêm một bộ ảnh kỷ yếu theo phong cách ‘anh bộ đội cụ Hồ’ cực đáng yêu của nhóm bạn trẻ Huế!
01/06/2018 7:54:40 SA
Xem cỡ chữ:
Không chỉ thu hút người xem bằng chủ đề mà bộ ảnh kỷ yếu Ký ức hòa bình của tập thể lớp 12B1, trường THPT A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) còn gây sốt cộng đồng mạng bởi thần thái cũng như độ “chịu chơi” của tất cả các thành viên khi tham gia thực hiện bộ ảnh này.

Không chỉ thu hút người xem bằng chủ đề mà bộ ảnh kỷ yếu Ký ức hòa bình của tập thể lớp 12B1, trường THPT A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) còn gây sốt cộng đồng mạng bởi thần thái cũng như độ “chịu chơi” của tất cả các thành viên khi tham gia thực hiện bộ ảnh này.

Nếu như cách đây vài năm, nhắc đến ảnh kỷ yếu là chúng ta sẽ nhớ ngay đến những bộ ảnh thật nghiêm trang, ai nấy cũng đứng im một chỗ trong bộ đồng phục quen thuộc thì giờ đây, ảnh kỷ yếu đã khác xưa rất nhiều!

Ngày nay, các bộ ảnh kỷ yếu không chỉ đơn giản là để ghi giữ lại khuôn mặt từng thành viên trong lớp mà còn là nơi để các bạn trẻ thoả sức thể hiện sự sáng tạo và cá tính riêng của tập thể. 

Không hẹn mà gặp, thời gian gần đây phong cách chụp ảnh tái hiện những khoảnh khắc lịch sử bỗng trở lại và làm mưa làm gió trong rất nhiều bộ ảnh kỷ yếu của giới trẻ.

Điển hình nhất có thể kể đến bộ ảnh kỷ yếu cực chất của các bạn học sinh lớp 12 chuyên Sử, trường THPT Nguyễn Trãi (Hải Dương). Và mới đây, các bạn teen xứ Huế cũng đã trình làng một bộ ảnh kỷ yếu theo phong cách lịch sử - tái hiện lại thời khắc chiến tranh lập lại hòa bình đẹp không kém cạnh!

Ký ức hòa bình là bộ ảnh kỉ niệm của tập thể lớp 12B1, trường THPT A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế), gồm 38 thành viên tham gia, trong đó có 11 nam và 27 nữ. Được biết sở dĩ các bạn chọn thực hiện ảnh kỷ yếu theo phong cách này là vì cả lớp muốn cùng nhau trở lại những ngày tháng tuổi thơ, tìm hiểu sâu hơn về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.

Dễ dàng nhận thấy để bám sát theo concept được đưa ra, các bạn đã đầu tư khá nhiều về mặt trang phục và phụ kiện. Những chiếc áo sơmi với tông màu trầm ấm, mộc mạc, những chiếc quần bà ba đặc trưng cho đến chiếc mũ cối, chiếc nón lá hay kể cả đôi dép tổ ong thần thánh đều gợi nhớ đến một vùng trời kí ức của mỗi người. Bên cạnh đó các bạn cũng đã có sự đầu tư và tìm hiểu về địa điểm khi thực hiện bộ ảnh tại các địa điểm di tích lịch sử thuộc huyện A Lưới.

Không chỉ mặc đồ theo phong cách thời chiến, tập thể 12B1 còn tái hiện lại những hoạt động truy bắt giặc quen thuộc mà cha ông ta đã từng, những lúc bị thương khi bắt giặc, những lúc chia tay nhau lên đường nhập ngũ hay những lúc chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, các chàng trai cô gái lại quay quần bên cây đàn hát vang những điệu nhạc thân thương để quên đi đạn bom khói lửa.

Bộ ảnh này được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Ngọc Oanh.

Thay vì tập trung diễn sâu hay tạo dáng trước ống kính, các bạn chỉ đơn giản là cười đùa và nghịch ngợm. Chính vì vậy nên khi xem qua bộ ảnh này, ai cũng có thể cảm nhận được không khí tự nhiên, gần gũi và sự gắn kết của các bạn học sinh. 

Được biết, bộ ảnh kỷ yếu Ký ức hòa bình của tập thể lớp 12B1 do nhiếp ảnh gia Ngọc Oanh lên ý tưởng và thực hiện. Liên hệ với nhiếp ảnh gia Ngọc Anh chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá thú vị sau:

PV: Xin chào nhiếp ảnh gia Ngọc Oanh! Từ đâu, anh lại có ý tưởng chụp ảnh kỉ yếu mang đậm chất lịch sử như vậy?

Ngọc Oanh: Trong một vài năm trở lại đây, những bộ ảnh chụp theo các concept lịch sử được tái hiện lên rất rầm rộ. Tuy nhiên, mỗi một bộ ảnh ra đời sẽ lại mang một “sắc vóc” khác nhau mà bạn rất khó để bắt gặp ở một bộ ảnh nào khác. Cũng là tái hiện khoảnh khắc lịch sử nhưng bộ ảnh Ký ức hòa bình này của tôi lại mang một phong cách mới, khác lạ hoàn toàn mà trước đó tôi chưa từng thấy.

Còn nói về ý tưởng thực hiện bộ ảnh này cũng đã được tôi ấp ủ từ khá lâu. Khoảng 1 năm về trước, khi tôi cùng một người bạn khác đang thực hiện bộ ảnh kỷ yếu thì vô tình thấy một người đàn ông mang đồ lính, đạp xe đi làm ngang qua nên tự nhiên tôi đã nảy ra ý định sẽ chụp một bộ ảnh mang đậm màu sắc lính như vậy.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa có dịp để thực hiện, cho đến khi tôi nhận được lời mời chụp ảnh kỷ yếu của các bạn học sinh lớp 12B1 nên tôi mới quyết đem ý tưởng đó ra gợi ý cho các bạn ấy. Bản thân tôi nghĩ rằng, đó là một ý tưởng rất hay, mang đậm tính lịch sử và nó như một lời gợi nhắc tới các em về tinh thần yêu nước.

Thấu hiểu được ý nghĩa đó nên khi tôi đề xuất ý tưởng này được các bạn ấy đồng ý ngay. Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc!

Với sự tham gia của 38 thành viên, trong đó có 27 nữ và 11 nam.

PV: Bộ ảnh kỷ yếu này gồm mấy concept?

Ngọc Oanh: Bộ ảnh kỷ yếu trọn vẹn của tập thể lớp 12B1 gồm 2 phần. Phần 1 là chụp trang phục áo dài tại trường. Phần 2 là chụp concept Ký ức hòa bình này.

PV: Bối cảnh của bộ ảnh kỷ yếu này được thực hiện ở đâu?

Ngọc Oanh: Bộ ảnh Ký ức hòa bình được thực hiện chủ yếu tại huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là một vùng đất vẫn còn hoang sơ nên tôi đã tận dụng hết mọi “ngóc ngách” trong vùng để làm bối cảnh cho bộ ảnh của mình. Ngoài ra, còn có một số địa điểm Di tích lịch sử cũng được tôi lựa chọn để làm bối cảnh.

PV: Mất bao lâu để anh thực hiện xong bộ ảnh kỉ yếu này?

Ngọc Oanh: Thời gian thực hiện xong bộ ảnh kỷ yếu này cũng khá nhanh. Mất khoảng 2 ngày để lên kịch bản, 3 giờ đồng hồ để thực hiện và 1 buổi tối để chỉnh sửa ảnh.

PV: Trong quá trình thực hiện bộ ảnh này, anh có gặp khó khăn gì không?

Ngọc Oanh: Khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện rất nhiều, từ khâu tìm thuê trang phục cho đến việc làm đạo cụ “handmade”.

Để có được những bộ đồng phục đẹp “long lanh” như trong ảnh, các bạn ấy đã phải đi tìm thuê ở một nơi rất xa vì các studio trong vùng không có.Và việc đi chụp ảnh cũng không thể nào mang sung thật ra chụp được, vì vậy, các bạn ấy đã phải ngồi mất 2 tiếng đồng hồ để làm ra những khẩu sung “giấy”.

Nói chung, để có được một bộ ảnh kỷ yếu để đời ý nghĩa cũng không hề đơn giản một chút nào vì không phải cứ có ý tưởng là sẽ thành công mà nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Sau khi xuất hiện trên mạng, bộ ảnh này đã được rất nhiều người chia sẻ cũng như nhận được vô vàn lời khen cho sự sáng tạo và đáng yêu của tập thể lớp 12B1. Trò chuyện với Lớp trưởng lớp 12B1 – bạn Nguyễn Hoài Nam, chúng tôi được biết:

Bộ ảnh này được thực hiện chủ yếu tại huyện A Lưới.

PV: Xin chào Hoài Nam! Bạn có biết bộ ảnh kỷ yếu Ký ức hòa bình của lớp mình đang “gây sốt” cộng đồng mạng không?

Nguyễn Hoài Nam: Thật sự chúng em rất bất ngờ khi biết tin bộ ảnh Ký ức hòa bình của lớp mình đang được rất nhiều cư dân mạng quan tâm. Bởi ngay từ đầu chúng em cũng chỉ muốn thực hiện một bộ ảnh kỷ yếu để ghi lại những ký ức đẹp của thời học sinh chứ không nghĩ rằng nó lại "gây sốt" và thu hút người xem đến như vậy!

PV: Cảm xúc khi đó của các bạn là gì?

Nguyễn Hoài Nam: Thực sự là chúng em rất vui và tự hào. Vui vì chúng em đã lớn khôn, đã trưởng thành và có thể chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của chính mình. Còn tự hào vì đã cho mọi người thấy được nơi chúng em sinh ra và lớn lên đẹp biết nhường nào!

PV: Khi quyết định chọn phong cách chụp ảnh mang đậm “hơi hướng xưa”, thầy cô, các thành viên trong lớp cũng như phụ huynh có phản ứng gì không?

Nguyễn Hoài Nam: Khi anh nhiếp ảnh đề xuất ý tưởng muốn tái hiện lại một khoảnh khắc đẹp của lịch sử nên tất cả các thành viên trong lớp cũng như thầy cô đều hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình.

Vì đây không những là một ý tưởng hay, ý nghĩa mà còn là một ý tưởng đẹp để cho ra một bộ ảnh kỷ yếu vừa là kỷ niệm, vừa là “tư liệu” tốt để các bạn khóa sau có thể học hỏi.

Kí ức Hòa bình ghi lại những khoảnh khắc quen thuộc trong thời mưa bom bão đạn.

PV: Trong suốt quá trình thực hiện bộ ảnh này, kỷ niệm nào khiến các bạn nhớ nhất?

Nguyễn Hoài Nam: Trong suốt quá trình quay và chụp ảnh, lớp em đã có rất nhiều kỷ niệm ấn tượng và vui vẻ bên nhau.

Kỷ niệm thứ nhất là khi cả lớp đi thuê trang phục để chụp thì không thuê được, mãi cho đến trước ngày chụp khoảng một ngày thì lớp em mới tìm và thuê được trang phục. Ban đầu ai nấy đều cảm thấy mệt mỏi và nghĩ rằng ý tưởng đó khó có thể thực hiện được nhưng rồi các bạn lại động viên nhau cố lên để có những bức ảnh “để đời” siêu đẹp.

Kỷ niệm thứ hai là lúc leo núi, leo đồi, ai nấy đều “mệt bở hơi tai” nhưng trên gương mặt của các thành viên trong lớp đều luôn nở nụ cười tươi và động viên nhau cùng vượt qua.

Kỷ niệm thứ ba là khi cả lớp đùa vui bên dàn pháo khói. Có những bạn ban đầu ngại chụp hình lắm, đến khi đứng ngoài thấy mọi người chụp “rôm rả” quá lại vào chụp cùng. Mặc dù sắp chia xa nhưng nghĩ lại những kỷ niệm vui đó, chúng em cũng thấy ấm lòng thêm phần nào đó.

PV: Khó khăn lớn nhất trong khi chụp ảnh của các bạn là gì?

Nguyễn Hoài Nam: Có hai khó khăn lớn mà lớp em gặp phải trong quá trình chụp đó chính là về mặt thời gian và về mặt kinh phí.

Thứ nhất là về mặt thời gian, khoảng thời gian chúng em thực hiện bộ ảnh này khá “cập rập”. Để thực hiện được bộ ảnh này, cả lớp đã phải đi từ lúc sáng sớm tinh sương cho đến tận 9 giờ tối mới về, có những bạn nhà ở xa không thể ở lại tham gia cùng mọi người đến cuối nên đành phải cho về sớm.

Thứ hai là về mặt kinh phí, khi thực hiện bộ ảnh này có thêm khá nhiều khoản tiền phát sinh nên cũng âm khá nhiều vào tiền quỹ của lớp, sau về mọi người lại phải đóng thêm.

Kí ức Hòa bình đã để lại cho tập thể lớp 12B1 nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc.

PV: Qua bộ ảnh này, các bạn muốn lan tỏa điều gì đến những người xung quanh?

Nguyễn Hoài Nam: Qua bộ ảnh lớp chúng em muốn khơi gợi lại những hình ảnh thân quen về những anh bộ đôi cụ Hồ tay cầm súng đi hành quân, sẵn sàng lăn xả ra chiến trường khi tổ quốc kêu gọi. Nhờ có những người hi sinh anh dung như vậy mà chúng ta mới có được ngày hôm nay - tự do và độc lập.

Xin cảm ơn anh Ngọc Oanh và bạn Hoài Nam về những chia sẻ vô cùng thú vị này!

Nguồn: Ngọc Oanh