menu_open
Nông trại hữu cơ Bạch Dương – Điểm sáng trong mô hình nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Thừa Thiên Huế
17/05/2018 11:17:45 SA
Xem cỡ chữ:
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015 với diện tích 3,5ha, Nông trại hữu cơ Bạch Dương ở thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang là điểm sáng trong mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn giúp bà con có thể học hỏi và phát huy

Nằm cách thành phố Huế khoảng 15km về phía Tây, Nông trại hữu cơ Bạch Dương hiện đang là một trong những điểm sáng về mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đáng để bà con nông dân nơi đây học hỏi và phát huy.

Được biết, nông trại này là của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức (38 tuổi, Giảng viên khoa Nông học, trường Đại học Nông – Lâm Huế). Ấp ủ từ thời gian học tiến sĩ ở Nga, trở về nước, tiến sĩ Nguyễn Văn Đức đã quyết định mở Nông trại hữu cơ Bạch Dương - nơi đây vừa sản xuất rau hữu cơ, vừa triển khai những ý tưởng nghiên cứu và là điểm thực hành của sinh viên.

Liên hệ với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện khá thú vị dưới đây:

PV: Xin chào anh Nguyễn Văn Đức! Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân cho độc giả biết được không?

Anh tên thật là Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1980, quê gốc ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị quán ở Vĩnh Linh, Quảng Trị nhưng hiện nay đang sinh sống và làm việc tại Huế.

Hiện anh đang là Tiến sĩ, Giảng viên chính Khoa Nông học, Phó trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng trường Đại học Nông – Lâm, Đại học Huế. Bên cạnh đó, anh còn là chủ của Nông trại hữu cơ Bạch Dương.

PV: Với lịch trình công việc bận rộn ở trên trường như vậy, thời gian nào anh dành cho Nông trại hữu cơ Bạch Dương?

Mặc dù rất bận rộn với công việc giảng dạy trên trường nhưng anh vẫn dành hết những thời gian rảnh của anh cho Nông trại hữu cơ Bạch Dương này như sau giờ đứng trên giảng đường, cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ, Tết…

Với nhiều đầu việc như vậy thì hiện giờ anh không có một ngày nghỉ nào trọn vẹn cả. Nhưng anh vẫn thấy vui vì điều đó, vì được sống với đam mê, khát vọng của chính mình. (Cười lớn)

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đức cùng các học trò tại Nông trại hữu cơ Bạch Dương.

PV: Nói về Nông trại hữu cơ Bạch Dương, từ đâu anh lại có ý định thành lập nên nông trại này?

Sau một thời gian du học ở nước ngoài, đến nhiều nơi trên thế giới, anh nhận thấy vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ là nỗi lo của người dân Việt Nam mà còn trở thành một vấn nạn được hầu hết các quốc gia quan tâm nên anh đã nảy sinh ra ý định này.

Mặt khác, anh muốn xây dựng một Nông trại hữu cơ là bởi vì nó sẽ phục vụ cho chính chuyên môn nghiên cứu của cá nhân anh. Bởi từ lâu anh luôn khao khát có một nơi để mình có thể hiện thực hóa được mọi ý tưởng nghiên cứu về nông nghiệp hữu cơ và sinh thái.

Đồng thời, việc thành lập một Nông trại hữu cơ còn là ý tưởng tốt bởi đây sẽ không còn là địa điểm phục vụ cho riêng anh nữa mà là nơi thực tập tay nghề thường xuyên cho sinh viên theo học các ngành của trường Đại học Nông – Lâm Huế.

PV: Từ lúc ấp ủ dự định cho đến khi thành lập được nông trại này, anh phải mất bao lâu?

Việc thành lập Nông trại hữu cơ Bạch Dương này được ấp ủ từ thời anh còn là sinh viên, cách đây khoảng 18 năm về trước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được ấp ủ đó, anh đã phải mất khá nhiều thời gian: 1 năm tìm vị trí, 3 năm thử nghiệm các nghiên cứu trên đồng ruộng.

PV: Cái tên Nông trại hữu cơ Bạch Dương có ý nghĩa gì với anh không?

Bạch Dương là tên một loài cây rất đẹp ở các nước ôn đới, đặc biệt là Nga – Nơi anh đã từng có 5 năm sinh sống và nghiên cứu sinh về chuyên ngành Thổ nhưỡng học. Đồng thời, đây cũng chính là tên con gái nhỏ của anh.

PV: Diện tích ban đầu của nông trại này là khoảng bao nhiêu và hiện nay được mở rộng ra như thế nào?

Tổng diện tích của nông trại từ khi thành lập cho đến bây giờ không thay đổi, khoảng 3,5ha.

PV: Xuất phát điểm là một giảng viên của bộ môn Nông hóa – Thổ Nhưỡng, vậy khi thành lập nông trại này, anh có gặp khó khăn hay thuận lợi gì hay không?

Anh đã từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng Nông trại hữu cơ Bạch Dương, mà hầu hết những khó khăn đó, anh không thể tự kiểm soát được. Đầu tiên là việc thuê đất. Do thời gian thuê không được dài nên nông trại của anh rất khó có thể đầu tư nhiều và bài bản được.

Thứ hai là thời điểm ấy anh mới du học từ nước ngoài trở về nên cũng chưa có nhiều thời gian tìm hiểu kỹ, cứ nghĩ là làm nên bị người thân và đồng nghiệp phản đối dữ dội lắm. Họ cho rằng đây là một ý tưởng “điên rồ”.

Nhưng sau cùng, bằng niềm đam mê mãnh liệt với Nông trại hữu cơ và sinh thái, anh đã gạt bỏ mọi khó khăn trở ngại đó qua một bên nhờ có những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn đã được học, tích lũy bao năm qua. Có thể các bạn chưa biết chứ, trước khi vào đại học và trở thành giảng viên, anh là một nông dân chính hiệu. (Cười lớn).

Tiến Sĩ Nguyễn Văn Đức (áo trắng) chủ vườn hoa hướng dương ở Huế.

PV: Làm thế nào để anh có thể vượt qua được những khó khăn đó?

Các cụ xưa đã có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” quả không sai. Để có được một khu vườn, Nông trại hữu cơ của riêng mình anh đã phải cố gắng, nỗ lực không ngừng, thậm chí là phải đánh đổi rất nhiều thứ từ thời gian, công sức và tiền bạc. Hầu hết thời gian rảnh rỗi của anh đều là ở ngoài nông trại này dù cho trời nắng ngắt hay giá lạnh.

PV: Nông trại hữu cơ Bạch Dương được thành lập để phục vụ chủ yếu cho những đối tượng nào?

Nông trại hữu cơ Bạch Dương chủ yếu phục vụ cho 3 đối tượng chính là khách du lịch, cán bộ viên chức và học sinh, sinh viên. Nói như vậy, không có nghĩa là ngoài 3 đối tượng này ra thì không ai được vào nữa đâu nhé! Chỉ cần họ có nhu cầu, Nông trại hữu cơ Bạch Dương của anh sẽ sẵn sàng phục vụ nhiệt tình. (Cười lớn).

PV: Ở nông trại của anh chủ yếu trồng những loại cây gì?

Tại Nông trại hữu cơ Bạch Dương trồng rất nhiều loại cây nhưng chủ yếu nhất vẫn là các loại rau, đậu đỗ, ngô và đặc biệt hoa hướng dương.

PV: Theo anh, làm thế nào để các sản phẩm trong nông trại được sinh trưởng và phát triển tốt?

Để các giống cây trồng trong nông trại luôn luôn sinh trưởng và phát triển tốt, anh đã vận dụng hết tất cả những kiến thức khoa học sau nhiều năm tích lũy vào đây. Đồng thời, đây cũng là nơi để anh và các học trò thực hiện các nghiên cứu mới về cây trồng như chế độ bón phân, canh tác chịu hạn, giống mới, bảo vệ thực vật…

PV: So với các loại rau trồng thì bình thường thì rau trồng hữu cơ có gì khác?

Rau hữu cơ khác với rau an toàn và rau ngoài chợ bởi nó được chăm sóc hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp cân bằng sinh thái và thuốc thảo dược chứ không sử dụng thuốc hóa học, phân bón hóa học. Và tại Nông trại hữu cơ Bạch Dương, anh cũng không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu.

PV: Hiện nay, nông trại của anh đang thu hút rất nhiều người ghé thăm là cánh đồng hoa hướng dương đang mùa nở rộ. Vậy đây có phải là một loại cây trồng chủ lực trong nông trại của anh hay không?

Như anh đã chia sẻ trước đó, hoa hướng dương là một loại cây trồng chủ lực và là nguồn thu chính của Nông trại hữu cơ Bạch Dương.

Sở dĩ anh lựa chọn hoa hướng dương là loại cây trồng chính và chủ lực vì nếu kết hợp trồng hoa hướng dương với du lịch sẽ nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Huế. Đồng thời, nó cũng tạo nên một mô hình canh tác mới trên vùng đất xám bạc màu trước đây khô cằn không có sức sản xuất.

Hiện nay, nông trại hữu cơ Bạch Dương đang thu hút rất nhiều du khách ghé thăm nhờ cánh đồng hoa hướng dương.

PV: Vòng đời của hoa hướng dương từ lúc trồng đến lúc thu hoạch là khoảng bao lâu?

Tùy giống, tùy vụ mà vòng đời của cây sẽ sinh trưởng và phát triển khác nhau nhưng thời gian sinh trưởng của cây này cũng ngắn, kể từ khi gieo cho đến lúc ra hoa dao động khoảng từ 50 – 60 ngày.

PV: Giống hoa hướng dương được trồng trong vườn là giống hoa gì?

Ban đầu có 7 giống hoa hướng dương được trồng thử nghiệm nhưng chỉ có 2 giống phù hợp với thời tiết ở Huế… Nhưng hiện nay, nông trại sử dụng 7 giống nhập ngoại từ Nga và Thái Lan.

PV: Để hoa cho bông to, vàng ruộm như vườn của anh thì phải chú ý đến khâu gì nhất?

Để biến vùng đất khô cằn, trồng sắn còn chết thành một vườn hoa hướng dương, tôi và những học trò của mình phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức từ việc nghiên cứu tìm giống cây phù hợp cho đến việc chăm sóc.

Nhưng khâu quan trọng nhất, quyết định nhất trong quá trình sinh trưởng và phát triển của hoa hướng dương đó chính là nguồn nước tưới tiêu và các dưỡng chất dinh dưỡng cho cây phải vào đúng lúc, đúng thời điểm.

PV: Quá trình chăm sóc hoa hướng dương từ lúc trồng tới khi thu hoạch có vất vả lắm không?

Hướng dương là cây ưa lạnh hơn nóng, thích hợp với khí hậu hanh, khô hơn là mưa rào, ẩm ướt. Do vậy, việc trồng và phát triển hoa ở vùng đất Thừa Thiên Huế là một thách thức vô cùng khó khăn. Nhưng dẫu biết là khó khăn thì cũng đâu thể bỏ cuộc được, đã quyết “đâm lao” thì phải “theo lao” thôi chứ biết sao giờ.

Thay vì than vãn, kêu ca, thầy trò anh lại cố gắng nhiều hơn nữa. Hàng ngày, không quản nắng mưa, cả thẩy và trò đều ở trên ruộng nghiên cứu và chăm sóc. Công sức, nỗi vất vả mà cả thầy và trò đổ vào Nông trại hữu cơ Bạch Dương là không kể xiết.

PV: Tính đến nay, anh đã trồng được mấy mùa hoa hướng dương rồi?

Tính đến thời điểm hiện tại, anh cũng đã trồng được 11 vụ nhưng chỉ thành công được 3 vụ và thất bại đến 8 vụ…

PV: Thu nhập trung bình mỗi vụ của anh từ loài hoa này nói riêng và Nông trại hữu cơ Bạch Dương nói chung là khoảng bao nhiêu?

Hiện nay, thu nhập chủ yếu của Nông trại hữu cơ Bạch Dương là từ tiền vé vào cổng. Với mức giá 30.000 đồng/ lượt/ người, trung bình một vụ hoa nở, anh cũng thu được khoảng từ 30 – 50 triệu đồng.

PV: Sắp tới, anh đã có dự định gì mới cho nông trại của mình hay chưa?

Trong tương lai, anh sẽ đa dạng các loài hoa trồng trên nông trại và đặc biệt sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về nông nghiệp công nghệ cao tại đây.

Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức vì những lời chia sẻ vô cùng thú vị này!

Cùng xem thêm một số hình ảnh về cánh đồng hoa hướng dương đang gây sốt ở Huế khiến nhiều bạn trẻ phải 'đứng ngồi không yên' nhé!

Nguồn: FBNV