Nghề làm bánh Bèo, Nậm, Lọc xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ 19. Với nguyên liệu chính từ sắn, gạo, nếp vốn rất quen thuộc với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, cộng với sự khéo léo qua bàn tay của người phụ nữ Huế đã sáng tạo nên những món bánh nhỏ nhắn, hấp dẫn, không nơi nào có được.
Bánh Bèo, Nậm, Lọc được tạo ra bằng phương pháp thủ công, cho nên người nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn chất liệu, xử lý chế biến cho đến khi ra thành phẩm. Người nghệ nhân cần rất nhiều kỹ năng và kiến thức đối với bánh và các nguyên liệu tạo ra chiếc bánh. Nguyên liệu phải được chọn và nguyên liệu tươi ngon. Không phải ngẫu nhiên mà cả ba món bánh này đều gắn liền với tôm. Nếu như bánh Bèo có nhân tôm chấy, nước mắm pha nước luộc tôm kèm tôm chấy thì bánh Nậm, bánh Lọc cũng có nhân tôm và khi thưởng thức thường thường được ăn kèm món chả tôm.
Xứ Huế nằm ở dải đất miền Trung gối đầu lên biển và sở hữu hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nổi tiếng với diện tích lớn nhất cả vùng Ðông Nam Á. Chính vùng sông nước mênh mông này là nguồn cung cấp thủy sản vô tận cho Huế và giải thích cho câu hỏi vì sao ẩm thực đất Cố đô lại mang phong vị mặn mòi của những sản vật vùng sông nước và nguyên do con tôm gắn với bánh Huế như là duyên là nợ.
Điểm đặc biệt cho sự cầu kỳ của người Huế là nước mắm ăn kèm với 3 loại bánh này có ba vị hoàn toàn khác nhau. Đối với bánh Bèo, nước mắm ăn kèm phải được nấu lên, pha cùng với 1 phần nước luộc tôm để tạo vị ngọt thanh tự nhiên, có thể sau đó nêm nếu gia vị đường, tỏi, ớt tùy ý. Tuy nhiên ớt ăn kèm bánh Bèo thường là ớt xanh. Đối với bánh Nậm, nước mắm chấm cùng là nước mắm ngọt và tất nhiên không quên vài lát ớt đỏ. Còn bánh Lọc thật sự ngon khi ăn kèm với nước mắm mặn cắt vào vài lát ớt xanh, tùy vào khẩu vị của mỗi người có thể pha vài giọt chanh, chút đường để dậy vị.