menu_open
Nhã nhạc – Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại
31/01/2017 5:00:10 CH
Xem cỡ chữ:
Là một loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ. Nhã nhạc nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ cung đình như Tế Giao, Tế miếu, Lễ Đại triều, Thường triều...

Tinh hoa này được cô đọng lại dưới triều Nguyễn, khiến cho Huế càng được khẳng định hơn về một trung tâm văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Với tất cả giá trị lịch sử ấy, lúc 15h30 ngày 7/11/2003, Nhã nhạc Việt Nam đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Huế song hành một lúc hai di sản văn hóa thế giới: vật thể và phi vật thể, đã đánh dấu một bước ngoặc về thế giới văn hóa của vùng đất này.

Hành trình lịch sử

Nhã nhạc (Âm nhạc cung đình) là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển Nhã nhạc, và loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

Các thể loại âm nhạc cung đình Huế bao gồm: nhạc lễ nghi thờ cúng và nhạc lễ nghi triều chính, múa cung đình, ca nhạc thính phòng và kịch hát (tuồng cung đình).


Điệu múa cung đình Lục cúng hoa đăng

Theo sách sử thì Nhã nhạc ra đời vào triều Lý (1010-1225) và hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427-1788), là loại hình nhạc mang tính chính thống, với quy mô tổ chức chặt chẽ. Các tổ chức âm nhạc được thành lập, đặt dưới sự cai quản của các nhạc quan. Triều Lê đã định ra các loại nhạc như sau: Giao nhạc, Miếu nhạc, Nhũ tự nhạc, Cứu nhật nguyệt lai trùng nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, đại yến nhạc, Cung trung nhạc. Song, vào giai đoạn cuối của triều Lê, âm nhạc cung đình dần dần đi vào thời kỳ suy thoái và nhạt phai dần.

Dàn Đại nhạc của Nhã nhạc cung đình vào những năm 60. (Nguồn: tranvankhe.vn)


Đến thời Nguyễn (1802-1945), vào nữa đầu thế kỷ XIX, điều kiện xã hội đã cho phép, âm nhạc cung đình phát triển trở lại. Triều đình Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của triều Lê, bao gồm: Giao nhạc: Miếu nhạc: Ngũ tự nhạc: Đại triều nhạc: Thường triều nhạc: Yến nhạc: Cung trung nhạc: Dưới thời Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều 2 lần/tháng, thường triều 4 lần/tháng: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Tế bất thường: Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như đai triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc ... Đại yến cửu tấu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần ... Cung trung nhạc biểu diễn trong trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu... Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa ... Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông... 

Nhã nhạc lúc này có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương (lời ca bằng chữ Hán). Các nhạc chương đều do Bộ Lễ biên soạn phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Tế Giao có 10 nhạc chương mang chữ Thành (thành công); Tế Xã tắc có 7 nhạc chương mang chữ Phong (được mùa); Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ Hòa (hòa hợp), Tế Lịch Đại Đế vương có 6 nhạc chương mang chữ Văn (trí tuệ); Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ Bình (hòa bình); Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ Thọ (trường tồn); lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ Phúc (phúc lành)... Từ cơ sở kế thừa các triều đại trước, triều Nguyễn đã cho bổ sung thêm nhiều loại thể nhạc như Huyền nhạc, Ty trúc tế nhạc, Ty chung, Ty khánh, Ty cổ.

Vào cuối thế kỷ XIX, khi đất nước lâm vào nạn ngoại xâm, vai trò của triều đình mờ dần, thì âm nhạc cung đình cùng các lễ nghi cũng giảm và mờ dần. Vào cuối thời Nguyễn, chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc (gồm trống, kèn, mõ, bồng, xập xõa) và tiểu nhạc (trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, địch, tam âm, phách tiền). Ngoài ra, triều đình cho du nhập dàn Quân nhạc của phương Tây,  làm cho vai trò của Nhã nhạc càng mờ nhạt thêm.

Những nỗ lực bảo tồn di sản

Sau năm 1945, Nhã nhạc đã mất không gian vốn có của nó và có nguy cơ mai một dần. Hiện nay Nhã nhạc không còn giữ được diện mạo như xưa, nhưng nó vẫn có thể là một minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Tuy đã được duy trì và phát triển qua cả nghìn năm, nhưng ngày nay, các tài liệu lịch sử về Nhã nhạc không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về Nhã nhạc còn quá ít ỏi ... thực tế đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải và bức xúc về công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị.

Từ sau năm 1975, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin và lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chủ trương, quyết định để bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này. Trong Quyết định 105/TTg ngày 12-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996 - 2010, thì một trong những mục tiêu bảo tồn được xác định là: bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế, trong đó được khẳng định là nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng cung đình và lễ hội cung đình. Từ năm 1992, nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ra đời, chuẩn bị các cơ sở phục vụ cho công tác bảo tồn âm nhạc cung đình Huế. Để đảm bảo có không gian diễn xướng tương ứng theo lịch sử, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã triển khai tu bổ các công trình như Duyệt Thị Đường, Lương Khiêm Đường, Nam Giao, Thế Miếu. Bên cạnh đó đã tổ chức nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến âm nhạc cung đình.

Tháng 3/1994 UNESCO đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin, UBND tỉnh, Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức Hội nghị quốc tế về bảo vệ và giữ gìn phục hồi văn hóa phi vật thể vùng Huế.

Tiếp theo là các dự án đào tạo được Bộ Văn hóa Thông tin, các Quỹ của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản... tài trợ cho các lớp nhạc công, diễn viên ca múa cung đình.

Tháng 9/1996, Dự án đào tạo Nhã nhạc đầu tiên ở Việt Nam đã được xây dựng và tổ chức khai giảng tại trường ĐH Nghệ thuật Huế, với 15 sinh viên theo học các nhạc cụ thuộc dàn Đại nhạc và Tiểu nhạc. Sau đó, năm 1997 - 2000, JFAC đã tài trợ để tổ chức các hội nghị, tọa đàm về Nhã nhạc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà quản lý và đào tạo của nhiều nước như Nhật Bản, Phi-lip-pin, Việt Nam.

Cuối tháng 8/2002, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam, Trung tâm BTDTCĐ Huế, đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về Âm nhạc cung đình Huế - Nhã nhạc, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn di sản Nhã nhạc.

Bên cạnh đó, nhà hát Truyền thống cung đình Huế đã được thành lập (trực thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) bước đầu đã bảo tồn được một số bản nhạc như: 10 bản Ngự (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xung phong, Long hổ, Tẩu mã), Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc...; các bản nhạc thường dùng trong dàn Đại nhạc (Tam luân Cửu chuyển, Thái bình Cổ nhạc, Đăng đàn cung, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Mang, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép) cùng một số bài bản khác. Sự góp sức của đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế (thuộc Sở Văn hóa Thông tin và Câu lạc bộ Phú Xuân cũng góp phần tích cực vào việc bảo tồn di sản Nhã nhạc. 

Cùng với việc phục hồi các tác phẩm kể trên, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế của Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tiến hành biểu diễn phục vụ khách đến Huế tham quan, nghiên cứu. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền ở các nước Châu Á, Châu Âu như: Hàn Quốc, Lào, Pháp, Bỉ, Áo, Lucxămbua, đã tham gia tích cực các chương trình nghệ thuật của Festival Huế 2000, 2002. Đặc biệt từ ngày 01/02 đến 14/02/2004, Nhà hát đã đi biểu diễn Nhã nhạc cung đình tại các thành phố Montreuil, Arras, Areueil, Lyon, Marseille, thủ đô Paris (thuộc Cộng hòa Pháp) và thủ đô Bruxelles (thuộc Vương quốc Bỉ). Trong đợt lưu diễn này, tại văn phòng UNESCO (Pháp), bằng chứng nhận Di sản Nhã nhạc Việt Nam là Kiệt tác Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại đã được UNESCO trao cho Huế.

Hình ảnh Nhã nhạc Cung đình Huế được in trên các con tem do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành

Tỏa sáng với chức năng: khẳng định truyền thống văn hóa Việt Nam

Trung tuần tháng 8/2002, bộ hồ sơ Nhã nhạc đã được Trung tâm BTDTCĐ Huế thực hiện và Chính phủ đã ký quyết định gửi đến UNESCO đăng ký ứng cử vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại.

Hồ sơ Nhã nhạc bao gồm: trên 100 trang (hồ sơ viết), gần 100 trang phụ lục, trên 50 ảnh tư liệu và hiện trạng, phim slide, băng hình thuyết minh (10 phút), băng hình minh họa (70 phút), cùng nhiều tài liệu liên quan khác. Hồ sơ đã khẳng định Nhã nhạc là loại hình âm nhạc cung đình đạt đỉnh cao vào  thế kỷ 19 ở Việt Nam, Huế là trung tâm hội tụ và lan tỏa các giá trị này. Với các giá trị của không gian, bối cảnh, các kỹ năng kỹ thuật, cách thức diễn xướng, trình tấu, vị thế mang tính chất khẳng định bản sắc văn hóa thực trạng của công cuộc bảo tồn và chương trình hành động... 

Ngày 7/11/2003, Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam đã được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cùng với 27 kiệt tác khác của Châu Á (10); Châu Mỹ La tinh, vùng Caribê (6); Châu Âu (4); Châu Phi (2); vùng Trung Đông (3), Đa quốc gia (2).

Với những giá trị nổi bật, Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Việt Nam, bằng tất cả những gì còn lại ở Huế chắc chắn sẽ tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng với các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia trong khu vực và thế giới. 

Những giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị ở giai đoạn tới 

Việc bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể không phải chỉ dựa vào trí tuệ một cá nhân, một tập thể, cũng không phải là công việc một sớm một chiều, mà phải có sự nổ lực của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghê sĩ, các nhà quản lý và của tất cả mọi người.

Một trong những vấn đề then chốt là phải tiến hành điều tra các giá trị văn hóa liên quan đến Âm nhạc cung đình Huế, xây dựng kế hoạch các sưu tập tư liệu sách vở, ảnh, phim, băng nhạc, đĩa hát... Qua đó, cần tư liệu hóa các tác phẩm âm nhạc để dàn dựng các chương trình bảo tồn, đồng thời nhân bản tư liệu để cất giữ, đề phòng mất mát, nhất là điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Huế. 

Hơn nữa, cần tiếp cận những nghệ nhân, nhân chứng sống còn hiểu biết về âm nhạc cung đình, tiến hành thu băng, chụp hình, quay phim những diễn xuất giai điệu, ca từ mà họ trình bày. Hiện tại, những nghệ nhân xưa đã lần lượt ra đi, hạn hữu còn lại một vài vị cũng đã qua tuổi "cổ lai hy"... vì vậy phải khẩn trương khai thác những tri thức kỹ năng, kỷ xảo quý giá còn ở nơi họ. Cùng với sự tiếp cận này, phải xây dựng một chế độ đãi ngộ thích đáng đối với các nghệ nhân để họ nhiệt tình truyền nghề lại cho các thế hệ kế tiếp.

Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không kém phần quan trọng, nhằm góp phần nâng cao trình độ thưởng thức, huy động cái sở tri của mọi tầng lớp nhân dân về âm nhạc cung đình. Mở rộng tuyên truyền đến khách du lịch nước ngoài bằng các cuộc biểu diễn tại không gian diễn xướng lịch sử, mà âm nhạc cung đình đã thể hiện. Kêu gọi sự đóng góp tri thức của các bậc thức giả: tranh thủ sự đầu tư, hổ trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài cả về kinh phí, phương tiện, tư liệu, ổ chức các đợt biểu diễn tuyên truyền Nhã nhạc ở nước ngoài.

Điều đáng quan tâm khác là phải thành lập Hội đồng khoa học gồm các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu có uy tín để thường xuyên kiểm chứng các khúc nhạc, lời ca nhằm kịp thời uốn nắn, chỉnh lý, thậm chí loại bỏ những sai sót không đáng có, tránh sự cải biên tùy tiện làm giảm các giá trị đích thực của âm nhạc truyền thống.

Ngoài ra, cần xúc tiến thành lập một Nhà/phòng bảo tàng Âm nhạc cung đình Huế, có thể hoạt động bên cạnh hoặc trong lòng Duyệt Thị Đường, để trưng bày lưu trữ những nhạc cụ, nhạc bản, phục trang, hình ảnh, tư liệu những đĩa hát xưa và nay, những băng từ ghi âm, ghi hình, các tài lệu nghe nhìn về nhạc cung đình Hế, các địa điểm diễn xướng, để làm cho các kiến trúc lịch sử này sống lại trong môi trường văn hóa vốn có của nó.

Với sự kiện Nhã nhạc được công nhận Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, văn hóa Huế lại một lần nữa được đăng quang, chắc chắn sẽ tạo thêm những điều kiện mới cho sự phát triển của trung tâm văn hóa du lịch này. Bảo tồn di sản văn hóa âm nhạc cung đình luôn gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô, bởi lẽ hai loại hình văn hóa này luôn đan xen, hòa quyện để làm nên vẻ đẹp viên mãn của di sản văn hóa Huế.