menu_open
Phùng Quán và những chuyện có thể bạn chưa biết
04/08/2021 3:22:12 CH
Xem cỡ chữ:
(Đọc “Phùng Quán & Tôi” của Xuân Đài, Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2020)

Những năm qua, cứ mùa Xuân đến là bạn bè của nhà văn Phùng Quán (1/1932 - 22/1/1995) tại Huế lại có dịp về thăm nơi ông yên nghỉ trên vùng đồi quê hương Thủy Dương. Xuân 2021 này, nhà văn của “Tuổi thơ dữ dội” tiếp bước những nhân vật của mình đã 36 năm. Tuy vậy, Phùng Quán vừa “hiện diện” trong một cuốn sách khiêm tốn nhưng rất cảm động, do một bạn văn thân thiết của ông ghi lại: “Phùng Quán & Tôi” của Xuân Đài, Nxb. Phụ nữ Việt Nam vừa ấn hành cuối năm 2020.

Sau ngày Phùng Quán qua đời, hầu hết tác phẩm của anh đã được tái bản, chuyện đời và những kỷ niệm với Phùng Quán đã được nhà thơ Ngô Minh sưu tập và công bố. Tưởng không còn “sự tích” gì về Phùng Quán để kể với bạn đọc nữa. Nhưng đọc“Phùng Quán & Tôi”, mới hay còn nhiều chuyện chúng ta chưa biết; mặt khác, từ góc nhìn của người bạn thân thiết, các “sự tích” của Phùng Quán đã lưu truyền như được mang thêm tầng ý nghĩa.

Đọc 2 cuốn “Nhớ Phùng Quán” và “Phùng Quán còn đây”, ai cũng nghĩ mối tình đầu của Phùng Quán là với cô gái ở vùng biển Thanh Hóa; nhưng Xuân Đài khẳng định: “Theo tôi, không phải vậy, đó chỉ là những rung động đầu đời của anh lính trẻ với cô gái tên Như… Mối tình đầu của Phùng Quán là với cô văn công công tác ở Tổng cục Chính trị (tôi đổi tên thật cô, thay bằng T.H). Đó là năm 1955, Phùng Quán mới về làm việc ở số 4 Lý Nam Đế…”. Từ năm 1957, đây là trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chính Phùng Quán đã viết “ở ngôi nhà này… tôi được in tác phẩm đầu tay, lĩnh món nhuận bút đầu tiên, yêu mối tình đầu và tan vỡ mối tình đó…”. Mỗi khi có dịp ra phố với người yêu, Phùng Quán thường rủ cả Xuân Đài đi ăn. “Ăn là cái cớ, cái chính là nghe Phùng Quán đọc thơ vừa làm tặng T.H. Những bài thơ chân tình, thật thà, bây giờ đọc lại thấy ngô nghê, buồn cười… Có hai đứa yêu nhau/ Cả hai cùng bộ đội/ Cờ Tổ quốc trên đầu / Đứa Huế, đứa Hà Nội”.

Xuân Đài còn cho biết đã được Phùng Quán cho xem cuốn nhật ký viết chung hai người trong quyển lịch nhỏ năm Ất Mùi. T.H là diễn viên văn công quân đội, biểu diễn, tập tành, họp hành, hết giờ phải tắt đèn ngủ, nhưng “với tình yêu tôn thờ một người tài… cô đọc Vượt Côn Đảo không giống ai… Mắc màn xong, cô lấy mấy quyển sách xếp dọc giữa giường, lấy chăn trùm kín… Trực ban kiểm tra tưởng cô đã ngủ…”. Thực ra cô trốn ra nhà vệ sinh, say sưa đọc “Vượt Côn Đảo” trong 3 đêm liền!... 

Mối tình đầu đẹp như thế đã tan vỡ chỉ một năm sau. Đó là lúc Phùng Quán viết hai bài thơ sau khi được quân đội cử đi thực tế cải cách ruộng đất Đợt 5 tại Kiến An (Hải Phòng), trước cảnh đói khổ của nông dân mà có nơi xây lễ đài tốn tiền triệu bỏ dở, nhà thơ chiến sĩ đã viết những câu thơ chống tham ô lãng phí sắc bén, dữ dội đúng với phẩm cách người lính Cụ Hồ: “Tôi đã đi qua/ Những xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng…/ Hai mùa rồi lúa không có một bông/ Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ… Tôi đã gặp/ Những bà mẹ quấn dẻ rách…”. Nhà thơ trẻ kêu lên: “Các đồng chí ơi…/ Về Nam Định mà xem/ “Đài xem lễ” họ cao hứng dựng lên/ Nửa chừng bỏ dở…/ Bọn tham ô, lãng phí, quan liêu/ Đảng đã phê bình trên báo/ Còn bao tên chưa ai biết ai hay…/ Chúng nảy nòi, sinh sôi như dòi bọ!.../ Trung ương Đảng ơi!/ Lũ chuột mặt người chưa hết/ Đảng cần phải lập những đội quân trừ diệt/ Có tôi!/ Đi trong hàng ngũ tiên phong.”

Bài thơ dài có thể nhiều người đã đọc ở những cuốn sách tuyển tác phẩm của Phùng Quán, nhất là sau khi Phùng Quán được “minh oan”, rồi được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 (đợt 2). Tôi chỉ trích một số câu Phùng Quán viết từ 65 năm trước mà tưởng như nhà thơ mới viết hưởng ứng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết liệt tiến hành, để thấy những văn nghệ sỹ lớn thường có tầm nhìn xa, hoặc gọi là “tiên báo”; cũng để thấy cách nhìn nhận và lãnh đạo văn nghệ đã được Đổi mới rất nhiều. Một bài thơ đậm tính chiến đấu, tính Đảng như thế, từ chỗ bị quy kết các tội danh “chết người”, đã thành tác phẩm được nhiều thế hệ truyền tụng. Bài thơ “Lời mẹ dặn” cũng có số phận như thế! Có lẽ cũng không nên trách cô diễn viên T.H đã khiếp sợ khi Phùng Quán bị kết “tội”, “cô ra mặt lánh xa Phùng Quán… Phùng Quán tìm T.H, dang hai tay chặn lại, thái độ van nài, em cho anh nói một câu. T.H lạnh lùng nói: Tôi không có chuyện gì để nói với anh nữa. Cô bước nhanh, dứt khoát…”!

Một mối tình… buồn, nhưng lại làm nổi bật sự chung thủy của Phùng Quán. “Hơn 10 năm sau, khi Phùng Quán đã là cán bộ ở Vụ Văn hóa quần chúng, đi công tác miền Trung, nhớ đến bạn gái cũ đang sơ tán ở một huyện miền núi, Phùng Quán đạp xe tìm nàng…”. Tiếc là H.T vẫn sợ và cả nghi ngờ, không tiếp người yêu năm xưa. Nhắc lại chuyện tình đầu của Phùng Quán, chúng ta càng trân quý vẻ đẹp của chị Bội Trâm - giáo viên trường Chu Văn An (Hà Nội) đã can đảm vượt qua dư luận lầm lạc một thời, bất chấp sự ngăn cản quyết liệt của gia đình, đã tận tình, tận hiến với Phùng Quán đến cuối đời, để chúng ta có di sản vô giá của nhà thơ chiến sĩ Phùng Quán lưu truyền cho hậu thế.

Trong “Phùng Quán & Tôi”, nhà văn Xuân Đài còn cho chúng ta biết nhiều “chuyện tình” thật đẹp của Phùng Quán - không phải tình yêu trai gái mà là tình người cao thượng đối với bạn bè, nhất là với những ai đang thất thế. Cả với những người gặp nhất thời, Phùng Quán cũng đối đãi thân tình. Lúc mới ra quân, Phùng Quán đến ở nhờ nhà một ông lão bên sông Hồng; nhà tranh vách nứa, chỉ hai bố con. Phùng Quán cơi thêm một chái sát vách ông cụ, xa buồng cô gái, để cụ an tâm! Không ngờ, đêm khuya, ông cụ thì ho khù khụ, Phùng Quán thì hứng chí đọc to câu thơ vừa làm; cụ không hiểu, trách: “Thơ phú cái gì mà hết rên hư hự lại lẩm bẩm. Anh nằm yên cho tôi nhờ!” Cô gái lên tiếng bênh Phùng Quán, làm cụ thêm nghi, thêm bực. Thế là Phùng Quán ba lô khăn gói tìm chỗ ở mới, mặc cho trước đó cụ đã hiểu ra, nài nỉ anh ở lại. Chia tay, Phùng Quán biếu cụ bộ quần áo mới tinh vừa giặt, làm cụ càng hối hận, bảo anh cứ ở lại, chuyển chái nhà sang phía con gái “để đêm đêm được yên tĩnh làm thơ”

Phùng Quán là vậy. Anh sẵn sàng cho bạn bè những thứ mình có. Như khi có nhuận bút cuốn “Vượt Côn Đảo”, Phùng Quán mua mấy đồng hồ tặng bạn bè, riêng với “Huy Thành vừa là bạn, vừa là cấp chỉ huy của tao hồi ở Trung đoàn 101, thì ngoài cái đồng hồ, tao có mua cho nó cái xe đạp”. Phùng Quán đã kể với Xuân Đài như vậy. Huy Thành về sau trở thành đạo diễn điện ảnh nổi tiếng. Phùng Quán từng viết: “Nếu phần mộ tôi là vị trí tốt để đánh mìn/… Hãy đào mộ tôi lên…/ Và thay vào đó cho tôi một trăm cân thuốc nổ.”

Con người quyết liệt như vậy trong văn chương, đã được nhiều tầng lớp yêu quý. Khi anh qua đời, trong cuộc tiễn đưa anh “có một vòng hoa rất đặc biệt, đó là vòng hoa “Những người câu cá trộm”… chủ yếu là xóm Nghi Tàm… Họ đi hàng dọc từ ngoài ngõ, theo vòng hoa, chầm chậm bước vào, tập hợp quanh linh cữu thành vòng tròn. Một người lớn tuổi nhất bước lên một bước, dõng dạc hô: “Nghiêm! Phút mặc niệm người đồng đội vô cùng thân yêu của chúng ta, nhà văn tài năng, nhà câu cá bậc thầy, bắt đầu!”

Cũng thật đặc biệt, đã có ai như Phùng Quán, khi qua đời, được bạn thơ Ngô Minh, tuy chẳng là đồng hương, đồng họ, nhưng là đồng yêu say đắm “bầu rượu túi thơ”, đã đứng ra kêu gọi bạn đọc gần xa góp tiền xây nơi yên nghỉ thật đẹp trên vùng đồi quê nhà Thủy Dương, cùng với chị Bội Trâm, người phụ nữ nêu tấm gương dám vượt qua mọi trở lực để bảo vệ tình yêu cao đẹp của mình…

Nguyễn Khắc Phê