menu_open
Chưa nhiều Tủ sách Huế trong trường đại học
08/05/2023 5:44:55 CH
Xem cỡ chữ:
Cán bộ, sinh viên Trường ĐH Khoa học đọc sách ở Tủ sách Huế 
Xây dựng và nhân rộng mô hình Tủ sách Huế trong các trường đại học (ĐH) là nội dung trong đề án Tủ sách Huế của tỉnh nhà. Thế nhưng đến nay, vẫn có rất ít trường ĐH xây dựng được một Tủ sách Huế đúng nghĩa.
Cán bộ, sinh viên Trường ĐH Khoa học đọc sách ở Tủ sách Huế 

Có sách Huế nhưng chưa nhiều Tủ sách Huế

Mới đây (ngày 20/4), Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế ra mắt Tủ sách Huế trong trường ĐH. Tuy quy mô chỉ hơn 200 đầu sách về văn hóa, lịch sử, địa chí Thừa Thiên Huế…, nhưng đây được xem là một trong số ít đơn vị đã chú ý đến việc xây dựng mô hình Tủ sách Huế.

Trên thực tế, đề án Tủ sách Huế đã được công bố cách đây 2 năm. Trong đề án này, việc thí điểm xây dựng và nhân rộng mô hình Tủ sách Huế trong trường ĐH đã được đề cập. Thế nhưng, qua khảo sát, ngoài mô hình mới của Trường ĐH Khoa học và bộ sưu tập sách về Huế gồm 296 bản sách và 104 đầu sách về văn hóa, lịch sử, du lịch Huế (được xây dựng như một Tủ sách Huế) tại Trường Du lịch - ĐH Huế, thì nhiều đơn vị khác vẫn chưa triển khai được mô hình này.

Tại nhiều thư viện các trường ĐH, dễ nhận thấy là hầu hết các đơn vị ít nhiều đều có sách viết về Huế, gồm các sách liên quan đến chuyên ngành hay các sách, tài liệu về văn hóa, lịch sử, địa danh, du lịch, con người xứ Huế… song, vẫn còn nằm rải rác và được chưa tổng hợp lại thành không gian riêng cho sách Huế. Đại diện thư viện một trường ĐH tại Huế chia sẻ: “Do số lượng đầu sách còn ít, vì thế chưa xây dựng được mô hình Tủ sách Huế đúng nghĩa”.

ThS. Lê Đức Minh Phương, Phó Giám đốc Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin - ĐH Huế nhận định, trong bối cảnh hiện nay, với nguồn kinh phí đầu tư có hạn, các đơn vị thường ưu tiên nhiều hơn đến các tài liệu, giáo trình, sách về chuyên ngành đào tạo hơn phục vụ hoạt động nghiên cứu, dạy học của giảng viên, sinh viên. Điều này cũng phần nào dẫn đến quy mô số lượng các đầu sách về Huế chưa nhiều, chưa xây dựng đầy đủ các Tủ sách Huế trong đơn vị đào tạo ĐH.

Nguyên nhân khác gián tiếp tác động là văn hóa đọc bị ảnh hưởng bởi các phương tiện giải trí trong thời buổi công nghệ. Sinh viên lười lên thư viện đọc sách, hoặc chỉ quan tâm đến các đầu sách chuyên ngành, tài liệu phục vụ học tập và làm khóa luận. Vì vậy, các thư viện cũng tập trung nhiều hơn trong việc hướng đến phục vụ nhu cầu bạn đọc tại chỗ, chưa đầu tư, bổ sung nhiều các đầu sách về Huế.

Nuôi dưỡng tình yêu sách và số lượng sách

Trong buổi lễ công bố đề án Tủ sách Huế cách đây 2 năm, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh, việc hình thành Tủ sách Huế nhằm mục tiêu giới thiệu quảng bá hình ảnh Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực... phục vụ cho công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Các trường ĐH tại Huế có một điểm đặc biệt là không chỉ thu hút con em địa phương, mà học viên, sinh viên đến từ rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điều này đồng nghĩa việc xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình Tủ sách Huế là cơ hội để quảng bá văn hóa, con người xứ Huế với bạn bè khắp nơi, đồng thời lan tỏa tình yêu Huế, mong muốn đóng góp xây dựng Huế phát triển hơn nữa trong sinh viên và giới trẻ.

ThS. Lê Đức Minh Phương cho biết, mới đây, trong ngày hội sách, tỉnh cũng đã có tặng sách, mỗi trường khoảng 20 quyển sách về Huế nhằm đóng góp xây dựng Tủ sách Huế. Số sách này sẽ bổ sung hiệu quả vào tài liệu phục vụ cho cán bộ, giảng viên, sinh viên nghiên cứu.

TS. Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế khẳng định, việc các sách về Huế còn phân tán, chưa hình thành được không gian tủ sách Huế cũng là vấn đề cần quan tâm. Trong thời gian tới, đơn vị cũng sẽ nghiên cứu, định hướng thư viện dần dần xây dựng Tủ sách Huế thông qua nguồn lực sẵn có, dần dần tăng quy mô số lượng. Khi triển khai, nguồn sách có thể thu thập từ nhiều nguồn: Sách của các thầy cô viết về mỹ thuật, văn hóa Huế, các nguồn hỗ trợ từ ngành văn hóa, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức xã hội…

ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, cán bộ phụ trách thư viện Trường Du lịch - ĐH Huế cho rằng, với sự quan tâm của tỉnh, sẽ không quá khó để xây dựng Tủ sách Huế. Số lượng sẽ được tích lũy, bổ sung qua thời gian. Vấn đề quan trọng là làm sao “nuôi dưỡng”, lan tỏa tình yêu đọc sách của giới trẻ, hướng sinh viên đến khám phá, tìm hiểu những thông tin giá trị về văn hóa, du lịch, con người và đặc trưng xứ Huế qua sách.