Hội thảo "Giáo dục nghề nghiệp nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới" được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp để đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất gắn kết doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng tầm kỹ năng cho lao động đáp ứng yêu cầu lao động tham gia sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh chương trình Hội thảo
Trong những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư đúng mức trong công tác giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng được cải thiện nâng cao. Cơ cấu lao động từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn việc đòi hỏi đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số là yêu cầu quan trọng để giáo dục nghề nghiệp cần phải chuyển động tích cực hơn nữa nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Tham dự chủ trì và điều hành Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá vai trò quan trọng của hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đồng thời chỉ ra những tồn tại, thách thức trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, từ phương thức tổ chức thực hiện, hệ thống máy móc trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục nghề nghiệp, công tác nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới cũng như việc đánh gia chất lượng đầu vào - đầu ra cho hoạt động đào tạo tại các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thông qua Hội thảo, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng ngoài sự chủ động của chính quyền địa phương sẽ phát huy vai trò chủ động của các cơ sở giáo dục đào tạo và sự đồng hành của các doanh nghiệp thông qua những đóng góp cho tỉnh các giải pháp hay, cách làm sáng tạo góp phần phát triển hoạt động giáo dục nghề nghiệp của địa phương trong giai đoạn mới.
Hội thảo được diễn ra trong không khí sôi nổi với nhiều tham luận chất lượng như: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong điều kiện kinh tế số hiện nay (Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế); Nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua đào tạo và giải quyết việc làm: Tiếp cận từ góc độ văn hóa và dân tộc học (Phân Viện văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế); Nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân lực lĩnh vực du lịch và nghề truyền thống (Viện nghiên cứu và phát triển tỉnh); Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế).
Các diễn giả tham gia trình bày tham luận tại chương trình
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia cũng đồng tình quan điểm việc đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động là bản chất và định hướng chủ yếu để đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp, chọn lựa ngành nghề đáp ứng ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vì vậy cần có Hội đồng GDNN để tham mưu tư vấn các nội dung chuyên môn trong đào tạo nghề như tập trung phát triển ngành, nghề gì, chất lượng cơ sở GDNN, cũng như các cơ chế chính sách hỗ trợ GDNN. Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe “Giới thiệu mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp nhằm tăng cường gắn kết mối quan hệ Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong GDNN và phát triển kỹ năng” của bà Lê Minh Thảo, Cán bộ Chương trình Cấp Cao GIZ cũng như Đề xuất mô hình Hội đồng GDNN cấp tỉnh nhằm phát triển kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế” đến từ TS. Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đề xuất mô hình Hội đồng GDNN cấp tỉnh nhằm phát triển kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế” đến từ TS. Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các đề xuất gắn với quá trình đúc kết kinh nghiệm của các chuyên gia cũng như thực tiễn của địa phương, là cơ sở cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, tiếp thu, nghiên cứu và tham mưu điều chỉnh các chính sách liên quan cho UBND tỉnh được kịp thời và hiệu quả trong công tác GDNN trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại chương trình: