Theo sử sách, Nguyễn Tri Phương (tên thật là Nguyễn Văn Chương), tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, sinh ngày 21-7 năm Canh Thân (năm 1800) tại làng Đường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền (nay là xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Nguyễn Tri Phương là cái tên ông được vua Tự Đức ban tặng năm Canh Tuất (1850), lấy tứ từ câu “Dõng thả tri phương”, có nghĩa là dũng mãnh mà lắm mưu chước.
Làm quan dưới các triều Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một đại danh thần Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Thành Hà Nội thất thủ, ông bị quân Pháp bắt giữ nhưng ông đã cự tuyệt hợp tác và tuyệt thực tới chết và mất ngày 20-12-1873 (1-11 âm lịch), thọ 73 tuổi. Ông được chép công trạng khắc vào bia đá ở tòa Võ Miếu Huế.
Sau khi ông hy sinh, thi hài ông và Phò mã Nguyễn Lâm (con trai ông, cùng hy sinh khi giữ thành Hà Nội) được vua Tự Đức cho đưa về an táng tại quê nhà. Lăng mộ ông và Nguyễn Lâm được dòng họ xây dựng vào khoảng năm 1874. Năm 1875, vua Tự Đức cho rằng Nguyễn Tri Phương trải qua ba triều vua, thủy chung với triều đình trước sau như một, nên cho thờ phụng ở nhiều nơi. Nhà vua cho xây dựng đền Trung Hiếu ở Phong Chương để thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương, em trai Nguyễn Duy và con trai Nguyễn Lâm. Vua Tự Đức phê “Nguyên tam - Tuyên quân thứ Khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương tử tiết tại Hà Nội, em ruột là Tán lý Nguyễn Duy tử tiết tại Nam Kỳ, con là Phò mã Nguyễn Văn Lâm cũng tử tiết ở Hà Nội theo cha, người thì vì nước bỏ mình, kẻ thì vì cha tuẫn tiết, trung hiếu tiết nghĩa gồm ở một nhà, vậy Triều đình phải nên ưu đãi”.
Qua chiến tranh và thời gian, nhà thờ và khu lăng mộ Nguyễn Tri Phương vẫn giữ được đến nay gần như nguyên trạng.
Ngày 14/7/1990, Khu di tích lịch sử nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Tri Phương cùng lăng mộ Phò mã Nguyễn Lâm và lăng mộ Nguyễn Duy (em ruột ông Nguyễn Tri Phương) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định số 575-QĐ/VH về việc công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.