menu_open
Duyệt Thị Đường
21/12/2012 2:24:06 CH
Xem cỡ chữ:
Duyệt Thị Đường là tên một nhà hát trong hoàng cung của triều Nguyễn. Đây là một nhà hát có quy mô lớn, được xây dựng sớm so với các nhà hát khác tại kinh đô Huế. Nó được dùng để biểu diễn những bộ môn nghệ thuật sân khấu mà chủ yếu là biểu diễn tuồng (hát bội), nhằm phục vụ vua, hoàng gia, các đình thần và thượng khách nước ngoài có quan hệ với triều đình.

Biểu diễn điệu múa Lục cúng hoa đăng tại Duyệt Thị Đường (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Nhà hát này tọa lạc bên trái trong phạm vi Tử Cấm thành, nối với điện Càn Thành bằng một hệ thống hành lang có mái che. Theo sách Đại Nam Nhất Thống thì: Duyệt Thị Đường ở ngoài tường phía đông điện Quang Minh, ngó về hướng đông, quy mô vuông vức rất cao rộng, dựng năm Minh Mệnh thứ 7(1826). Phía tả tiền làm Sở Thượng Thiện, phía hữu làm viện Ngự y, đều ngăn bức tường, đều làm năm Tự Đức thứ 6(1853). Niên hiệu Thành Thái làm thêm nhà cầu, và nhà bếp. Phía nam viện Ngự y cách bức tường có Thị vệ trực phòng và ty Cẩn Tín. Phía đông ty Cẩn Tín có Tiên Trượng khố, dựng trong niên hiệu Thành Thái [QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam Nhất Thống chí, tập Kinh sư, Nha Văn hóa bộ QGGD Sài Gòn, 1960, trang 25.]

Duyệt Thị Đường có tổng diện tích là 11740m2, diện tích nhà hát 1182m2. Nhà hát có hình chữ nhật rộng rãi với bộ mái có những bờ quyết cong, được chống đỡ bằng hai hàng cột lim cao 12m, gồm hai tầng. Đây là một tòa nhà bằng gỗ bốn gian hai chái, quay mặt về hướng đông. Chung quanh nhà hát có xây một vòng tường bằng gạch để làm giới hạn. Ở vòng tường ấy, phía đông bắc có trổ cửa Duyệt Thị Tả Môn (cao 5m, rộng 4,2m trong lòng xây cuốn vòm, được làm vào năm 1829) quay mặt về hướng bắc và phía đông nam có trổ cửa Duyệt Thị Hữu Môn quay mặt về hướng đông. Cửa này nằm đối diện với cửa nách (dịch môn) ở bên trái Tử Cấm thành (đã bị xây bít từ lâu). Phía trước Duyệt Thị Đường có một cửa tam quan (cửa chính vào Duyệt Thị Đường ngày nay), cửa ở giữa cao 3m, rộng 4m; hai cửa hai bên cao 2,25m, rộng 1,9m. Trong và ngoài đắp nổi ba chữ Duyệt Thị Môn trên có mái che.

Theo kết quả khảo cổ học của Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế năm 2003 về khu di tích Duyệt Thị Đường thì diện tích móng ban đầu theo chiều dài đông - tây là 45,9m và chiều rộng nam – bắc là 34,5m. Hệ thống móng này cách đều móng nhà hát Duyệt Thị Đường hiện tại ở hai mép đông và tây là 2,8m, hai phía nam bắc là 6,8m. Nền nhà gốc ở độ sâu 18 - 25cm (so với nền nhà hiện tại), lát gạch Bát Tràng màu đỏ tươi kích thước 38cm x 38cm x 3,5cm. Giữa nhà có sàn diễn hình chữ nhật có kích thước 10,5m x 9,1m, lát gạch xi măng tráng men màu đen, kích thước 20cm x 20cm x 2cm. Hàng gạch xung quanh sàn diễn khác màu trang trí hồi văn hình chữ T, có kích thước như gạch lát sàn diễn. Nền nhà phía sau nối với trường lang và được lát bằng gạch Bát Tràng màu nâu sẫm, kích thước 38cm x 38cm x 6,5cm cùng loại với gạch lát trường lang.

Sân khấu chính làm nơi biểu diễn ở giữa nhà hát, vị trí của vua ngồi xem hát là ở tầng hai. Phía trước hai bên vòm có treo một câu đối của vua Minh Mệnh

Nguyên văn như sau:

音樂並陳和其心以養其志
妍媸齊獻取其是而戒其非

Phiên âm:

Âm nhạc tịnh trần hòa kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí
Nghiên xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi.

Tạm dịch:

Âm nhạc cùng phô bày hòa lòng người để nuôi dưỡng chí khí
Tốt xấu đều được đưa ra nên giữ lấy cái đúng (cái tốt) mà giới hạn cái sai (cái xấu).

Sân khấu có ba mặt, phần bức tường ở cuối sân khấu trổ hai cửa, các diễn viên vào phía phải và ra phía trái. Phía sau bức tường là một phòng rộng đựng tủ kệ để chứa các bản tuồng, hia, mão và đạo cụ biểu diễn; trong phòng còn có một khám thờ các vị tổ sư nghề hát bội.

Nhà hát Duyệt Thị Đường trải qua các đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị là một nhà hát độc lập với Thị vệ Trực phòng ở sâu phía đông nam. Đến năm Tự Đức thứ 6 (1853), nhà vua cho xây dựng trước sân Duyệt Thị Đường hai công trình phụ: phía bên trái là sở Thượng Thiện, phía phải là viện Ngự y. Dĩ nhiên hai công trình này ở gần như biệt lập với Duyệt Thị Đường bằng những bức tường cao. Đến thời Thành Thái làm thêm nhà cầu và nhà bếp như sách Đại Nam Nhất Thống chí đã ghi.

Dưới thời vua Đồng Khánh (1886-1888), một quan chức người Pháp là F.Baille từng có dịp vào xem hát ở Duyệt Thị Đường đã mô tả trang trí nội thất ở nhà hát như sau: Gian phòng không được sáng sủa lắm. Hàng cột và những cây đà ngang làm bằng gỗ nguyên thân màu đen càng tăng thêm vẻ u tối. Trên trần nhà có vẻ hình mây bay, nhiều ngôi sao, mảnh trăng khuyết trên nền xanh đã bám bụi thời gian. Chúng tôi thấy hai hay ba cánh cửa sập dùng lúc diễn tuồng. Vài cây đèn dầu lửa loại thường của người Âu chế tạo đong đưa dưới cây sắt dài, vài cây đuốc để trên bàn và đất không đủ sức soi sáng cả gian nhà quá rộng. Nhiều chiếc chiếu trải trên mặt giữa phòng làm sân khấu. [F.Baille, Les Annamites, Tạp chí Bibliothèque illustreedes voyages autour dumonde par terre et par mer, số 38, Pari tháng 12 năm 1891, trích tại Văn hóa tập san, số 4, Sài Gòn 1973, trang 75].

Một người Pháp khác có tên là Marcel Monnier được vua Thành Thái mời vào xem hát bội ở Duyệt Thị Đường nhân dịp lễ vạn thọ lần thứ 17 của nhà vua, về sau trong cuốn Le tour d`Asie (Du lịch châu Á) của mình Marcel Monnier đã có đoạn viết về Duyệt Thị Đường như sau: Nhà hát hình chữ nhật, mái cong như mái đình chùa được chống đỡ bằng mấy hàng cột sơn son. Nhà hát được xây dựa lưng vào hoàng cung ở đó có cung điện dành cho nhà vua và các bà phi. Các bà này xem hát ngồi trên một khán đài cao chiếm gần hết phần cuối nhà hát. Phía trước khán đài của các bà có treo một tấm màn trúc. Xuyên qua cái “bình phong” mềm mại di động đó các bà thu hình trong một thứ ánh sáng nhờ nhờ, từ đó các bà nhìn ra và không sợ ai nhìn thấy dung nhan các bà. Họ nói chuyện huyên thuyên nhè nhẹ. Xen vào tiếng thỏ thẻ như trong lồng chim ấy là tiếng quạt phành phạch giống như tiếng chim vỗ cánh. Tiếng xào xạc của quần áo lụa, tiếng kim khí của đồ nữ trang va chạm vào nhau, tiếng lanh canh của những sợi dây chuyền vàng, thỉnh thoảng một tiếng cười lại phá lên, tiếng cười của trẻ thơ, tiếng cười sớm được hãm lại và theo sau là một sự im lặng kéo dài.

Cách trang trí nhà hát thật hài hòa: con rồng Việt Nam được thể hiện khắp nơi trên những khung gỗ, hoặc bám quanh những thân cột. Trần nhà sơn màu xanh lơ, tinh tú với những dấu hiệu của hoàng cung gắn nổi lên trên. Đồ gỗ sắp đặt rất tương xứng. Ở chân đài dành cho các bà hoàng thái hậu và các bà ở hậu cung, ngai vàng đặt trên một cái bệ đứng riêng một mình. Ở bên phải và bên trái đặt hai hàng ghế dành cho các vị quốc khách, cho các vị chức sắc ở tòa Khâm sứ, cho các tướng lĩnh quân đội và cho các bộ tham mưu của họ. Xa hơn một chút nữa ở hai bên sân khấu đặt hai dãy ghế dài trãi vải điều sẫm dành cho các quan trong triều, các vị trong Hội đồng nhiếp chính, Hội đồng cơ mật… Tất cả những người có chức tước đều đeo thẻ bài trước ngực. Đó là một loại kim khánh đeo với một sợi dây bằng lụa màu đỏ. Y phục bằng gấm được thêu hoa với  đủ màu sắc sặc sỡ. Cảnh quang được tô điểm thêm bằng bữa cơm chiều dọn trên một cái bàn dài. Có nhiều thứ bánh rất ngon do chính tay các bà phi làm cho vua và các vị khách quý.

Người phục dịch mặc áo ngắn màu đỏ, đi qua đi lại rất nhẹ nhàng, dáng đi uyển chuyển với đôi bàn chân không. Họ rót rượu mời khách thận trọng như các em giúp rót rượu lễ trong nhà thờ.

Sân khấu thật sự không có, không có gì ngăn cách giữa thế giới hiện thực với các diễn viên. Diễn viên di động đồng bộ với khán giả trong khung hình vuông rộng được tổ chức ngay phía trước ngai vàng và chỗ dành cho quan lại. Trang trí theo lối cổ: một bức tường có trổ hai cửa đi ra bên trái, đi vào bên phải. Sân khấu như thế người xem được dự vào cái thế giới của nghệ thuật. [ Marcel Monnier, Le tour d`Asie (Du lịch châu Á) Nxb Plon (Pari), năm 1899, trang 186-189].

Đến thời Khải Định nhân dịp lễ Tứ tuần đại khánh nhà vua đã cho sửa chữa Duyệt Thị Đường để có thể mở rộng đối tượng xem hát và thêm chức năng phòng hội làm cho nhà hát có sức chứa lớn hơn. Theo bài “Những tài liệu liên quan đến các lễ lược Tứ tuần khánh thọ” của H. Déletie trong BAVH tập XII năm 1925 thì có những hoạt động quan trọng đã diễn ra ở Duyệt Thị Đường. Sự việc thứ nhất diễn ra ngay sau lễ chính thức một ngày đó là nhà vua đã đãi yến tiệc và tặng quà cho các vị tôn tước từ tứ phẩm trở lên, các Công tôn, Công tử, Tôn thất và Thích lý (bà con bên ngoại của nhà vua), các quan lại văn võ đang làm việc ở Huế, quan văn từ Tư vụ trở lên, quan võ từ Suất đội trở lên cũng như các quan lại đã nghỉ hưu tòng ngũ phẩm trở lên. Hoạt động thứ hai đó là năm ngày sau lễ chính thức, tổ chức biểu diễn hát bội ca kịch liên tiếp trong ba ngày ở Duyệt Thị Đường để chiêu đãi các hoàng thân, các quan lại đại thần trong triều đình, những người trong ban tổ chức lễ Tứ tuần đại khánh và các vị tôn tước từ tứ phẩm trở lên. Không những được xem hát mà tất cả những vị khách mời này đề được dự buổi ăn tối.

Đến năm 1962, nhà hát Duyệt Thị Đường được sử dụng làm trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Theo ông Nguyễn Hữu Vấn (người từng phụ trách bộ môn Quốc nhạc của trường Quốc gia Âm nhạc từ năm 1962 đến năm 1968) thì “trước khi khai giảng niên khóa đầu tiên (1963-1963), linh mục Ngô Duy Linh (hiệu trưởng nhà trường) giao cho ông cùng thầy trò trường nhạc phải dọn dẹp làm vệ sinh tòa Duyệt Thị Đường để làm nơi học tập”. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Vấn thì trường Quốc gia Âm nhạc Huế đã sử dụng ngôi nhà Thị vệ trực phòng làm chỗ ở cho hiệu trưởng Ngô Duy Linh. Bên trong nhà Duyệt Thị cũng được sửa sang cải tạo lại nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của trường. Đó là sửa chữa các bộ cửa ra vào và cửa sổ trên hai dãy gác đã quá cũ; ngăn tạm hai dãy gác hai bên để làm phòng học; dùng vải che cái đài dành cho các bà trong nội cung ngồi xem hát trước kia và cái bục từng đặt ngai vàng dành cho vua ở cuối phía tây nhà Duyệt Thị; dựng một sân khấu trước tấm màn che để cho sinh viên âm nhạc tập sự biểu diễn.

Duyệt Thị Đường đã bị cải tạo để làm trường Quốc gia Âm nhạc Huế làm cho nó thay đổi hẳn từ diện mạo kiến trúc đến vật liệu xây dựng. Tòa nhà bị thu nhỏ diện tích, kết cấu bằng bê tông cốt thép. Nền được nâng cao hơn khoảng 20cm và lát gạch tráng men vàng. Mái đôi được thay bằng mái đơn.

Kể từ năm 1995, các cơ quan chức năng đã trùng tu nhà hát này theo nguyên tắc bảo tồn thích nghi để phát huy tác dụng vào việc biểu diễn âm nhạc truyền thống và tuồng cung đình để phục vụ du khách. Mặt bằng xây dựng của nhà hát hiện nay có hình chữ nhật kích thước 40m x 21m gồm nhà chính và nhà vỏ cua ở mặt tiền. Mái lợp ngói thanh lưu ly, nội thất sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Từ năm 2004, Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế đã đưa vào hoạt động phục vụ du khách. Nhà hát đã khôi phục tám trong 11 điệu múa cổ, 40 bài nhã nhạc và nhiều đoạn trích tuồng cổ, trong đó có những tiết mục dàn dựng công phu như: Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc), Lục cúng hoa đăng… và các đoạn trích tuồng cung đình  tiêu biểu trong vỡ Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ vương.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian và biến thiên của lịch sử nhà hát Duyệt Thị Đường không còn được như xưa nhưng nó vẫn có những giá trị nhất định về lịch sử. Di tích này đã và đang thu hút rất đông khách du lịch tham quan khi đến Huế.

Nguyễn Công Trí
Các bài khác
    << < 1 2 3 > >>