menu_open
Nguồn nhân lực cho ngành du lịch
02/12/2024 4:27:59 CH
Xem cỡ chữ:
 Hướng dẫn sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Huế thực hành nghề nghiệp
Chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi để phát huy tiềm năng du lịch. Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, du lịch của Cố đô cũng phải được nâng lên xứng tầm với vị thế, trong đó có yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.
 Hướng dẫn sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Huế thực hành nghề nghiệp

Vai trò quan trọng

Ngành du lịch Việt Nam đang phát triển sôi động trở lại sau đại dịch COVID-19. Theo số liệu công bố của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 14,1 triệu lượt, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2023. Tại Thừa Thiên Huế, thống kê từ ngành du lịch cho thấy, 10 tháng đầu năm nay đã đón gần 3,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 1,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước.

Tiềm năng và dư địa phát triển của ngành du lịch còn rất lớn. Song, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển vẫn luôn là trăn trở của ngành du lịch, đặc biệt là sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo thống kê từ Sở Du lịch, nhân lực trong ngành du lịch đến năm 2020 từng đạt khoảng 31.000 người. Giai đoạn 2020 - 2022, do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch Thừa Thiên Huế gần như đóng băng, cơ cấu nhân lực từ du lịch từ đó có sự dịch chuyển lớn sang các ngành kinh tế khác, chỉ còn 6,6 nghìn lao động du lịch năm 2021. Sau khi ngành du lịch “mở cửa” trở lại từ tháng 3/2022 và bức tranh du lịch phục hồi tốt đã thu hút sự quay trở lại của người lao động trong lĩnh vực du lịch, nhưng so với yêu cầu đặt ra về cả lượng lẫn chất, nguồn nhân lực du lịch vẫn là một bài toán cần nghiên cứu giải pháp.

Phân tích từ Sở Du lịch cho thấy, dự báo đến năm 2025, du lịch Huế sẽ đón khoảng 4,7 triệu lượt khách và cần hơn 41.300 người lao động trong ngành du lịch; trong đó, cần gần 13.800 lao động trực tiếp và hơn 27.500 lao động gián tiếp. Đến năm 2030, du lịch Huế dự kiến đón khoảng 8,2 triệu lượt khách và cần hơn 62.800 lao động trong ngành du lịch, gồm hơn 20.900 lao động trực tiếp và gần 41.900 lao động gián tiếp. Vì vậy, du lịch Huế rất cần thu hút và tăng cường đào tạo, bổ sung đội ngũ lao động trong ngành du lịch.

Bên cạnh yêu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề đặt ra. Đứng trước vận hội mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, du lịch Huế phải đặt ra những yêu cầu xứng tầm với vị thế.

Mới đây, tại hội thảo khoa học quốc gia “Vai trò của các bên liên quan trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức (ngày 14/11), Thứ trưởng Hồ An Phong đã khẳng định, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi để phát huy tiềm năng du lịch. Nguồn nhân lực là vấn đề trọng yếu, không chỉ là vấn đề của hệ thống các trường nghề, cao đẳng của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, mà còn là vấn đề của các cấp quản lý nhà nước, cần có sự phối hợp, kết nối với các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội du lịch, các tổ chức, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp… để có thể đánh giá tổng thể, toàn diện công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hiện nay và kiến giải trách nhiệm của các bên, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm trong xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch một cách bền vững.

So với các địa phương, Huế có hệ thống các cơ sở đào tạo về du lịch là các trường đại học, cao đẳng với đa dạng các ngành nghề trong lĩnh vực du lịch từ bậc trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là lợi thế để phát triển nguồn nhân lực du lịch cả về lượng và chất.

PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch - Đại học Huế cho biết, tổng số sinh viên đào tạo của nhà trường hiện tại là hơn 3.000 người. Nhà trường đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hợp tác với các doanh nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội để người học tiếp cận với môi trường doanh nghiệp từ sớm nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

Theo ThS. Phạm Bá Hùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế chia sẻ, trước yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, vừa qua, nhà trường đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác để thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi bên và đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Nhiều nội dung hợp tác sẽ được triển khai, trong đó có liên kết đào tạo dài hạn và ngắn hạn; trao đổi nguồn lực giảng viên, chuyên gia giữa hai bên; trao đổi nguồn lực người học; trao đổi dữ liệu, tài liệu nghiên cứu, xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu… Đây là cơ sở để đơn vị đào tạo nâng cao chất lượng đầu ra.

Bên cạnh việc đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng, việc nâng cao năng lực cho những người đang làm du lịch cũng thực sự cần thiết. Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, ngành du lịch và các đơn vị liên quan đã và đang thường xuyên mở các lớp đào tạo, khóa tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng làm du lịch của đội ngũ nhân lực đang phục vụ cho ngành. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đang có cơ chế thu hút nhân lực du lịch có chất lượng.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC