Ngày nay, do đầy đủ máy móc và sự phong phú của các loại phẩm màu đã tạo ra những hạt nổ tròn bung, rực rỡ màu sắc góp phần tô điểm cho mâm lễ vật càng thêm phong phú. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, sở dĩ trong các lễ cúng ngoài trời đều không thể thiếu hạt nổ để phân phát cho các loại cô hồn đang đói khát, vất vưởng khắp nơi. Hiện nay ở tỉnh TT.Huế người làm tập trung ở hai thôn Mậu Tài và Lại Ân của xã Phú Mậu (huyện Phú Vang). Ở Mậu Tài chỉ còn vài ba hộ, thôn Lại Ân còn khoảng 17 hộ. Người có thâm niên nhất trong nghề làm nổ hiện nay là ông Trần Minh 60 tuổi ở Mậu Tài (Phú Mậu - Phú Vang) có hơn 40 năm trong nghề.
- Các công đoạn làm nổ cũng khá vất vả, gian truân, thức khuya, dậy sớm, đòi hỏi người làm phải có tính kiên trì, nhẫn nại.
- Dụng cụ để làm nổ gồm: máy xay nếp, thau hấp bột, thau rang bột, xề bằng tre, thúng, rổ, dần, lò sấy, than, cát mịn...
- Chọn nếp: Hạt nếp phải to, tròn, trắng, không bị lẫn với gạo. Nếu hạt nếp bị vụn và ngã màu thì sẽ làm cho hạt nổ sẽ không được tròn trịa như ý và tỉ lệ hao hụt lớn.
- Chọn cát: Cát vàng, mịn, hạt nhỏ lấy từ đáy sông lên vút sạch và để nơi sạch sẽ, tinh tấn. Theo kinh nghiệm của ông Minh ở Mậu Tài (Phú Mậu - Phú Vang), nếu lấy cát nơi đường đi hoặc không rõ nguồn gốc thì sẽ bị dơ bẩn, vì thế mà hạt nổ sẽ không "linh" (?).
- Màu sắc: Hạt nổ thường được nhuộm bằng 4 màu: đỏ, xanh, vàng, trắng. Kiêng kỵ nhất là không nhuộm hạt nổ màu đen, màu tím, màu đà ... vì người ta cho rằng những màu ấy không được tinh tấn sạch sẽ.
- Than sấy: dùng than tổ ong hoặc than đá, không dùng than củi vì sẽ chóng tàn và không đủ nhiệt để hạt nổ nở tròn, to.
- Các công đoạn sản xuất hạt nổ:
1. Lấy nếp ngâm vào nước khoảng 5 ngày cho nở.
2. Đem nếp vút thật sạch, vút vài ba lần vào nước giếng, nước sông, nước máy, hoặc nước mưa.
3. Đổ nếp vào máy để xay (Thuở xưa chưa có máy móc thì phải giã bằng tay xay bằng cối đá. Ngày nay có sự hỗ trợ của máy móc thiết bị nên giải phóng được khá nhiều sức lao động chân tay, trong ngần ấy thời gian mà hiệu quả gấp chục lần).
4. Đem bột rây trên 1 tấm vải dày để gạn bỏ cặn bã nếp và lấy được tinh bột.
5. Đổ tinh bột vào bọc vải để ép khô.
6. Lấy tinh bột đã được ép khô trộn với phẩm màu.
7. Dồi bột thật dẻo rồi đem vỗ ra thành từng miếng mỏng.
8. Bỏ bột vào nồi hấp chín (khoảng 15').
9. Để nguội miếng bột và dùng tay kéo mỏng như bánh tráng.
10. Đem tấm bột phơi khô (nếu trời mưa thì phải dùng than để sấy).
11. Lấy kéo xắp thành từng cọng nhỏ (mỗi cọng dài khoảng 30').
12. Đem các cọng bỏ vào lò sấy cho khô (khoảng 30').
13. Để nguội cọng bột và xắp thành từng hạt nhỏ (bằng hạt đậu nành).
14. Bỏ vào chảo cát rang để tạo ra hạt nổ thành phẩm.
Nói chung, các công đoạn làm nổ hết sức vất vả và công phu.
Ông Trần Đình Thông, 53 tuổi ở xóm 8 thôn Lại Ân (Phú Mậu, Phú Vang). Có 21 năm trong nghề cho biết: Hàng ngày vợ chồng ông phải dậy sớm từ 4h sáng và làm quần quật đến 21h mới xong việc.
- Thu nhập: Bình quân mỗi người làm được khoảng 5 kg nếp/ngày.
Ngoài chi phí các khoản như nếp, phẩm, than, dầu phụng... thu nhập khoảng 50.000đ/người/ngày.
Tuy nhiên, nghề nổ cũng không cần nhiều vốn, chỉ cầu đức tính chịu khó, cần mẫn, kiên trì của người làm. Bán được nhiều hay ít, nhanh hay chậm cũng tùy theo mùa, theo buổi chợ và nhu cầu của thị trường khác nhau.
Thông thường hàng năm, tháng 3-9 Âm lịch người ta ít cúng nên hạt nổ bán ế ẩm. Những tháng được coi là cao điểm bán chạy hàng nhất là tháng 12 và tháng 1 Âm lịch, vì những tháng này người ta cúng nhiều, cúng cuối năm, tất niên và cúng đầu năm mới. Ông Trần Đình Thông cho biết: Những tháng này thu nhập khoảng 80.000đ - 100.000đ/người/ngày. Những tháng cao điểm này nhiều gia đình phải thuê thêm người làm mới đủ hàng theo yêu cầu của khách mua.
Ngày nay, các hộ làm nghề hạt nổ ở xã Phú Mậu (Phú Vang) vẫn sản xuất quanh năm, vừa bảo đảm công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình, vừa cung cấp cho thị trường gần xa một sản phẩm khá đặc thù, rực rỡ sắc màu và không thể thiếu trong mâm lễ vật dâng cúng ở ngoài trời của mỗi gia đình người dân đất kinh thành. Không những thế, hạt nổ còn được tiêu thụ khá mạnh ở các tỉnh, thành lân cận như Đông Hà, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đà Lạt thậm chí còn len lỏi vào tận các tỉnh xa như Tam Kỳ, Quảng Ngãi...
Một điều khá thú vị mà lần đầu tiên tôi nghe đến: Làm nghề nổ phải tuyệt đối tinh tấn, sạch sẽ từ con người cho đến các vật dụng đặc biệt người làm nổ phải có cái tâm trong sáng, tự đáy lòng mình phải tôn kính các vị đã khuất. Nếu người uế tạp đứng làm nổ thì kết quả sẽ không như mong đợi (?) Bà Trần Thị Gái ở xóm 8 Lại Ân (Phú Mậu, Phú Vang) nói.
Cũng là điều dể hiểu bởi vì đây là mặt hàng khá đặc thù chỉ dùng để cúng cấp nên trong quá trình sản xuất phải tuyệt đối sạch sẽ, tươm tất. Có như vậy người cúng mới gửi gắm trọn vẹn tâm nguyện và sự thành kính của mình đối với những người đã khuất.
Xét về mặt tín ngưỡng và đời sống tâm linh của tuyệt đại đa số người dân xứ Huế thì nghề làm nổ chắc chắn sẽ còn "sống" mãi và phát triển mạnh mẽ theo thời gian và với tâm thức người Việt./.