menu_open
Sôi nổi lễ hội Cầu Ngư của người dân miền biển Thừa Thiên Huế
02/02/2023 9:57:03 SA
Xem cỡ chữ:
Ngày 1/2 (ngày 11 tháng Giêng Âm lịch), tại làng Thai Dương Hạ đã diễn ra lễ hội Cầu Ngư truyền thống của làng.
Lễ hội Cầu Ngư tại làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương, TP Huế, Thừa Thiên Huế) phản ánh đời sống đạo đức, trí tuệ, tinh thần của ngư dân vùng biển. Bên cạnh đó, còn giúp những người ngư dân an tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Ngày 1/2 (ngày 11 tháng Giêng Âm lịch), tại làng Thai Dương Hạ đã diễn ra lễ hội Cầu Ngư truyền thống của làng.

Lễ hội là ngày hội văn hóa của cả cộng đồng, tràn đầy lạc quan và hy vọng, là nguồn cổ vũ cho ngư dân có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước.


Lễ hội Cầu Ngư làng Thai Dương Hạ tồn tại hàng trăm năm được tổ chức để tỏ lòng nhớ ơn vị khai canh làng là Trương Quý Công (hay còn gọi là Trương Thiều). Nhờ có ông mà người dân nơi đây biết đến nghề đánh cá và giao thương buôn bán hải sản cho các vùng lân cận.


Theo phong tục “tam niên đáo lệ” (ba năm một lần tổ chức hội lớn), lễ hội Cầu Ngư làng Thai Dương Hạ năm nay diễn ra trong không khí vui nhộn, sôi động, bởi ba năm trước đó lễ hội truyền thống này không thể tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh.


Phần Lễ của lễ hội sẽ có các nội dung như: lễ Cung Nghinh Ngài thần Hoàng, lễ Cầu an, lễ Chánh Tế… Bài văn tế dâng lên các vị thần linh và tiền bối của làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, con em làng chài sức khỏe, đánh bắt được mùa, dân làng no ấm, mọi người hạnh phúc.


Lễ Cầu Ngư không chỉ là cầu ở đình làng mà hầu như các nhà trong làng đều đặt bàn hương bày đồ lễ cúng để cầu một năm bình an, tôm cá đầy ghe, mùa màng tươi tốt.


Phần Hội của lễ hội với nhiều trò diễn hài hước, phóng khoáng nhưng tái hiện toàn bộ cuộc sống của người dân địa phương.


Tại sân đình, người dân diễn trò bủa lưới, giạ xúc ruốc, bủa lưới nậu lưới…


Đám trẻ trong làng sẽ mặc trang phục hóa trang thành những con cá nhỏ, người lớn thì quây thành vòng tròn tượng trưng cho hình ảnh người ngư dân đánh bắt được cá, giữ và không có cá thoát ra.


Các chàng trai cao to lực lưỡng khiêng một chiếc thuyền được trang trí màu sắc rực rỡ, trên ghe có người quăng lưới bắt “tôm, cua” trong âm thanh náo nhiệt của những làn điệu hò. Tiếng trống tiếp tục vang lên báo hiệu việc mua bán hải sản bắt đầu, các chủ thuyền chọn vài “con cá” đến trước bàn thờ làm lễ. Số cá còn lại những người phụ nữ sẽ thu mua biếu các hương thân phụ lão.


Sau hình thức diễn trò đặc sắc, lễ hội tiếp nối bằng cuộc đua ghe truyền thống trên phá Tam Giang.


Lễ hội Cầu Ngư ở làng Thai Dương Hạ được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là một trong những lễ hội quy mô, độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thông qua lễ hội đã phản ánh được đời sống đạo đức, trí tuệ, tinh thần của ngư dân vùng biển. Bên cạnh đó, còn giúp những người ngư dân an tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo. Đồng thời, những người con xa quê cũng có dịp trở về thăm quê hương, du khách được biết đến nét đẹp của miền biển mỗi dịp đầu xuân mới.

Thực hiện: Lê Chung - Đình Hoàng