menu_open
Thưởng thức bánh khoái cá kình xứ Huế
27/05/2015 5:05:34 CH
Xem cỡ chữ:
Sáng sớm, những ngư dân cập bến với những mớ cá tôm tươi giãy. Khách chọn mua những chú cá kình bằng hai ngón tay rồi vào quán mệ Huê đổ bánh khoái.

Đầm Chuồn là một phần trong hệ thống đầm phá Tam Giang, đi qua quốc lộ 49 rẽ về hướng An Truyền, thuộc huyện Phú Vang, cách trung tâm TP Huế gần 15 km. Nơi này nổi tiếng với các loại thủy hải sản nước lợ (nước chà hai) như tôm, cua, cá... Cá kình là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của đầm Chuồn bởi thịt thơm, ngọt, bổ và dễ chế biến.

Mùa cá kình bắt đầu từ tháng 4 âm lịch. Đầu mùa, cá nhỏ, chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái nhưng thịt chắc và thơm. Người sành ăn mua cá kình về nấu canh, hay dễ nhất là đổ bánh khoái. Bánh khoái cá kình là món khoái khẩu của người Huế.

Chọn những chú cá kình tươi giãy, cỡ hai ngón tay để đổ bánh khoái là ngon nhất. Cá nhỏ nên ít xương. Ăn cả con cá nguyên ruột mới thấy cái thú dân dã đậm đà vị quê thế nào.

Ở đầm Chuồn có nhiều quán bánh khoái phục vụ cho cư dân và khách đến thăm ngắm cảnh. Chỉ cần mua được mớ cá tươi, bạn có thể tạt vào một quán nào đó đổ bánh khoái ăn sáng. Du khách muốn ăn món này nên đi thật sớm, khi những ngư dân vừa xong mẻ lưới, hối hả vào bờ bán tôm cá. Đầu mùa, cá kình nhỏ giá chỉ 30.000 đồng một lạng, đủ cho 2 người ăn.

Người ở đầm Chuồn cũng mê món này. Ngư dân đi chài lưới về cũng chọn mớ cá ngon, làm bánh khoái để cả nhà ăn sáng.

Với lũ trẻ ở đầm Chuồn, thường bữa sáng chỉ được ăn bánh khoái đổ với giá nên bữa nào được ăn bánh với tôm, cá sẽ là đại tiệc.

Cá kình chỉ cần rửa sạch, để nguyên con là có thể đổ bánh khoái. Người dân bảo, cứ khi mất ngủ mà được ăn bánh khoái cá kình là ngủ chẳng biết trời đất.

Đổ bánh khoái cần nhất là phải biết tiết chế lửa. Có thể dùng bếp dầu, bếp củi để làm nhưng, ngon nhất là dùng lửa trấu. Lửa trấu cháy đượm, nóng nhưng dễ điều tiết. Mùi trấu đốt lên cũng thơm  hương quê.

Mệ Huê đã đổ bánh khoái ở đây hơn chục năm nay. Mệ dùng bếp trấu nên bánh thơm giòn mà ít khi quá lửa. Mỗi cái bánh cho chừng 2 đến 3 con cá. Bánh đổ liền tay, ăn nóng khiến khách toát mồ hôi, xuýt xoa khen bánh ngon, cá ngọt. Mỗi chiếc bánh, mệ lấy 600 đồng tiền bột và công, nên dẫu ăn no kềnh cũng chỉ hết vài chục nghìn cho hai người.

Bánh khoái ăn với nước mắm pha nhạt, thêm chút ớt hiểm cay xè khiến khách càng ăn càng khoái. Chẳng hiểu vì thế mà người Huế gọi món này là bánh khoái không?

Khách gỡ xương nhỏ, cắn nhẹ miếng thịt cá cuộn trong phần bánh bột gạo. Vị nhẫn đắng của ruột cá mới thật sự mê hoặc người sành ăn bởi lạ và béo ngậy.

Đang đầu mùa cá kình, người sành ăn rủ nhau về đầm Chuồn. Khách nên thư thả ngồi chờ và nhường cho lũ nhỏ ăn trước để kịp đến trường. Đến lượt mình, khách cứ nhẩn nha ăn, nghe tiếng xèo xèo khi đổ bánh, mà nhìn ngó cái góc bếp đơn sơ của mệ Huê biết đâu chẳng bắt gặp tuổi thơ mình trong đó.