Việc đưa giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non sẽ giúp trẻ có cơ hội khám phá nét đẹp văn hóa vùng miền một cách giản đơn, bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm, thẩm mỹ phù hợp với độ tuổi; hình thành những phẩm chất, năng lực, kỹ năng, sự hiểu biết cũng như tình yêu đối với môi trường xung quanh nơi trẻ sinh sống.
Có thể thấy rằng, môi trường hoạt động văn hóa ngày càng phát triển ổn định, lành mạnh. Giao lưu và hội nhập quốc tế về văn hóa đạt được những kết quả quan trọng, góp phần khẳng định vị thế, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở ngày càng được củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động. Cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị được nâng cấp, chỉnh trang tạo nên diện mạo mới cho đô thị Huế.
Vai trò của giáo dục địa phương trong giáo dục văn hóa địa phương là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó ngành Giáo dục đóng vai trò then chốt, bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất và tinh thần, các kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kinh nghiệm ứng xử, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… của mỗi vùng, miền được bảo tồn, gìn giữ, lưu truyền nối tiếp các thế hệ. Mặt khác, đưa giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp bối cảnh địa phương, đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ và trình độ của giáo viên cũng như trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Thực trạng tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình chăm sóc giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Cho thấy, nguồn tư liệu về văn hóa địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế của các vùng miền khá phong phú, tuy nhiên chỉ mới khai thác được khía cạnh các di sản, di tích văn hóa của địa phương thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các công trình tôn giáo, đình làng, làng nghề tại địa phương, hỗ trợ sưu tầm những phương tiện sản xuất, trang phục, các bài ca dao, dân ca…Thực tế, nguồn tài liệu phù hợp với chương trình giáo dục độ tuổi mầm non và điều kiện thực trạng của nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn do chưa mang tính hệ thống phù hợp với nhu cầu cần sử dụng, thiếu phòng hoạt động nghệ thuật để trẻ có điều kiện khám phá, trải nghiệm và phát triển những nét đẹp văn hóa địa phương thông qua các hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian… mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Sự phối hợp của các tổ chức xã hội trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống, hoạt động trải nghiệm chưa quan tâm đến đối tượng là các cháu trong độ tuổi mầm non.
Hiện nay, toàn tỉnh có 206 trường mầm non, trong đó có 185 trường công lập, 21 trường ngoài công lập; ngoài ra còn có 124 cơ sở GDMN độc lập, tư thục; tổng số có 2466 nhóm, lớp; huy động độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 39,3% (13606/34656), độ tuổi mẫu giáo đạt 93,2% (53556/57447); riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,77% (19762/19807); tăng nhà trẻ (18,1%); tăng mẫu giáo (17,2%); riêng trẻ 5 tuổi tăng (7,06 %).
Công tác huy động trẻ đến trường luôn phát triển và ổn định (39,3% độ tuổi nhà trẻ, 93,2% độ tuổi mẫu giáo); 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt PCGDMNTE5T, chất lượng luôn được duy trì và nâng cao; trẻ đến trường được phân chia nhóm lớp đúng độ tuổi, được tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm. So với năm học trước, năm học 2022 – 2023 trẻ ra lớp tăng cao, độ tuổi nhà trẻ tăng 7,9%; mẫu giáo tăng 8,8%, riêng 5 tuổi tăng 1,1%. 100% cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác bán trú, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho bữa ăn của trẻ tại trường; được theo dõi sự phát triển của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng và đánh giá sự tiến bộ của trẻ; chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng ngày càng tăng. 100% trường mầm non lập kế hoạch tổ chức học qua thực hành trải nghiệm trong nhà trường và những hoạt động tham quan dã ngoại bên ngoài nhà trường, tạo điều kiện cho trẻ tích cực, hứng thú khám phá tìm hiểu thế giới xung quanh.
Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng, đồ chơi luôn được đầu tư phát triển, nhiều trường học khang trang, môi trường giáo dục đạt theo hướng chuẩn hóa; đội ngũ giáo viên mầm non được vào biên chế, thu nhập ổn định., phong trào thi đua nuôi – dạy tốt được đẩy mạnh, ý nghĩa, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia luôn được các cấp, các ngành quan tâm, số lượng lẫn chất lượng trường chuẩn quốc gia tăng so với cùng kỳ năm trước, 100% trường học đảm bảo an toàn theo quy định vào cuối năm học.
Trải nghiệm làm gốm tại làng cổ Phước Tích
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, việc tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào Chương trình Giáo dục mầm non thông qua các hoạt động giáo dục ở các lĩnh vực phát triển thể chất, ngôn ngữ, khám phá xã hội, tình cảm xã hội và thẩm mỹ sẽ giúp trẻ sớm được bồi dưỡng khả năng cảm nhận cái hay, cái đẹp trong văn hóa địa phương; hình thành ở trẻ tình cảm trong sáng, cao đẹp, yêu thương, gắn bó với quê hương nơi trẻ sinh sống; giáo dục trẻ tình yêu quê hương, đất nước; lòng tự hào về con người Huế và bản sắc văn hóa Huế, từ đó hình thành cho trẻ hành vi đạo đức phù hợp với giá trị văn hóa cội nguồn của địa phương mình; hình thành ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương ngay từ độ tuổi mầm non.
Qua đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình Giáo dục mầm non và nội dung giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ em mầm non. Xây dựng tài liệu, học liệu văn hóa địa phương. Xây dựng môi trường giáo dục mang đậm bản sắc văn hóa địa phương trong các cơ sở giáo dục mầm non. Nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và cha mẹ trẻ em về giáo dục văn hóa địa phương cho trẻ. Huy động các nguồn lực tham gia giáo dục văn hóa địa phương trong nhà trường.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu giáo dục của Chương trình Giáo dục mầm non, làm phong phú nội dung, hình thức giáo dục, góp phần thực hiện tốt phát triển chương trình giáo dục nhà trường. Nâng cao nhận thức của CBQL, GV, NV các cơ sở giáo dục mầm non, cha mẹ trẻ, các tổ chức và cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của giáo dục văn hóa địa phương trong nhà trường hướng đến sự phát triển toàn diện cho trẻ. Góp phần thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù, trong đó trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non mới, tạo nền tảng cho trẻ mầm non học tốt chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có giáo dục địa phương.
Trải nghiệm, khám phá các di sản, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non mới