Ông Phan Tấn Cẩn năm Nhâm Thân [1752]. Theo gia phả của họ Phan Tấn làng Đốc Sơ, hiện lưu giữ tại nhà thờ nhánh của dòng họ và những dòng chữ khắc trên bia mộ thì ông có tên húy là Hoát “豁”, tên chữ là Cẩn “謹”. Tuy nhiên, sách Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện chính biên lại chép tên ông là Phan Tiến Cẩn 潘 進 謹. Lúc lên 6 tuổi thì thân phụ mất, mẹ lưu lạc, ông phải theo mẹ kế là bà Nguyễn Thị Trấp về ở với ông Cai đội Lương Văn Miên và học nghề rèn, rồi học chữ cho đến năm 15 tuổi. Đến năm Tân Mão [1771], ông Lương Văn Miên cưới vợ cho ông là bà Mai Thị Thục, người quê ở Vạn Xuân, Hương Trà. Thuở nhỏ, ông Phan Tấn Cẩn nổi tiếng thông minh và rất ham học, sớm bộc lộ năng khiếu về kỹ nghệ cơ khí.
Lớn lên trong một giai đoạn rối ren của nước nhà, ông theo Nguyễn Ánh và khi Nguyễn Ánh chạy qua Vọng Các (Xiêm La) thì ông không theo kịp nên đã cùng với vợ theo bà Hiếu Khương hoàng thái hậu ra ở đảo Phú Quốc. Năm Mậu Thân [1788], ông vâng lệnh chúa Nguyễn Ánh chế tạo binh khí và sắm sửa quân nhu. Đến năm 1792, ông được thăng chức Chánh dinh nội lệnh ty câu kê, tước là Cẩn Tín bá. Cũng thời điểm này, ông được đặc trách cùng một số quan lại khác nhận trách nhiệm thu thuế, thu mua lúa gạo, cau và một số vật phẩm khác để phục vụ cho quân đội. Ông là người tài năng, đức độ nên được quân sĩ hết lòng cảm phục, thương yêu và quý trọng. Năm 1799, ông được thăng Chánh dinh Cai bạ, thuộc Nội cai đội quản Đồ gia, tham gia vào việc đúc binh khí, súng đạn kiêm quản lý chế tạo tàu thuyền, quân nhu. Sau ngày Nguyễn Ánh lên ngôi vua, định đô ở Phú Xuân (Huế), ông cùng với gia quyến trở về cố hương.
Năm Quý Hợi [1803], ông Phan Tấn Cẩn được thăng Tham tri bộ Công kiêm lý Đồ gia. Cùng thời điểm này, ông được giao trọng trách cùng với Khiêm Hòa hầu Nguyễn Văn Khiêm, Cẩn Thận hầu Hoàng Văn Cẩn, Hiếu Thuận hầu Cái Văn Hiếu đúc bộ Cửu vị thần công. Trên phần thân súng vẫn còn thấy rõ tên tuổi, chức tước của bốn người đảm trách nhiệm vụ đúc súng, trong đó có ngài Cẩn Tín hầu Phan Tấn Cẩn: “工 部 參 知 兼 理 圖 家 謹 信 侯 臣 潘 晉 謹 奉 董 飭”. “Công bộ Tham tri kiêm lý đồ gia Cẩn Tín hầu thần Phan Tấn Cẩn phụng đổng sức”.
Để đúc thành công 9 khẩu súng Thần oai vô địch này, vua Gia Long đã rất thận trọng, tinh tuyển lựa chọn ra những con người ưu tú nhất, không chỉ vững vàng về trình độ chuyên môn mà còn hội tụ những đức tính cao đẹp để có thể đặt trọn vẹn niềm tin vào họ. Bốn người đã được ban tên tước lần lượt là Khiêm hòa (hầu), Cẩn thận (hầu), Hiếu thuận (hầu), Cẩn tín (hầu). Đó có lẽ là một trong những điểm đã làm nên kiệt tác Cửu vị thần công. Và vai trò của ông Phan Tấn Cẩn trong hội đồng đúc súng này chiếm một vị trí rất quan trọng. Cũng vào năm 1803, ông vâng chiếu vua Gia Long vào Diên Khánh (Khánh Hòa) cứu trợ phụ lão tàn tật, cô nhi, khi trở về được vua ban khen, trọng thưởng.
Năm 1811, ông được giao nhiệm vụ Quản đốc trông nom việc đúc gạch ngói, nhưng vì lỗi để cho “gạch sống”, chuyện truyền đến tai vua, ông bị trách cứ và giáng cấp, xuống làm Cai bạ nhưng vẫn coi quản công việc ở Đồ gia. Mãi đến năm Gia Long thứ 12 [1813], ông mới được khôi phục chức Tham tri bộ Công. Sách Đại Nam thực lục viết: “Cai bạ Đồ gia là Phan Tiến Cẩn và Cai bạ Quảng Trị là Đoàn Viết Nguyên đều làm Hữu Tham tri bộ Công, Tiến Cẩn vẫn quản Đồ gia”. Như thế, khi theo chúa Nguyễn Ánh, ông đã là một thợ rèn và sau này dù đã là “Hữu Tham tri bộ Công” thì ông vẫn là “thợ cả” của bộ phận đúc vũ khí và các vật dụng bằng kim khí khác của triều đình.
Năm Bính Tý [1816], ông mất, hưởng thọ 65 tuổi. Khi hay tin, vua Gia Long vô cùng thương xót, sai người đến tế. Theo “Gia phả Phan phái, nhánh thứ 4”, trang 8, còn cho biết “Khi hay tin ngài mất, Bộ Lễ làm sớ tâu vua Gia Long, vua liền ban: Bốn cây gấm, mười cây lụa, ba mươi cây vải, ba mươi cân sáp vàng và hai trăm quan tiền”. Sau đó, ông được an táng và xây lăng mộ tại xứ Mụ Kiểm. Về sau, vợ ông mất và cũng được táng bên cạnh nên tục gọi là lăng Đôi. Ngày nay, phần mộ của hai người tọa lạc ở cuối Kiệt số 62, đường Nguyễn Văn Linh, phường An Hòa, thành phố Huế. Khu lăng mộ này đã trải hai lần trùng tu vào năm 1991 và năm 2002, diện mạo còn khá nguyên vẹn, giữ được phong cách kiến trúc khá độc đáo của giai đoạn nửa đầu thế kỷ 19.
Thương dân yêu quê, ông Phan Tấn Cẩn làm những gì có thể để chăm lo đời sống, ổn định sản xuất của nhân dân. Ông đã cho đào hệ thống kênh mương dẫn nước bắt đầu từ làng Đốc Sơ kéo dài về đến vùng Hương Cần, nhằm phục vụ việc tưới tiêu cho ruộng lúa, hoa màu, tiêu úng thoát lũ trong mùa mưa bão và đảm bảo nhu cầu về nguồn nước dùng cho sinh hoạt của cư dân trong vùng. Ông còn tu sửa đình chùa, miếu mạo, hỗ trợ chăm lo cho những hoàn cảnh éo le, gia đình gặp khó khăn… Sinh thời, ông là một người sống nguyên tắc, rất nghiêm khắc, dạy dỗ con cháu có khuôn phép. Với bà con lối xóm, ông đối xử hết mực thương yêu. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông, làng đã thiết trí một số ruộng đất hương hỏa để thường năm con cháu lo giỗ kỵ. Ngày nay, nhiều thế hệ ở Đốc Sơ vẫn còn truyền tụng nhiều giai thoại về ông với tất cả sự ngưỡng vọng, lòng kính trọng về một người con ưu tú của làng.