menu_open
Giải pháp tinh giản biên chế của các vua triều Nguyễn
23/06/2021 2:09:30 CH
Xem cỡ chữ:
Khảo khóa, khảo công quan lại để loại ra những người không làm được việc
Tinh giản quan lại là chủ trương lớn của các vua triều Nguyễn được thực hiện liên tục qua các triều vua. Ngoài mục đích để chính sự được cốt yếu, đơn giản, hiệu quả, việc bỏ bớt quan lại còn có một lý do nữa là để tăng lương cho các quan viên làm việc, đảm bảo cuộc sống ổn định cho đội ngũ quan lại.
Khảo khóa, khảo công quan lại để loại ra những người không làm được việc

Triều Nguyễn tinh giản quan lại bằng cách nào?

Khảo khóa, xét công để thăng, giáng, bãi bỏ quan lại: Chế độ “khảo khóa” hay “khảo công” là việc đánh giá, xem xét việc làm, năng suất lao động của quan lại theo định kỳ, theo khóa để làm cơ sở cho việc thực hiện chế độ thăng, giáng, chuyển đổi cũng như thưởng, phạt, hay biếm chức.

Dưới triều Nguyễn việc khảo khóa, xét công (hay còn gọi là kỳ Đại kế) ban đầu được thực hiện 6 năm một lần, sau rút xuống còn 3 năm. Chính sách này được áp dụng rộng rãi đối với tất cả các bậc quan lại trong ngoài triều đình, không kể là quan to hay quan bé, con cháu công thần hay dõng dõi Tôn thất. Và để đảm bảo cho sự khách quan, công bằng, các vua triều Nguyễn đã cho các quan viên tự trình bày công lao, tội lỗi của mình làm thành một bản. Sau đó, sẽ tổng hợp và xét lại, ai đáng được khen, ai đáng bị phạt hay bãi chức thì đợi Đặc chỉ quyết định. Với chính sách này, các vua triều Nguyễn đã từng bước khiến cho đội ngũ quan chức nhà nước được gọn gàng.

Tùy theo nơi nhiều việc, ít việc để tinh giản: Năm Minh Mạng thứ 10, khi thấy các tỉnh, phủ có sự phân chia công việc không đồng đều, có nơi ít việc nhưng nhiều người hoặc ngược lại nơi nhiều việc mà ít người, vua Minh Mạng đã xuống dụ cho quần thần tiến hành rà soát, xem xét danh sách những người làm việc trong bộ để thêm, bớt nhân viên: “Xét trong 6 bộ duy có bộ Công, công việc hơi nhiều, mà bộ Lại thì ít việc hơn, chuẩn cho xét người làm việc trong Bộ hiện có bao nhiêu, để liệu thêm bớt nhân viên. Trong bộ Lại có chức Lang trung, Viên ngoại lang, chủ sự và Tư vụ đều 4 người, nay giảm đi còn 3 người; chức Vị nhập lưu lại 70 người, nay giảm xuống 60 người. Trong bộ Công, chức Chủ sự, Tư vụ đều 4 người, nay tăng lên 5 người; chức Vị nhập lưu lại 50 người, nay tăng lên 60 người”.

Như vậy, các vua triều Nguyễn đã căn cứ vào tình hình thực tế công việc để sắp xếp nhân sự cho hợp lý: “Nhà nước đặt ra chức quan, là tùy tiện nghi mà thêm bớt, bất tất phải gò bó theo định lệ. Số nhân viên nhiều hay ít, cũng tùy theo công việc bận rộn hay giản đơn; nếu nhất thiết giảm bớt, thì chỗ công việc nhiều, có lẽ làm không xuể. Mà chỗ công việc ít, hóa ra lại thừa người. Vậy, phải nên sắp xếp cho thích hợp mới phải”. Bèn sai bộ Lại duyệt kỹ, họp bàn thỏa đáng.

Đến triều vua Tự Đức thứ 7 (1854), nhà vua đã cho giảm bớt các viên dịch ở Phiên ty, Niết ty và phủ huyện ở 6 tỉnh Nam Kỳ, tổng cộng 168 người. Ngoài ra, cũng dựa vào nơi nhiều việc hay ít việc mà các vua triều Nguyễn cấp lương cho hợp lý. Dưới triều vua Minh Mạng, khi trả lương cho thợ ở phủ Nội vụ, nhà vua đã chuẩn cho lấy công việc nhiều ít làm thứ bậc.

Sáp nhập, bãi bỏ các Nha sở không cần thiết: Giảm bớt tầng lớp quan lại bằng cách sáp nhập, bãi bỏ các nha sở không cần thiết cũng là một trong những biện pháp mà các vua triều Nguyễn đã thực hiện. Dưới triều vua Minh Mạng, ông cho bỏ bớt sở Nội tạo, gộp cả vào ty Chế tạo. Vua cho rằng công việc Nội tạo và Chế tạo liên quan với nhau mà chia làm 2 nha thì không khỏi có sự cách trở, bèn sai bộ Công châm chước, nghĩ cách hợp lại làm một, liệu đặt nhân viên chức dịch và những công việc nên làm rồi tâu lên”.

Ngoài ra, nếu xét thấy có những nha sở nào làm việc không thực sự hiệu quả, thì bỏ bớt, số nhân viên làm việc ở Nha sở đó được chia bổ đi làm chỗ khác. Năm Nhâm Thìn (1832), vua Minh Mạng đã cho bỏ bớt nha môn Thương bạc. Vua dụ Nội các: “Trước đây việc quản lý nha môn Thương bạc chuyển giao cho các đại thần cố cựu có công lao. Đó có lẽ cũng là tùy tiện, làm quyền nghi thôi. Nay ở Kinh đô hằng năm, các thuyền buôn qua lại buôn bán không có mấy mà công việc các địa phương ở ngoài đã có người coi giữ, nhà Thương bạc hầu như để không. Nếu cứ theo đặt như cũ, thì những nhân viên chức dịch ở đấy há chẳng thừa ư? Vậy bỏ đi. Từ nay về sau, ở Kinh nếu có thuyền buôn tới, phàm hết thảy mọi việc tuần tra ra vào, đánh thuế, thu thuế, đều chuẩn cho phủ Thừa Thiên coi quản các địa phương ở ngoài, thì vẫn theo lệ mà làm. Các tờ tâu báo đều do bộ Hộ đệ lên. Còn tòa nhà Công sảnh của nha hương bạc thì chuyển cấp cho Đại lý để làm chỗ làm việc. Các nhân viên chức dịch thuộc nha ấy và đội Tuần bạc thì giao cho bộ Lại, bộ Binh chia bổ”. Đến năm Tự Đức, nhà vua cũng chuẩn cho liệu giảm ở Kinh 24 nha”.

Điều kiện để quan viên có thể ở lại làm được việc

Dưới triều Nguyễn, trong quá trình sàng lọc quan lại, những quan viên không làm được việc sẽ bị loại bỏ, chỉ những người có khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc mới được giữ lại để phò vua giúp nước. Thường thì những người được giữ lại phải đáp ứng được 2 trong 3 điều kiện đưa ra:

Một là đức, là người biết sức mình giữ gìn. Quan chức ở trong Kinh thì giữ mình trong sạch cẩn thận, được các ty thuộc suy phục; quan chức ở ngoài các tỉnh thì liêm khiết công bằng, không nhũng nhiễu dân, được dân tin yêu.

Hai là tài, là người có tài năng làm việc. Quan chức ở trong Kinh thì quen thạo, hiểu biết chính thể, gặp việc không cẩu thả, sớ chương bàn luận, vâng lệnh thảo ra tinh thông; quan chức ở ngoài các tỉnh thì làm việc cố gắng chăm chỉ, cầm phòng có phương pháp, tra xét rõ ràng, nhanh chóng.

Ba là lao, là người làm việc lâu ngày khó nhọc. Quan chức ở trong Kinh làm được việc; quan chức ở ngoài các tỉnh thì hết lòng chăn nuôi vỗ về dân, binh lương không để thiếu, hoặc nhân dân ngày thêm đông, ruộng đất ngày thêm mở mang, hoặc có việc sai phái đi làm được việc.

Nếu người nào đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện ấy là hạng nhất; hoặc được 2 điều cũng là hạng khá nhưng phải chỉ rõ thực trạng, cùng là người nào có thể bổ làm chức gì ở trong Kinh, người nào nên bổ chỗ khuyết nào ở ngoài, phải kể rõ vào trong tập tâu, không được mập mờ nói quá, do bộ dồn làm 2 bản danh sách, 1 bản tiến trình, 1 bản giữ lại bộ để lưu chiểu. Người nào phẩm cấp cao, sẽ vâng Chỉ chọn bổ; phẩm cấp hơi thấp, thì theo chỗ khuyết tâu xin thăng bổ.

Các bài khác
    << < 1 2 > >>