menu_open
Vua Gia Long suýt mất mạng khi xây lăng tẩm
09/06/2021 10:26:33 SA
Xem cỡ chữ:
Mộ song táng của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu (Ảnh: Traveloka)
Khi đạt đến tột đỉnh vinh quang, Gia Long (Nguyễn Ánh) muốn tìm kiếm cho mình một ngôi nhà vĩnh hằng làm nơi “an nghỉ cuối cùng”. Ít ai biết được rằng trong quá trình giám sát việc xây lăng Thiên Thọ nhà vua đã suýt mất mạng…
Mộ song táng của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu (Ảnh: Traveloka)

Chọn vị trí xây lăng kĩ lưỡng

Sử cũ chép lại rằng, sau khi lên ngôi trị vì thiên hạ vào năm 1802 vua Gia Long lập tức giao cho thầy địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) tìm địa điểm xây lăng. Sau nhiều năm trời rong ruổi cuối cùng Lê Duy Thanh đã tìm được thế đất ở làng Hương Thọ thuộc huyện Hương Trà bên tả ngạn sông Hương cách kinh thành 12 km về phía Tây.

Nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”, nơi mà “sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm”. Trước khi khởi công, nhà vua đã sai hoàng tử thứ tư bói thêm một lần nữa thì được quẻ “Dự” với lời chiêm rằng, mọi việc sẽ rất tốt và hanh thông nên nhà vua cho xây dựng và gọi là lăng Thiên Thọ.

Trong quá trình xây dựng lăng thì Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (chính phi của vua Gia Long) qua đời vào ngày 21/2/1814. Nhà vua đã sai các quan trong Khâm Thiên Giám đi chọn đất để mai táng vợ. Nhưng cuối cùng ông quyết định đưa an táng vợ trong khu đất xây lăng mộ cho mình. Trước lúc mất, ông dặn triều thần đặt thi hài mình cạnh phần mộ của Cao Hoàng hậu.

Khu lăng mộ vua Gia Long rộng 11.234,40m2, tập trung nhiều lăng mộ trong quyến thuộc ở khu vực Thiên Thọ Sơn. Tên gọi lăng Gia Long hiện nay thực ra là để chỉ cả một quần thể lăng tẩm hàng quyến thuộc của nhà vua, trung tâm vẫn là khu lăng mộ của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.

Khu lăng tẩm được chia làm ba khu vực, phần chính giữa là khu lăng mộ của nhà vua và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” (biểu tượng cho hạnh phúc và thủy chung). Bên phải là khu vực tẩm điện, trung tâm là điện Minh Thành. Điện Minh Thành được dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Minh Thành nghĩa là “sự hoàn thiện rực rỡ”. Cũng có một cách giải thích khác là “hoàn thành vào ngày mai”, bởi người ta cho rằng: “Sườn của điện này chưa có sơn son thếp vàng và chạm khắc còn đơn giản”.

Bên trong điện Minh Thành, ngày trước có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của vua Gia Long như: Cân đai, mũ, yên ngựa. Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo. Nơi đây có điện Gia Thành, một công trình kiến trúc được xây dựng theo mô thức của điện Minh Thành, dùng để thờ người phụ nữ đã sinh ra vị vua tài hoa nhất của triều Nguyễn – vua Minh Mạng. Lăng Gia Long có hai ngôi mộ luôn song hành bên nhau. Đó là mộ của Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu và mộ của vua Gia Long, hai con người đã từng chia ngọt sẻ bùi khi còn sống và bây giờ nằm cạnh nhau để đi vào giấc ngủ nghìn thu, đúng như quan niệm “sống gửi, thác về” theo quan niệm của người Á Đông.

Tai nạn bất ngờ khi xây lăng

Toàn bộ khu lăng là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ và mỗi ngọn núi đều được nhà vua đặt cho một tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn. Tất cả đều được quy hoạch trong khu vực rộng hơn 28 km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch – một hợp lưu của Hương Giang.

Mật độ kiến trúc tương đối thưa, các công trình được trải ra theo chiều ngang. Núi đồi xung quanh dăng ra như một vòng thành thiên nhiên bao bọc. Khu lăng mộ là hai nấm mồ bằng đá có cùng khuôn khổ, có cùng kích thước nằm song song và chỉ cách nhau một gang tay trong chốn hoang liêu tĩnh mịch mà uy nghiêm.

Dồn hết công sức cho nơi “an nghỉ cuối cùng” của mình nên khi xây dựng lăng, đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Chính vì quá sâu sát với “ngôi nhà vĩnh cửu” của mình mà có lần suýt nữa nhà vua đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Chuyện kể lại rằng, một hôm vua đang trú ngụ trong ngôi nhà dựng ngay tại công trường thì một trận lốc lớn quét qua. Mặc dù nhà vua đã ẩn trong hầm nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương.

Có nhiều người đã chết trong vụ tai nạn này. Sau vụ việc, vua Gia Long không những không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho những người dân xây lăng. Đồng thời vua còn cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Đình Môn, gần nơi xây dựng lăng.

Lăng Gia Long nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm. Bên trái và bên phải, mỗi bên có 14 ngọn núi là “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”. Dọc theo đường rừng là hai trụ biểu uy nghi nằm ngoài cùng, đó là những cột báo hiệu, nhắc nhở mọi người phải kính cẩn khi đi qua khu vực này và có đến 85 cột như vậy trong quần thể lăng Gia Long. Năm 1859 còn 42 cột và hiện nay du khách chỉ trông thấy 2 cột.

Lăng vua Gia Long giao hòa giữa tĩnh lặng với sự sinh động, nét tuyệt mỹ của thiên nhiên chung quanh. Lăng Gia Long là một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Lăng Gia Long có thể xem là một khu lăng tẩm hoành tráng, ẩn chứa nỗi niềm cuộc đời của một võ tướng, những vinh nhục trong sự nghiệp của ông vua đầu tiên làm nên một triều đại.

Hoàng Anh - Trọng Bình
Các bài khác
    << < 1 2 > >>