Theo Đại Nam thực lục, vào 1821, tổng số tàu thuyền ở Việt Nam là 3.190 chiếc, trong đó có 490 thuyền chiến, 77 thuyền chiến hạm hạng lớn. Tuy vậy, thời Gia Long chủ yếu là phát huy năng lực đóng tàu trong nước mà sử sách không chép một dòng nào về việc mua tàu thuyền của nước ngoài phục vụ quân sự.
Sang thời Minh Mạng (1820 - 1841): Vì là người thừa kế ngôi vua Gia Long đồng thời cũng thừa kế sự nghiệp dựng nước và giữ nước của vị vua khai sinh vương triều Nguyễn nên vua Minh Mạng đã phát triển ngành đóng tàu trong nước và tích cực học tập kĩ thuật đóng t àu thuyền của phương Tây để phát triển kĩ nghệ đóng thuyền trong nước. Minh Mạng đã cho mua tàu thuyền của phương Tây rồi cho thợ đóng theo. Kết quả là đã phát triển được đóng thuyền bọc dồng theo kĩ thuật của người Pháp và sáng chế thành công tàu máy hơi nước.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn trong cuốn Ngành đóng tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn (NXB Văn hóa Văn nghệ TP. HCM, xuất bản năm 2014) cho biết, năm 1822 vua Minh Mạng cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp, dài 6 trượng 5 thước 5 tấc, rộng 1 trượng 8 thước, sâu 1 trượng 2 thước 5 tấc {thời Nguyễn có ba loại thước đo độ dài do bộ ông của triều đình quy định, gồm t hước mộc và thước vải. 1 thước đo ruộng = 0,470m; 1 thước mộc = 0,425m; 1 thước đo vải = 0,625m. Người ta dùng thước mộc để đo kích thước của tàu thuyền. (Thang đo như sau: 1 trượng = 10 thước = 100 tấc = 1.000 phân = 10.000 li) đưa về Huế, đặt tên là Điện Dương để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền ở Huế nghiên cứu, triển khai đóng theo mẫu thuyền này. Tháng 6 năm ấy, vua sai Thống chế thủy sư Phan Văn Trường coi đóng thuyền hiệu theo kiểu Tây dương. Qua năm sau vua sai binh lính hai vệ Thần Uy, Chấn Uy, cơ Ngũ Thủy, cơ Kiên Chu đi lấy gỗ đóng thuyền Thụy Long (phỏng theo thuyền Điện Dương). Tài Năng coi đóng thuyền Tây, đốc suất thợ làm. Thuyền đóng xong thưởng 2.000 quan tiền (Dẫn theo Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập VI). Năm 1838 vua Minh Mạng cho mua một chiếc tàu chạy bằng máy hơi nước, cũng của người Pháp, đưa về chạy thử ở Huế. Vua bảo: Kiểu tàu ấy nhờ hơi mà chuyển động, không cần gió nước thuận hay nghịch, không bắt người chèo chống mà thuyền tự phóng nhanh, máy móc thật là tinh xảo. Phải thu mua bằng giá đắt là để phỏng theo cách thức đóng tàu lớn khai thác để dùng mãi.
Chân dung vua Tự Đức do người Pháp vẽ (Ảnh tư liệu)
Vua ra lệnh cho Vũ Khố nghiên cứu chiếc tàu máy hơi nước này để ứng dụng đóng một chếc tương tự. Tháng 2.1839, chiếc tàu do Vũ Khố đóng xong được đưa ra chạy thử trên sông Hương nhưng thất bại vì nồi hơi nước bị vỡ. Tháng 4.1839 cuộc thử nghiệm lần 2 trên sông An Cựu diễn ra tốt đẹp. Vua Minh Mạng khen thưởng rất hậu hĩnh cho giám đốc Hoàng Văn Lịch và phụ tá Vũ Huy Trinh mỗi người một chiếc nhẫn pha lê bịt vàng, một đồng Phi Long đại kim tiền, lại gia hàm cho giám đốc thêm hai cấp, thưởng cấp cả đốc công và lính thợ 1.000 quan tiền. Vua bảo: Thuyền ấy mua cũng được nhưng muốn thợ thuyền nước ta học biết máy móc không khéo, cho nên không kể nhọc tốn mà thôi.
Tháng 10.1839, chiếc tàu máy hơi nước thứ 2, dài 4 trượng 3 thước 2 tấc, rộng 8 thước 1 tấc, sâu 3 thước 6 tấc; thùng nước dài 4 thước 5 tấc, rộng 5 thước, cao 3 thước 2 phân được chế tạo thành công với phí tổn hơn 11.000 quan tiền.
Việc đóng thử nghiệm thành công hai tàu máy hơi nước dưới triều Minh Mạng chứng tỏ thợ thủ công bấy giờ đã có thể tiếp cận và làm chủ kĩ thuật đóng tàu cơ khí của phương Tây. Đây là một tiến bộ đáng kể trong ngành đóng tàu thuyền Việt Nam thời Nguyễn.(1)
Sang thời Tự Đức (1847-1883), các tàu máy hơi nước do các triều Minh Mạng, Thiệu Trị đóng, sau một thời gian sử dụng đã trở nên cũ nát, hư hỏng, Vì thế vua Tự Đức cho dừng hẳn việc sửa chữa các tàu này và đặt mua các tàu mới do nước ngoài đóng. Lịch sử Việt Nam giai đoạn trị vì của Tự Đức có nhiều biến cố, trong đó nổi lên 2 vấn đề cơ bản: Sự xâm lược của Phương Tây- đứng đầu là Pháp; các phong trào của nông dân chống lại triều đình nhà Nguyễn và sự nổi dậy của người dân người Việt Nam chống Pháp thông qua các cuộc khởi nghĩa (khoảng 40 cuộc nổi dậy của nông dân chống triều đình). Có thể nói đây là giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam và chứng kiến nhiều sự thất bại đau đớn của quân triều Nguyễn trước thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là giai đoạn mà triều đình kí các hòa ước, nhượng đất… cho Pháp nhiều nhất. Sử gia Trần Trọng Kim bình luận: “Sức đã không đủ giữ nước mà cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo. Bởi thế nước Pháp và nước Y Pha Nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy”. Trong suốt thời gian Tự Đức trị vì từ năm 1847 đến 1883, nhà Nguyễn đã không thể giữ nước mặc dù thực tế đã có những nỗ lực mua sắm tàu thuyền mới phục vụ quốc phòng. Căn cứ vào cuốn “Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945, tập II: 1897-1918 thì thời Tự Đức đã có 4 lần mua sắm, trang bị tàu chiến mới, đó là:
Chiếc tàu chiến thứ nhất: Tháng 10/1865 (tức cuối tháng 8 năm Ất Sửu, Tự Đức thứ 18), chiếc tàu lớn bọc đồng đầu tiên nhờ Pháp mua tại Hương Cảng đã về đến cửa biển Thuận An thả neo, sau hơn 4 ngày đêm đi đường. Triều đình đặt tên tàu này là “Mẫn Thỏa khí cơ đại đồng thuyền”. Tàu dài 11 trượng 2 thước 3 tấc, rộng 1 trượng 6 thước 9 tấc, trọng tải trên dưới 300.000 cân; trị giá 97.200 lạng bạc, bằng 135.000 đồng bạc, (mỗi đồng bạc nặng 7 đồng cân 2 phân bạc). Ngoài ra mua thêm một số phụ tùng của tàu trị giá 20.000 đồng bạc tương đương 14.400 lạng bạc.
Trước đó, tháng 4/1865 triều đình cử viên ngoại lang hộ công là Hoàng Văn Xưởng đến nhờ Pháp và cùng phái viên Pháp đi Hương Cảng mua tàu. Mua xong, Hoàng Văn Xưởng thuê người lái tàu về. Số người lái thuê gồm: 1 chủ bán tàu, 1 hoa tiêu hạng nhất (lương tháng 300 đồng), 1 hoa tiêu hạng nhì (lương tháng 200 đồng), 3 thợ máy người Âu (1 hạng nhất lương tháng 200 đồng, 2 hạng nhì, lương tháng 150 đồng); ngoài ra thuê thêm 34 người (Mã Lai, Trung Quốc) phụ việc, lương tháng 12 đồng một người”.
Cảng Hải Phòng năm 1910 với nhiều con tàu sắt hiện đại của Pháp
Sau khi đã có tàu, triều đình lựa chọn một số hoa tiêu và thợ máy (người Âu và Trung Quốc) ở lại để thuê họ hướng dẫn đào tạo thủy thủ Việt Nam trong thời hạn 1 năm, lương tháng tùy theo công việc trả từ 30 đồng đến 300 đồng. Ngoài ra giao cho Bộ hình lựa chọn 1 quản đốc, 2 suất đội và 100 lính thủy khỏe mạnh cho miễn mọi khoản tạp dịch để chuyên học. Trong số này tuyển một số làm thường trực trên tàu: 1 quản đốc, 2 suất đội và 40 binh đinh. Mỗi năm cấp 2 bộ quần áo. Số binh đinh mỗi tháng thay phiên một nửa. Biện lý Hoàng Tuấn Tích được cử làm quản đốc.
Chiếc tàu chiến thứ hai: Tháng 6/1866, chiếc tàu bọc đồng thứ hai mua ở Hương Cảng cập bến của Thuận An sau 3 ngày đêm đi đường. Triều đình đặt tên là “Thuận Tiệp khí cơ đại đồng thuyền”. Tàu sản xuất năm 1864, dài 9 trượng 3 thước 6 tấc, trọng tải khoảng 400.000 cân, thân bọc đồng, có 2 tầng, 1 ống khói, 2 cột buồm. Khí cụ đem theo tàu gồm: 6 khẩu đại pháo, 15 khẩu điểu sang, 5 khẩu mã sang v.v…
Tổng giá tiền là 134.300 đồng bạc bao gồm các khoản: tiền mua tàu, hoa tiêu, thủy thủ, tiền than củi, vật liệu, phụ tùng. Tàu do hoa tiêu người Pháp lái về, với sự hỗ trợ của 3 chánh khán người Anh và 38 thủy thủ , thợ máy người nước ngoài.
Sau khi có tàu, triều đình cử Biện lí Bộ Lễ là Nguyễn Văn Thủy cùng 3 chánh khán tiêu người Anh ở lại Việt Nam trong thời hạn 1 năm để đào tạo, hướng dẫn cho thủy thủ Việt Nam. Lương tháng trả từ 250 đồng trở xuống.
Chiếc tàu thứ ba: Tháng 5/1870 (tức năm Canh Ngọ, Tự Đức thứ 23), chiếc tàu bọc đồng thứ 3 mua từ nước ngoài đã được đưa vào cửa biển Thuận An. Triều đình đặt tên là “Đằng Huy”. Tàu dài 7 trượng 2 thước 9 tấc 5 phân, rộng 1 trượng 5 thước 1 tấc; sâu 7 thước 9 tấc 5 phân. Trị giá 72.824 đồng bạc (mỗi đồng bạc trị giá 5 quan 5 tiền). Số người được cử cai quản như đối với Mẫn Thỏa và Thuận Tiệp trước.
Tháng 5/1872, Lãnh sự Đức tại Hương Cảng cử phái đoàn đi tàu biển mang theo vật phẩm (gồm 2 khẩu súng và 5 sơ đồ kiểu súng loại mới) đến xin thông thương. Triều đình Huế cử thị lang Bộ lại là Nguyễn Chính đi tàu “Thuận Tiệp” sang Hương Cảng để trực tiếp hội đàm với Lãnh sự Đức
Chiếc tàu thứ tư: Tháng 10/1872, triều đình Huế mua lại chiếc tàu bọc đồng của Đức với giá 40.000 đồng bạc, và đặt tên là “Viễn Thông”. Đây là chiếc tàu thứ 4 mua của nước ngoài. Đây cũng là chiếc tàu do lãnh sự Đức ở Hương Cảng cử đi tiễn Nguyễn Chính, phái viên của triều đình Huế, từ Hương Cảng về nước. Chiếc tàu này có chở theo một số vật phẩm để tặng triều đình như: súng, phụ tùng súng, vải, thuốc lá. Sau khi bán chiếc tàu này cho triều đình Huế, phái đoàn Đức được phép của triều đình Huế cho chở về Gia Định bằng đường bộ. (2)
Mặc dù mua sắm trang bị những chiếc tàu bọc đồng của phương Tây nhưng việc sử dụng, vận hành những con tàu này dường như không mang lại kết quả, thậm chí rất nhạt nhòa. Theo khảo sát của TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học): “Các tàu chiến sau một thời gian sử dụng đã lần lượt bị hư hỏng, chìm, gãy, vỡ… Nhất là các tàu máy hơi nước thì việc duy tu, sửa chữa trở nên vô cùng khó khăn và tốn kém. Sử chép: Chiếc tàu Đằng Huy bị hư hỏng phải cho đi đến Hương Cảng để sửa chữa. Sau này, vào năm 1876, tàu Đằng Huy mắc cạn vỡ chìm ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, tàu Mẫn Thỏa cũng bị vỡ ở ngay cửa biển Thuận An”.(3)
Và thực tế lịch sử diễn ra cho chúng ta thấy rằng vũ khí và sức mạnh quân đội thời Tự Đức hoàn hoàn lép vế trước sức mạnh quân sự của quân Pháp. Trong cuộc xâm lược Bắc Kì, quân Pháp đánh chiếm các thành Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình đều không gặp trở ngại nào đáng kể. Điều đó không chỉ phản ánh sự thua kém về khí tài, mà còn cho thấy nhà Nguyễn chung số phận như Hồ Qúy Li, dù có mua sắm vũ khí tốt nhưng không có sự ủng hộ của nhân dân thì công cuộc kháng chiến sẽ nhanh chóng thất bại. Đó cũng là một bài học lịch sử xương máu cho các triều đại sau này.
-------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Đức Anh Sơn. Ngành đóng tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn. NXB Văn hóa Văn nghệ. TP. HCM. 2014;
2. Dương Kinh Quốc: “Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945, tập II: 1897 - 1918 . NXB Khoa học xã hội. HN. 1982;
3. Nguyễn Hữu Tâm: Vua Tự Đức quan tâm xây dựng thủy quân. Báo Biên phòng: baobienphong. com.vn.