Xuất thân của danh thần Nguyễn Tri Phương
Nguyễn Tri Phương sinh năm 1800, tên tục là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu là Đồng Xuyên. Ông là người con của làng Đường Long (Chí Long), thuộc Thừa Thiên – Huế ngày nay. Ông sinh trưởng trong một gia đình lao động, làm ruộng và nghề thợ mộc. Bằng ý chí vượt khó và tài năng sẵn có, ông đã dựng lên nghiệp lớn.
Nguyễn Tri Phương – những biến động trong đời cầm quân làm nên một danh thần
Năm 1823, ông bắt đầu nhen nhóm con đường làm quan khi được vua Minh Mạng bổ nhiệm làm Điển Bộ, một chức quan nhỏ của Nội Điện rồi nhanh chóng vươn lên những nấc thang cao hơn.
Thể hiện được năng lực của mình, năm 1832, ông được đứng trong hàng ngũ Phái bộ đàm phán thương mại với Trung Hoa. Thời gian sau, ông lên làm Thị lang Bộ Lễ, bị dèm pha, ông từng bị cách chức rồi được phục chức. Thế nhưng, dường như ý trời đã để ông bén duyên với binh nghiệp.
35 tuối, Nguyễn Tri Phương được cử vào Gia Định với trọng trách dẹp loạn, khai hoang mở mang lãnh thổ. Đến năm 1840, Minh Mạng giao chức Tuần phủ Nam Nghĩa cho ông, nhiệm vụ là quản lý công tác phòng thủ cửa biển Đà Nẵng, là một trong những cửa biển trọng yếu và nhạy cảm, mang ý nghĩa sống còn, ngay gần kinh thành Huế. Sau đó, ông tiếp tục Nam tiến, làm Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường), rồi Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên) cả hai lần đều phải gánh nhiệm vụ dẹp tan giặc cướp từ bên ngoài tới cũng như quân Xiêm, bình ổn phía Tây đồng bằng sông Cửu Long. Cũng bởi chiến tích này, Thiệu Trị đã phong tặng mỹ hiệu “An Tây Trí Dũng Tướng”, cùng tước Tráng Liệt Tử, công trạng của ông được khắc lên bia Võ Miếu tại cố đô.
Cái tên Nguyễn Tri Phương cũng là do vì Tự Đức đã ban bởi lòng quý trọng người tài, xuất phát từ câu “Dõng thả tri phương”, tức là dũng mãnh mà lắm mưu chước. Khi đã 53 tuổi, ông được phong chức Kinh Lược Sứ Nam Kỳ, tiên phong trong công cuộc khai khẩn đất hoang, lập đồn điền, đời sống người dân miền sông nước Cửu Long trở nên khấm khá hơn.
Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng khơi ngòi cho cuộc xâm lược Việt Nam. Điểm tấn công đầu tiên là bán đảo Sơn Trà, Đã Nẵng. Vận nước lâm nguy, vua Tự Đức đã chọn mặt gửi vàng. Nguyễn Tri Phương nhận lệnh quay lại Đà Nẵng, cầm quân đánh giặc, được nắm toàn quyền quyết định trên chiến trường. Tháng 10-1858, phòng tuyến Điện Hải, An Hải bị vỡ, quân triều đình tan tác nhưng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương phòng tuyến Liên Trì đã được xây dựng, lấy phòng thủ để tiến công. Trong trận Liên Trì, quân ta thương tổn khá nặng, Nguyễn Tri Phương xin vua trách tội. Tự Đức đã giáng chức nhưng để ông ở lại đoái công chuộc tội. Không phụ lòng vua, ông đồng lòng hiệp sức với quân dân Đà Nẵng đã hất cẳng quân xâm lược ra khỏi Đà Nẵng vào ngày 23-3-1860.
Nguyễn Tri Phương trên chiến trận (hình minh họa)
Thất bại trong âm mưu đánh vào yếu huyệt Đà Nẵng, thực dân chuyển hướng tấn công thành Gia Định và chiếm được thành. Nguyễn Tri Phương thêm một lần được cử vào lãnh quân, xây dựng cũng như trấn thủ đại đồn Chí Hòa. Dù đã nỗ lực hết mình nhưng kết cục Chí Hòa vẫn rơi vào tay giặc. Trước tình thế này, nhà Nguyễn phải kí Hiệp ước Nhâm Tuất với Pháp năm 1862, và cắt đi 3 tỉnh Đông Nam Bộ là Biên Hòa, Gia Định, và Định Tường.
Năm 1863, Nguyễn Tri Phương ra Bắc trấn áp quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ trắng, Cờ vàng tràn, từ biên giới sang cướp bóc hoành hành ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Ông còn được phong chức Khâm Mạng Đại Thần, tổng chỉ huy đẩy lùi giặc phương Bắc. Lúc này tuổi cũng đã già, ông dâng sớ xin vua cho rút về Huế nhưng Tự Đức vẫn tin tưởng vào tài và kinh nghiệm trận mạc của ông nên không chấp thuận.
Sáng ngày 20/11/1873, Đại úy Garnier dẫn đám quân ô hợp tấn công Hà Nội lần thứ nhất. Chỉ có hơn 300 lính cùng với 2 pháo thuyền, nhưng chúng đã chiếm được Bắc Thành, Cửa Nam bị bắn vỡ. Hơn 2.000 quân lính triều đình với vũ khí thô sơ là gươm, giáo đã thua trận trước vũ khí hiện đại từ phương Tây. Trong trân này, Nguyễn Lâm – con trai Nguyễn Tri Phương tử trận, còn ông thì bị trúng đạn và rơi vào tay Pháp. Theo “Đại Nam thực lục”, người Pháp đem cháo và thuốc cho ông, ông đều phun nhổ cả ra, tuyệt thực, quyết không khuất phục quân thù. Sau một tháng can trường thủ tiết như vậy, Nguyễn Tri Phương qua đời ở tuổi 73, với câu nói để đời “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”.
Dù thống lĩnh đại quân, quyền bính ngất trời nhưng Nguyễn Tri Phương là một vị quan thanh liêm. Ngay cả sử gia nước ngoài Paulin Vial cũng nhận xét Nguyễn Tri Phương “phụng sự nước Nam với ý định không làm giàu bằng sự bóc lột cướp giật tài sản của dân chúng”, và đánh giá ông là một tấm gương “đức hạnh vô biên khó tìm thấy ở Á châu”! Dù không sinh ra ở Hà thành nhưng nhân dân nơi đây vẫn vô cùng cảm kích trước cống hiến của Nguyễn Tri Phương, và đã lập đền Trung Liệt thuộc Gò Đống Đa và Vọng Lâu thành Cửa Bắc để tôn thờ.