Bún bò Huế có tên gọi tiếng anh là Beef Soup of Hue, đây không những là đặc sản của xứ Huế mộng mơ mà còn của nền ẩm thực Việt Nam. Sự kết hợp tuyệt vời giữa nước dùng đậm đà hoà cùng chút cay nồng của sa tế và mùi vị đặc biệt của mắm ruốc tạo nên hương vị ngon khó cưỡng cho thực khách ngay lần đầu thưởng thức.
Có nhiều câu chuyện liên quan đến xuất xứ của món ăn đặc biệt này. Mọi người thường bảo nhau rằng thật ra, Bún bò Huế có gốc gác từ làng bún Vân Cù xa xưa – nơi vẫn được xem là ‘cái nôi’ của sợi bún Huế dai ngon nổi tiếng đặc trưng. Còn theo sử sách ghi lại thì người ta nhắc đến Bún bò Huế như một món ăn đã xuất hiện trên những bàn ăn cung đình từ xưa, và chẳng biết từ bao giờ đã len lỏi đến khắp mọi nẻo đường ngõ ngách tại chốn Cố đô.
Nhắc đến bún bò Huế phải nói đến nghề làm bún ở Huế. Thủy tổ của nghề làm bún tại Vân Cù, làng bún nổi tiếng và xa xưa của Huế chính là Cô Bún.
Chuyện xưa kể lại rằng, khi những người Đàng Ngoài theo chân chúa Nguyễn Hoàng nam tiến lập nghiệp, có một nhóm người đến định cư trong vùng những tháp Chăm cổ xưa đã đổ nát, nên sau này có tên là làng Cổ Tháp, nay thuộc huyên Hương Điền, Thừa Thiên - Huế. Trong lúc mọi người chuyên sống bằng nghề canh tác làm ruộng, thì có một người thiếu nữ sáng chế ra nghề làm bún.
Tuy nhiên, có một dạo, dân trong vùng bị mất mùa liên tiếp 3 năm và kẻ xấu bụng tung tin rằng, mất mùa là do thần linh quở phạt vì Cô Bún đã đem gạo là “hạt ngọc của Trời” ra mà ngâm, mà chà, mà xát, mà nghiến nát ra để làm bún.
Thế là Cô Bún hoặc phải bỏ nghề làm bún, hoặc sẽ bị trục xuất ra khỏi làng, nhưng Cô Bún quyết sống chết với nghề, nên chấp nhận ra đi.
Năm người thanh niên mạnh nhất trong làng tình nguyện theo áp tải cái cối đá làm bún và Cô Bún đến vùng đất mới. Cứ thế, đoàn người đi về hướng Đông ven theo sông Bồ. Nơi người trai làng thứ năm khuỵu xuống với cái cối đá trên vai là làng Vân Cù ngày nay.
Tại đây, Bà Bún lập nghiệp và truyền nghề làm bún cho đến ngày nay. Từ những sợi bún, thêm nước dùng, thịt, chả, rau sống…, dân gian đã tạo thành món bún bò Huế.