menu_open
Đọc lại “Đặng Dịch Trai ngôn hành lục”
28/06/2024 8:49:41 SA
Xem cỡ chữ:
  Danh nhân Đặng Huy Trứ. Ảnh: Tư liệu
“Đặng Dịch Trai ngôn hành lục” của tác giả Đặng Huy Trứ (1825 - 1874). Ông được cụ Phan Bội Châu ca ngợi là người “trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”. Ngoài tài năng thiên bẩm, trí tuệ và đức độ của Đặng Huy Trứ còn được bồi đắp, nuôi dưỡng từ nếp nhà, đặc biệt là sự dạy bảo nghiêm từ của một người cha mẫu mực. Sự dạy bảo đó được Đặng Huy Trứ ghi lại trong “Đặng Dịch Trai ngôn hành lục”, một cuốn sách viết dưới dạng hồi ức về lời nói và việc làm của thân sinh tác giả, Dịch Trai - Đặng Văn Trọng.
 Danh nhân Đặng Huy Trứ. Ảnh: Tư liệu

Mặc dù chỉ là một cuốn sử nhà, được Đặng Huy Trứ viết với mục đích “con cháu tôi, nếu ngày đọc đêm suy nghĩ sẽ thấy như cha tôi đang dạy bảo ở trước mắt”, song “Đặng Dịch Trai ngôn hành lục” đã vượt ra ngoài khuôn phép của một gia đình, trở thành tấm gương soi chung cho muôn nhà trong cách lập thân, xử thế.

Trong việc tu thân, Đặng Dịch Trai cho rằng, dưỡng chí quý ở tấm lòng, không phải cứ đỗ đạt làm quan mới gọi là chí mà chí là biết tri túc, phụng dưỡng cha mẹ để các anh của mình gánh vác trách nhiệm với đất nước cũng là một dạng chí. Là người con hiếu thảo, khi mẹ mất, ông đã dựng lều cư tang ba năm bên mộ mẹ, không chỉ chăm lo mồ mả, giỗ kỵ, tu bổ gia phả bên nội mà còn đặt bàn thờ vọng và tảo mộ bên phía nhà ngoại. Ông tự răn mình và dạy các con khiêm tốn, nhún nhường, chín chắn, không huênh hoang, không nói điều xấu, không làm điều xấu và càng không được nghĩ đến điều xấu. Và, việc giữ mình liêm khiết không phải chỉ vì danh dự của bản thân mà còn vì thanh tiết của người thân. 

Trong trị gia, Đặng Dịch Trai luôn giữ nghiêm phép nhà. Ông dặn vợ đi buôn lúa không được đong đầy, bán vơi, phải phơi khô, quạt sạch, không lừa người lợi mình để tích phúc cho con cháu. Đối với con, ông vừa là cha vừa là thầy, không chỉ dạy con học chữ mà chú ý rèn luyện thể chất bằng những việc như nhổ cỏ, tưới rau. Thấy mình không đủ kiến văn, Đặng Dịch Trai mời thầy giỏi về nhà, khuyên bảo, đôn đốc để con cái tránh xa những thói cờ bạc, rượu trà, chăm lo dùi mài kinh sử. Khi Đặng Huy Trứ đỗ cử nhân, ông vừa vui mừng vừa khóc vì lo lắng con kiêu căng tự mãn trước thành công quá sớm. Khi Đặng Huy Trứ bị đánh trượt tiến sĩ, xóa tên trong danh sách cử nhân vì phạm húy khi làm bài thi, Đặng Dịch Trai nhân từ khuyên con, xem đó là cơ hội để rèn luyện, không được vì thế mà thoái chí...

Đối với học trò, ông dạy dỗ một cách bình đẳng, không xem khinh, xem trọng một ai. Mặc dù không làm quan, nhưng đạo làm quan của Đặng Dịch Trai cũng được gửi gắm qua những lời khuyên mà ông dành cho Đặng Huy Trứ và học trò. Ông cho rằng lập thân hành đạo để làm vẻ vang cho cha mẹ là đích của đạo hiếu. Song, làm quan phải vì ích nước lợi dân, không được tự mãn, đừng rơi vào bẫy tham ô, và nhất là phải giữ gìn trong sạch, tiết tháo, phải theo lẽ trung dung để hành xử…

Đã gần 140 năm từ khi “Đặng Dịch Trai ngôn hành lục” lần đầu tiên xuất bản, đúng tròn 150 năm kể từ khi Đặng Huy Trứ qua đời (1874 - 2024) nhưng tấm gương đạo đức của Đặng Dịch Trai qua ngòi bút tài hoa và tấm lòng chí ái, chí thành của một người con đối với cha vẫn còn nguyên giá trị trong việc soi chiếu, xây dựng đạo đức ngày nay trên tinh thần gạn đục khơi trong. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh kỷ cương xã hội, nếp sống gia đình và đạo đức cá nhân đang bị nhiều tác động tiêu cực bởi sự va chạm giữa các yếu tố truyền thống với những điều kiện kinh tế - xã hội mới.

NGUYÊN NINH