menu_open
Tàng Thư Lâu
30/04/2022 9:22:00 SA
Xem cỡ chữ:
Được xem là Tàng Kinh các của Việt Nam dưới triều Nguyễn.
Địa chỉ: 346 Đinh Tiên Hoàng, phường Thuận Thành, thành phố Huế
Thời gian hoạt động: Buổi sáng từ 8h00 đến 10h00; Buổi chiều từ 14h00 đến 16h00 (thứ Hai - thứ Năm hàng tuần (trừ các ngày lễ, Tết).
Tình trạng: Được trùng tu
Giá: Miễn phí
Giới thiệu:

Được xem là Tàng Kinh các của Việt Nam dưới triều Nguyễn, nơi lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và biến đổi của đất nước, Tàng Thư Lâu (hay còn gọi lầu Tàng Thơ, Tàng Thơ Lâu) là một công trình độc đáo và quan trọng trong Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Lịch sử hình thành:

Tàng Thư Lâu được xây dựng vào mùa hè năm 1825, dưới thời vua Minh Mạng. Lúc bấy giờ triều đình đã giao cho Thự thống chế Đoàn Đức Luận đứng ra chỉ huy 1.000 binh lính để thi công công trình đặc biệt này.

Sau khi Tàng Thư Lâu xây dựng xong, vua Minh Mạng cho dựng bia vào năm 1826, ghi lại mục đích, chức năng và ý nghĩa của việc xây dựng Tàng Thư Lâu.

Tàng Thư Lâu nhìn từ trên cao (Ảnh: The Hue Of Huế)

Nét đặc trưng:

Tàng Thư Lâu là di tích lưu trữ tài liệu, công văn… quan trọng dưới triều Nguyễn; là nơi cất giữ, bảo quản các văn kiện của các bộ: Lại, Hình, Lễ, Công, Học, Binh đã được thực hiện từ thời vua Gia Long trở đi; những hiệp ước ký kết với Pháp về đất đai, quyền cai trị tại Bắc, Trung, Nam; các tài liệu ngoại giao với các triều đại Trung Quốc... Riêng số công văn, thư tịch, sổ sách cũ của 6 bộ và các nha sau từng năm một đều phải mang đến Tàng Thơ Lâu để cất giữ và được gọi là “Thượng niên sách tịch”, nghĩa là sổ sách của năm vừa qua. Trước năm 1945, chỉ tính số sổ địa bạ của Bộ Hộ thời vua Gia Long và Minh Mạng ở đây đã lưu trữ đến 12.000 tập.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiện nay Tàng Thư Lâu sở hữu hơn 70.000 đầu sách và đơn vị tư liệu, thuộc nhiều thể loại và dạng thức khác nhau như sách Hán Nôm, thư tịch cổ, các công trình biên khảo về nhà Nguyễn, sách Mỹ thuật, Kiến trúc, Văn hóa, Phật giáo, Tôn giáo, Tín ngưỡng, Ngôn ngữ học, bản đồ, hình ảnh... Có thể nói, đây là kho lưu trữ khá đồ sộ. Hệ thống lưu trữ của Tàng Thơ lâu sẽ liên tục được cập nhật, bổ sung và đa dạng hóa các loại hình tư liệu.

Ngoài các bộ chính sử triều Nguyễn, trong hệ thống thư tịch cổ của Việt Nam, chúng tôi cố gắng tinh tuyển các đầu sách có giá trị về mặt tư liệu lịch sử cao như các bộ sử, văn hóa: Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều tạp kỹ (Ngô Cao Lãng), Nam Hà tiệp lục (Lê Đản), Vân đài loại ngữ, Kiến văn tiểu lục (Lê Qúy Đôn), Sử học bị khảo, Việt sử cương mục tiết yếu (Đặng Xuân Bảng), Quốc sử di biên (Phan Thúc Trực), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Quốc triều chánh biên toát yếu (Cao Xuân Dục)…

Kiến trúc:

Tổng thể kiến trúc Tàng Thư Lâu được thiết kế rất khoa học nhằm đáp ứng chức năng cất giữ và bảo quản các sổ sách văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình. Đặc biệt, để tránh sự lây lan của hỏa hoạn, cũng như để bảo vệ tư liệu gốc của quốc gia, công trình được thiết kế xây dựng trên đảo giữa hồ, gồm 2 tầng đồ sộ, xây bằng gạch và đá, ngoài trát vôi, tường có độ dày 0,4m, mái lợp ngói đất nung. Tầng trên 7 gian 2 chái, trổ nhiều cửa chung quanh, các gian thông thương với nhau bằng 3 lối cửa. Chung quanh xây lan can thông thoáng để không khí lưu chuyển nhằm tránh sự ẩm mốc. Tầng dưới 11 gian, xung quanh đều được xây lan can, 4 bên lầu xây hồ vuông gọi là Hồ Học Hải. Đây là một cái hồ hình vuông, vốn là một đoạn trong dòng chảy cũ của sông Kim Long, được nắn lại dưới thời vua Gia Long, phần đảo nổi giữa hồ được sử dụng làm kho thuốc súng và diêm tiêu. Hòn đảo này nối với đất liền bằng một cây cầu xây bằng gạch và đá ở bờ hồ phía Tây. Bốn mặt hồ xây tường gạch thấp. Với cấu trúc xây khối hoàn toàn bằng gạch đá, vôi vữa, Tàng Thư Lâu là một công trình rất khác biệt so với hàng trăm công trình kiến trúc gỗ thời bấy giờ.

Giá trị nghệ thuật:

Được xem là Tàng Kinh các của Việt Nam dưới triều Nguyễn, nơi lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và biến đổi của đất nước, Tàng Thư Lâu là một công trình độc đáo và quan trọng trong Quần thể Di tích Cố đô Huế. Ngày nay, Tàng Thư Lâu đi vào hoạt động là địa chỉ để nghiên cứu, bảo tồn và lưu giữ bền vững các di sản (Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình) cho tương lai.

Hoạt động trải nghiệm tại Tàng Thư Lâu (Ảnh: Bảo Minh)

Hướng dẫn đường đi:

Từ Trung tâm thành phố Huế, du khách đi qua cầu Trường Tiền, vào Cửa Ngăn, tiếp tục rẽ phải vào đường Đoàn Thị Điểm và đi thẳng; tới đường Nhật Lệ thì rẽ phải, gặp điểm giao cắt đường Đinh Tiên Hoàng thì rẽ trái, tiếp tục đi thẳng tới số 346 Đinh Tiên Hoàng. Phía trong di tích Tàng Thư Lâu có chỗ gửi xe.

Hướng dẫn trải nghiệm:

Đến với Tàng Thư Lâu, nhân dân và du khách có thể tự do tham quan, tìm hiểu về di tích đặc biệt này. Tàng Thư Lâu mở cửa từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần (Buổi sáng từ 8h đến 10h; Buổi chiều từ 14h đến 16h), là điểm đến lý tưởng để đọc sách và tra cứu tư liệu về văn hóa Huế thời Nguyễn. Hơn 4.000 bức ảnh được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau được tái hiện sinh động tại đây giúp người xem có thể hình dung được chốn hoàng cung triều Nguyễn. Đồng thời, đây cũng là điểm check in lý tưởng với không gian đọc sách đặc trưng và những dãy hành lang đậm màu hoài cổ.

Video Youtube:
Bản đồ:
Ảnh: Bảo Minh, Ngọc Bích, The Hue Of Huế
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>