menu_open
Hoàng đế Minh Mệnh có phải “Nero của Việt Nam”?
21/02/2021 8:12:35 SA
Xem cỡ chữ:
Hoàng đế Minh Mệnh, ảnh sưu tầm
Nói tới Hoàng đế Minh Mệnh, một số nhà truyền giáo và sử gia phương Tây gọi ông là “bạo chúa”, “Nero của Việt Nam” do những biện pháp cấm đạo nghiêm khắc lúc bấy giờ. Ít ai biết, ông là vị hoàng đế luôn trăn trở vì dân và các văn bản hành chính của triều đình lúc bấy giờ cũng phần nào cho thấy điều này.
Hoàng đế Minh Mệnh, ảnh sưu tầm

Minh Mệnh - vị hoàng đế thứ 2 triều Nguyễn, ngay sau khi lên ngôi, đã cho thi hành hàng loạt chính sách mới, đem lại cho đất nước nhiều thay đổi lớn lao và để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và nhân kỷ niệm 200 năm ngày Hoàng đế Minh Mệnh lên ngôi (mùng 1 tháng Giêng năm Canh Thìn), xin gửi tới quý vị bài viết về vị Hoàng đế này.

Trong suốt thời gian trị vì, hoàng đế Minh Mệnh đã thể hiện quan điểm thân dân và thực thi nhiều chính sách an dân. Làm thế nào để dân no ấm, sống yên ổn luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhà vua. Qua Châu bản triều Nguyễn, chúng ta sẽ thấy rõ nỗi niềm trăn trở của hoàng đế đối với chúng dân, cùng những chính sách đối phó thiên tai, nghiêm trị nhân tai, vỗ về dân chúng.

Luật pháp nghiêm minh, ngăn ngừa nhân tai

Để đem lại cuộc sống bình yên cho muôn dân, nhà vua luôn phải nghĩ đến những biện pháp ngăn ngừa nạn ngoại xâm đe dọa cho đến nội loạn, trộm cướp và nạn quan lại tham nhũng, sách nhiễu, làm người dân khốn khổ, mất niềm tin. Vua ban hành và cho thực thi pháp luật nghiêm minh. Từ hoàng thân quốc thích đến thứ dân đều phải tuân thủ pháp luật. Ai mắc tội cũng bị đem ra xử theo pháp luật. Vua đặc biệt lưu ý đến việc quan hệ lợi ích của nhân dân có được đảm bảo hay không,

“Nước nhà định ra pháp luật, duy là để lợi cho dân”. Vua nghiêm trị quan tham nhũng nhiễu để dân bớt khổ. Huỳnh Công Lý trước mắc tội tham nhũng, tang vật đến 2 vạn quan tiền. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả cho binh dân.

Vua Dụ rằng: Từ trước đến nay vẫn thận trọng lựa chọn những trọng thần công lao danh vọng, sai trấn thủ cho muôn dân yên ổn. Vậy mà Huỳnh Công Lý, lấy tư cách đê hèn, thói tham bạo, trái pháp luật, tham nhũng, bắt người làm việc riêng mỗi lần đến hàng mấy nghìn, mọt nước hại dân đến thế là cùng. Nghĩ các người vô tội, dù của cải đền được nhưng nỗi khổ lâu ngày khó mà hồi được. Nay tội nhân như thế, pháp luật phải thi hành, để cho nhân dân uất ức đều rõ cái ý trừ bạo an dân của triều đình.

Rồi nhân đó, vua dụ, từ nay, biền binh trong ngoài nếu gặp kẻ tham tàn, cậy quyền thế áp bức mà không kêu được thì cho phép đón xa giá để tâu. Lại dụ rõ cho các đại thần nên lấy việc Lý làm răn.

Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), viên Tri phủ Phan Nhật Tỉnh ở Nghệ An bị tố cáo bắt dân phu tu sửa công đường, đóng thuyền cho riêng mình, thúc dân lễ vật tiền gạo, chiếm công đường cũ làm nhà riêng,…Vua xem tập tâu, phê: “Lập tức cách chức Phan Nhật Tỉnh”.

Phòng chống thiên tai, chia sẻ khó khăn với dân

Lụt lội và hạn hán là những nguyên nhân thường xuyên gây mất mùa, sinh đói kém cho dân. Năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), Nghệ An mưa nắng không đúng kỳ, dân bị mất mùa.

“Tháng trước, trẫm nghe tin địa phương ấy có nhiều dân bị nạn, đói nghèo, phải đi các nơi khác kiếm ăn, rất thương xót, lập tức giáng chỉ hoãn thu các khoản tiền, thóc sản vật còn thiếu trong toàn hạt và lập tức phái quan ở Kinh đến mở kho phát chẩn.”

“Nay lại nghe tin từ Diễn Châu trở ra bắc và các huyện ven núi, dân càng nghèo khó cùng cực, lại thêm trộm cướp hoành hành cướp bóc. Thế mà lâu rồi trấn ấy chưa từng trình tâu, là làm sao? Cho Nguyễn Văn Xuân mau đi kiểm tra các nơi có ruộng vụ hạ bị thiên tai, chia loại nặng nhẹ, theo sự thực phúc trình.”

“Lại nữa, trấn ấy phải chú ý nghiêm sức cho quân lính đi tuần truy lùng bắt, trộm cướp dẹp yên, cốt sao cho địa phương được yên ổn. Nếu không như thế thì đã có phép nước, không thể khoan thứ cho các ngươi”.

Năm Minh Mệnh thứ 6, hai huyện Phong Lộc, Lệ Thủy (Quảng Bình), đồn điền vụ hạ bị hư hại tổng cộng 1.975 mẫu 7 sào 2 thước 1 tấc, xin miễn thuế, vua phê: “Truyền gia ân giảm thuế theo đề nghị của Bộ”.

Cũng trong năm Minh Mệnh thứ 6, 78 xã ở 4 huyện của Hải Dương, ruộng vụ hạ bị ngấm nước chua mặn, không cày cấy được, vua phê: “78 xã thôn thuộc 4 huyện ấy liền năm mất mùa, thực rất đáng thương, tùy xét ban ơn cho dân bớt khổ”.

Châu bản triều Nguyễn để lại còn cho thấy, khi có thiên tai như hạn hán, lụt lội, dịch bệnh mà vượt quá sức chống đỡ của con người, nhà vua thường tự xét lỗi mình hoặc hết lòng cầu đảo giúp dân. Trước đã giáng dụ chỉ lệnh cho các địa phương thành tâm cầu đảo, không câu nệ số (tiền). Đó là lòng trẫm thương nông dân, muốn khiến quan lại các địa phương và dân xã có trách nhiệm… Từ nay về sau, các địa phương, nếu trời không mưa, lập tức tuân theo chỉ trước, lập đàn hoặc đích thân đến các đền linh thiêng làm lễ cầu mưa.

Trong hạt Hải Dương 9 huyện liền năm mất mùa đói kém, trộm cướp quấy rối, nhân dân ngày xiêu tán dần, quan địa phương cho là ruộng chưa bỏ hết dân chưa đi hết nên không tâu. Vua biết, dụ Nguyễn Hữu Thận rằng: “Dân địa phương ấy ví như người ốm lâu trơ xương, chẳng cho uống thuốc mà cứ yên lặng đứng xem, thì có khác gì trông thấy đứa bé đương bò vào giếng mà không động lòng thương xót, như thế thì còn dùng nhiều mục lệnh (quan cai trị) làm gì? Khanh là lão thành thông thạo nên tính kỹ xem, hoặc vỗ về thăm hỏi, hoặc tha giảm hoãn thuế, cho đến đặt đồn bảo ngăn trộm cướp, phàm làm thế nào có thể yên dân thì làm sớ tâu ngay mới là không phụ trách nhiệm được giao”.

Hữu Thận bèn hỏi kỹ các địa phương, trích ra 37 xã thôn bị khổ tâu lên. Vua dụ rằng những thuế phải thu năm nay và tiền thóc còn thiếu về các năm trước đều tha hết.

Khuyến khích khai hoang, khơi sông, sửa sang đê điều

Sau bao năm chiến tranh loạn lạc, nhận thấy vấn đề trước mắt và cần thiết là giải quyết nhu cầu có ruộng đất sinh nhai, đặc biệt giúp dân phiêu tán ổn định cuộc sống, hoàng đế Minh Mệnh khuyến khích dân khai hoang vùng đất mới.

Bên cạnh đó, nhà vua hết sức quan tâm cho khơi sông, sửa sang lại hệ thống đê điều, chịu nhiều tốn kém để đem lại lợi ích cho dân.

Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), hai đầu nguồn đầm bên trái, bên phải hạt phủ Thừa Thiên trước vua đã lệnh cho quan Kinh doãn thuê dân đến khai khẩn. Những người dân tình nguyện lĩnh canh cấp tiền để làm vốn. Phạm nhân đi đày cũng được cho làm nhà ở, được cấp gạo, tiền. Mùa đông đến, vua thấy tình cảnh đáng thương, truyền gia ơn cấp cho dân và người đi đày hiện ở đó, mỗi người 10 thước vải đen, 10 thước vải trắng và 1 quan tiền.

Vua nhận thấy, nạn lũ nhiều, phần lớn do cuối nguồn không được lưu thông, cần tiến hành đào sông để thoát nước, việc phòng giữ sông ngòi là rất lợi hại, quan trọng, vất vả một thời gian mà yên ổn lâu dài. “Tuy có tốn kém đến hàng vạn, lòng Trẫm cũng không hề tiếc”. “Phải nhanh chóng tính toán và sớm bắt tay vào làm, khiến cho lòng trẫm được thư thái.

Bản Phụng Thượng dụ của Hà Tôn Quyền về việc đào sông Phổ Lợi năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) cũng cho thấy những trăn trở của nhà vua với nước, với dân:

Lần này việc đào sông Phổ Lợi là vì lợi ích chung của nhà nước, của dân. Vậy mà viên kiểm khám là Kinh doãn Hồ Hựu lại bỏ chỗ dễ, làm chỗ khó, thành ra tốn gấp 3 lần.

Trẫm lấy việc phí tổn của nhà nước để lợi cho dân, tuy vậy phí tổn cũng không thể vô kể, nên đã lệnh cho viên Đổng lý coi sóc việc đó, vậy mà đã không trù liệu cho kỹ càng, thỏa đáng, dẫn đến đê sụt lở xuống lòng sông, gây nguy hiểm, công trình nặng nhọc vất vả, hao phí nhân lực.


Đã đem tên đó đến công trường đóng gông, bêu trước dân chúng và lập tức điều phái thêm binh lính cùng đại thần võ ban đến phụ trách thay, làm cho công trình kịp xong sớm, lại đúng vào kỳ mưa lụt. Nay binh lính dân phu làm việc suốt ngày ngập trong bùn đất, lòng Trẫm không an. Truyền ngay ngày hôm nay những viên biền binh lính dân phu làm lao dịch chuẩn cho rút về nghỉ ngơi. Còn đoạn nào chưa xong chờ đến cuối năm tiếp tục làm.

Trong việc công ích (như xây thành, làm đường, đào sông, đắp đê,…) nhà vua không cho phép các quan lợi dụng chế độ sưu dịch để khai thác sức lao động không công của dân. Năm Minh Mệnh thứ 7, Dinh Quảng Nam xây cầu đá trên đường quan, xin bắt dân làm việc. Vua dụ rằng: “Trẫm mỗi khi dùng nhân công, tất sai thuê mướn, vốn muốn lợi cho dân; bọn ngươi lại muốn chia việc cho dân là sao vậy? Nếu ngươi lấy sự thuê mướn làm khó thì trẫm sai người khác làm thay, sau khi xong việc, thử nghĩ xem bọn ngươi còn mặt mũi nào làm châu mục nữa?”. Dinh thần bèn tâu xin thuê làm. Hạ lệnh hằng ngày phát tiền gạo hậu cấp.

Việc lợi cho dân thì làm, ảnh hưởng lợi ích của dân thì xem lại

Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), Vũ Xuân Cẩn đi phát chẩn ở Nghệ An về, tâu: “Thần xét người nào mạnh khoẻ thì cho ít, trẻ con mà gầy xanh thì cho nhiều, xin chịu tội “vi chế” (tức làm trái quy chế)”. Vua bảo rằng: “Nếu có lợi cho dân thì tự ý làm cũng được, có tội gì?”.( Đại Nam thực lục,)

Châu bản triều Nguyễn cho biết một sự việc khác vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), theo tấu báo của Nguyễn Hữu Thận, trấn hạt Quảng Ngãi khi đó giá gạo vẫn khá cao, mùa đông tới khó tránh khỏi khó khăn về cái ăn. Trong khi đó, đường cát trong kho của công rất cần dùng. Vì vậy, bộ Hộ truyền chỉ cho trấn ấy phát thóc kho, mua 20 vạn cân đường cát. Đây là việc làm giàu cho nước, lợi cho dân, phải công bằng tuân lệnh mà làm.

Bản Tấu của Bộ Hộ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) có đề cập: từ trước đến nay các tổng đốc, tuần phủ, bố chính, án sát các địa phương làm tập thỉnh an, trong đó có đem các việc không thật thiết thực, gộp vào trình bày thêm, nên vua đã ban dụ: Phàm các công việc có quan hệ đến lợi hại cho dân sinh, quan lại gian - hiền, và có trình bày rõ việc gì có thể có lợi ích cho đất nước, cho dân thì cho tâu trình đầy đủ, ngoài ra các việc tầm thường, đều làm tập tâu trình bình thường, không cần lưu đợi đến lúc thỉnh an mới trình bày thêm.

Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), Nguyễn Nghị tâu về việc, trước kia, khi viên đó làm việc ở phủ Nghĩa Hưng, thấy đến kỳ thuế hàng năm của tỉnh, tỉnh có phái 1 vị nhập lưu thư lại sung vào cai lại của các huyện. Viên cai ấy hễ có điều gì không như ý là sinh sự, không duyệt. Tệ nạn ấy đã thành thói tật từ lâu.

Chúng thần nghĩ rằng việc đôn đốc trưng thu thuế khóa của nhà nước đã có người đốc thu, đếm tiền, xem phiếu, thiết tưởng không thiếu người làm, lại đặt thêm chức cai trưng, như viên cai trưng tỉnh Hưng Yên năm trước là Nguyễn Công Bình - tham nhũng, từng bị phát giác xét xử. Qua đó có thể thấy rõ chức quan đó là vô ích mà có hại cho dân. 

Nhà  vua phê: Những lời đó cũng có thể nghe được. Truyền Bộ Hộ nghị phúc.

Đối với người tàn tật, cô quả, không nơi nương tựa

Chăm lo đến đời sống những người tàn tật, cô quả, không nơi nương tựa cũng là mối quan tâm của Hoàng đế. Một số văn bản Châu bản cho biết hàng năm có báo cáo kê khai chi tiêu tiền gạo chẩn cấp nuôi người tàn tật, cô quả. Bản Tư trình của  Phó Tổng trấn Bắc Thành vào năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) trình bày rõ: Tại sở dưỡng tế ở Nam Định có những người mù, cô quả, tàn phế, không người nương tựa đến ở. Từ tháng Giêng đến cuối năm Minh Mệnh thứ 9 đã chi tiền, lương thực và tập hợp sách khai tiêu gồm 2 bản, chuyển về thành để chuyển nạp lên.

Vua cũng dành sự thương cảm cho binh lính. Năm Minh Mệnh thứ 7, binh lính thành Gia Định chuyển voi về Kinh, đi đường trèo đèo lội suối, nhà vua thấy thực rất đáng thương. Truyền gia ơn thưởng cho quần áo theo thứ bậc khác nhau. Lại xét người nào nguyên đã có bổng rồi thì thưởng thêm cho 2 tháng bổng nữa. Còn lại thưởng đều cho mỗi người 2 quan tiền để tỏ lòng thương xót.

Qua những văn bản hành chính của triều đình lúc bấy giờ, nhất là qua những lời phê của nhà vua, có thể thấy rõ, an dân luôn là mối quan tâm thường trực của Hoàng đế Minh Mệnh trong suốt thời gian ở ngôi và ông đã cho thực thi nhiều chính sách quan trọng vì dân. Hi vọng những thông tin này sẽ góp phần lãm rõ nét hơn khi nhìn nhận về dấu ấn mà Hoàng đế Minh Mệnh đã để lại trong lịch sử nước nhà. 

Hồng Nhung
Các bài khác
    << < 1 2 > >>