Thọ Xuân vương Miên Định (trái) và Tuy Lý vương Miên Trinh là những người được phong tước vương khi vẫn còn sống. Ảnh tư liệu
“Tứ bất” có nghĩa là bốn không - bốn điều cấm trong triều đình Nguyễn. Nhiều sách giải thích bốn điều đó là: Không đặt chức tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên, không lập hoàng hậu và không phong tước vương cho các hoàng thân còn đang sống. Ngoài ra cũng có quan điểm cho rằng điều cấm cuối cùng là không lập thái tử. Bằng chứng là chỉ có triều vua đầu tiên là Gia Long phong hoàng tử Cảnh tước Đông cung thế tử, và mãi đến triều vua sát cuối là Khải Định phong hoàng tử Vĩnh Thụy tước Đông cung thái tử.
Mặc dù vậy, thì ngoài triều vua đầu tiên (Gia Long), thì lệ không lập hoàng hậu đã bị vua Bảo Đại phá vỡ bằng việc sắc phong cho vợ là Nam Phương hoàng hậu ngay sau lễ cưới diễn ra năm 1934.
Về chức tể tướng và ngôi vị trạng nguyên, đúng là không có ở triều Nguyễn, nhưng có phải đúng là triều Nguyễn không phong tước vương?
Vị thân công được phong vương đầu tiên
Dân gian vẫn thường truyền tụng câu thơ “Thi đáo Tùng, Tuy, thất thịnh Đường” (tức là thơ của hai ông Tùng, Tuy, thì đến thời thịnh Đường cũng phải nhường), khen ngợi tài thơ của hai vị Tùng Thiện vương Miên Thẩm và Tuy Lý vương Miên Trinh. Theo sử sách, chúng ta biết ông Miên Trinh chỉ được truy phong tước Quận vương (dưới tước vương) sau khi đã qua đời. Nhưng ông Miên Thẩm thì đã được phong tước vương đời vua Hiệp Hòa (1883), là một chứng minh cho lệ “bất lập vương” là không chính xác.
Và trước Tuy Lý vương, từ năm 1878, hai hoàng tử là Miện Định và Miên Nghi đều đã được phong tước vương. Các vị hoàng tử tên có chữ Miên này đều là con của vua Minh Mạng.
Theo sách Đại Nam hội điển, quy định của triều đình nhà Nguyễn, các hoàng tử từ 15 tuổi trở lên, nếu xét tư cách đạo đức tốt sẽ được phong tước công, là tước hiệu quý tộc cao nhất trong các triều đại phong kiến, trên các bậc hầu, bá, tử, nam. Các tước hiệu này có mỹ tự kèm theo, với tước công là tên phủ, huyện, như Tùng Thiện công là lấy tên huyện Tùng Thiện ở Sơn Tây, Tuy Lý công là lấy tên huyện Tuy Lý ở Phú Yên, Thọ Xuân công là lấy tên huyện Thọ Xuân ở Thanh Hóa, nhưng Ninh Thuận công là lấy tên phủ Ninh Thuận.
Bộ sử nhà Nguyễn, Đại Nam thực lục, cho biết, mùa hạ năm Tự Đức thứ 27 (1874), triều Nguyễn phong tước vương lần đầu tiên cho hai vị thân công. Đó là Thọ Xuân công Miên Định và Ninh Thuận công Miên Nghi, đều được phong lên tước quận vương.
Bản dụ của vua Tự Đức viết rằng: “Thọ Xuân công và Ninh Thuận công đều là bậc chú của trẫm, năm nay gần thất tuần, tuổi tác trung hậu, càng già càng chăm, là bậc làm phên dậu che giữ của trẫm, trẫm rất kính, rất yêu. Mỗi khi muốn đặc ân cách để yên tấm lòng chân tình của ta, nhưng không phải phẩm vật là quý, danh vọng mới quý, thì phẩm vật gì để xứng với tình ta ư?”.
Về việc phong tước vương đầu tiên này, vua Tự Đức dụ rằng: “Nếu mà để đến khi đã chết mới truy khen bao phong, sao bằng bao phong cho lúc còn sống được kịp thấy là hơn. Vậy hai công chuẩn tấn phong làm Quận vương, nói về thân tình, về tuổi già, về đạo đức, không gì là không đúng cả, có thể trên yên lòng hữu ái của tiên đế, mà bỏ tấm lòng rất hậu đãi người thân phiên của trẫm”.
Khi đó, cả hai vị thân công đều dâng sớ khẩn thiết chối từ cho là triều đình từ khi đại định đến nay, các thân phiên chưa có ai còn sống mà được phong tước vương cả. Huống chi nay đương lúc biên thuỳ có nhiều việc, hoàng thượng sớm khuya lo nghĩ chưa rỗi, mà nhiều lần dự bàn việc nước việc binh, không có chút gì bổ ích, tự biết vô công mà hưởng lộc hậu, trong lòng thấy không yên chứ không dám khiêm nhượng hão.
Vua Tự Đức phê bảo: “Triều đình khâm định chưa phong tước vương, vì chưa được người chưa phải lúc, cho nên vẫn đợi. Hai chú đừng từ chối để yên lòng kính người lão quý thân rất thành thực của trẫm”. Khi đó, Thọ Xuân công mới đành nhận lễ phong.
Đến năm Tự Đức thứ 31 (1878), mùa xuân, gặp Đại khánh tiết Ngũ tuần vạn thọ của nhà vua, Thọ Xuân quận vương lại được tấn phong lên là Thọ Xuân vương (trên mức quận vương một bậc).
Sách Đại Nam liệt truyện, tập 3, phần Truyện các hoàng tử, chép bản dụ của nhà vua viết rằng: “Thọ Xuân vương tuổi gần thất tuần, phúc thọ phú quý đều có cả, mà ưu ái trung thành càng lâu càng nhiều. Triều đình có bậc họ thân tuổi tác cao, chẳng những riêng trẫm kính yêu, cũng đủ thỏa lòng mọi người trông mong. Chuẩn tán phong làm Thọ Xuân vương, để an ủi tuổi già mà tỏ ra lòng yêu quý ưu đãi”.
Thọ Xuân vương Miên Định được vua tín nhiệm cho giữ chức kiêm nhiếp Tôn nhân phủ, khi vua Tự Đức qua đời, đã để lại di chiếu dặn ông cùng Tuy Lý công giúp đỡ vua Dục Đức việc nước. Đến năm Đồng Khánh năm đầu (1886), mùa đông, ông qua đời, thọ 77 tuổi. Vua nghe tin, lấy làm thương xót, nghỉ triều 3 ngày, sai hoàng thân tước công ban rượu tế, đặc biệt cho tôn thụy là Đoan Khác. Ngày an táng, vua lại sai quan đến tế.
Cuộc đời chìm nổi của các vị vương khác
Còn với Ninh Thuận công Miên Nghi, thì dù đã được vua Tự Đức sắc phong lên tước Quận vương, nhưng chưa kịp tuyên phong thì ông mắc bệnh qua đời, thọ 65 tuổi. Vua nghe tin ông chết rất thương xót, cũng cho nghỉ triều 3 ngày. Về tước vương mới phong, triều đình đổi làm truy tặng. Việc tang tế của ông cũng được tổ chức theo nghi lễ dành cho tước quận vương, vua ban cho thụy là Đoan Túc.
Tùng Thiện công Miên Thẩm mất từ năm Tự Đức thứ 23, thọ 52 tuổi, đến năm thứ 31 mới được truy phong tước Quận vương.
Tuy Lý công Miên Trinh năm Tự Đức thứ 36 (1883), khi vua yếu mệt, có di chiếu để lại sai ông cùng Thọ Xuân vương đều là bậc tuổi và đức đều cao, nếu thấy nước nhà có việc gì không phải, nên hết lời sửa chữa. Khi vua Hiệp Hòa được đưa lên ngôi, ông được tấn phong lên tước vương.
Nhưng sau đó, con trai Tuy Lý vương là Hồng Sâm đã mưu cùng vua Hiệp Hòa nhờ tay thực dân Pháp để trừ hai vị quyền thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Việc bại lộ, cả vua và Hồng Sâm đều bị giết. Tuy Lý vương sợ hãi, đem cả gia đình xuống Thuận An xin tị nạn trên tàu Pháp do Picard Destelan chỉ huy. Dù được Khâm sứ De Champeaux che chở, nhưng vì Tôn Thất Thuyết đòi, nên Pháp trao trả ông cho triều đình Huế. Ông bị Tôn Thất Thuyết cách hết chức, giáng xuống tước Tuy Lý huyện công, đày vào Quảng Ngãi. Mãi đến khi vua Đồng Khánh lên ngôi (1886), ông mới được tha về và cho khôi phục tước Tuy Lý công.
Năm 1889, khi vua Thành Thái lên ngôi, ông được cử làm Ðệ nhất Phụ chính thân thần, kiêm nhiếp Tôn Nhân phủ Tả Tôn chính. Năm Thành Thái thứ 6 (1895), ông lại được tấn phong tước Tuy Lý vương, khi ấy ông 77 tuổi, sinh cháu 5 đời, mở yến tiệc để ghi mừng ngũ đại đồng đường, mọi người đều khen là việc hay.
Hai năm sau, ông mất, thọ 79 tuổi. Nghe tin ông mất, vua Thành Thái thương tiếc, cấp cho 1.000 đồng bạc để lo việc tang, cho thụy là Đoan Cung, sai quan đến tế. Vua lại cho thêm 2.000 đồng bạc để dựng đền thờ và trích lấy 15 mẫu ruộng công ở xã Mậu Tài sung làm ruộng thờ.
Hoàng tử Hồng Hưu, con vua Thiệu Trị, thời vua Hiệp Hòa cũng được phong làm Gia Hưng quận vương, đến thời vua Kiến Phúc lại được gia phong làm Gia Hưng vương, nhưng rồi cũng bị các đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường kết tội, cách hết tước vị, đày đi an trí ở Lao Bảo cho đến khi chết. Sau này, ông mới được khôi phục tước vị lên là Gia Hưng công.
Ngoài các vị này, các vị hoàng tử khác của triều Nguyễn thường chỉ được truy phong tước quận vương sau khi qua đời. Như con vua Gia Long là Nguyễn Phúc Bình, khi qua đời năm Tự Đức thứ 16 được phong Định Viễn quận vương, con vua Minh Mạng là Miên Hoành mất năm Minh Mạng thứ 11, được truy phong là Vĩnh Tường quận vương.
Hai hoàng tử là Miên Bảo và Miên Bật, đều mất năm Tự Đức thứ 7, đến năm Tự Đức thứ 31, nhân kỳ Ngũ tuần đại khánh của nhà vua, được truy phong tước Tương An quận vương và Quảng Ninh quận vương.
Con vua Thiệu Trị là Hồng Y mất năm Tự Đức thứ 30, cũng được truy phong làm Kiến Thụy quận vương, rồi đến năm Thành Thái thứ 9, vua Thành Thái là cháu nội ông mới thăng ông lên làm Thụy Thái vương.
Hoàng tử Hồng Cai là người đầu tiên được phong tước Quốc công năm Tự Đức thứ 18, đến khi con trai ông là Ưng Thị được lên ngôi vua, tức vua Đồng Khánh, ông mới được tấn tặng làm Kiên vương rồi đến năm Đồng Khánh thứ 3 lại tấn tặng làm Hoàng thúc phụ Kiên Thái vương. Kiên Thái vương còn có hai người con khác được vua Tự Đức nhận làm con nuôi, sau đều làm vua là vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi.