menu_open
An Hiên - Chốn bình yên
Xem cỡ chữ:
Nhà vườn Huế, An Hiên, nhà vườn nổi tiếng nhất Huế, phủ đệ Huế, Phủ đệ, Kim Long
Bên cạnh những kiến trúc thành quách, cung đình, lăng tẩm… của vương triều phong kiến xưa; Huế còn có một di sản kiến trúc khác – đó là nhà vườn - một dấu ấn đậm nét vừa mang nét tinh hoa quý tộc, lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống.
Nhà vườn Huế, An Hiên, nhà vườn nổi tiếng nhất Huế, phủ đệ Huế, Phủ đệ, Kim Long

Lịch sử lâu đời của một ngôi nhà

Nhà vườn An Hiên nằm ở bờ bắc sông Hương, số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, TP Huế. Cũng như kinh thành và nhiều kiến trúc khác ở Huế, nhà vườn cũng quay ra dòng sông Hương thơ mộng và cách không xa ngôi chùa Thiên Mụ nổi tiếng.

Nhà vườn An Hiên có lịch sử khá lâu đời và qua tay nhiều chủ nhân. Theo tài liệu của gia đình, trước năm 1895, gia chủ sớm nhất là một công chúa con vua Dục Đức (khi đó dinh cơ này là phủ công chúa). Người chủ tiếp theo là ông Phạm Đăng Khanh (còn gọi là Phạm Đăng Thập), cháu của đại thần Phạm Đăng Hưng thời Gia Long. (ông Khanh là cháu gọi Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ là bà). Năm 1920, người chủ nhân mới là bà Khâm Điệp. Năm 1936, ông Tham Tề - con trai bà Khâm Điệp bán cho ông Tuần Vũ Nguyễn Đình Chi (bấy giờ đang giữ chức Tuần phủ Hà Tĩnh). Vợ ông Nguyễn Đình Chi là bà Đào Thị Xuân Yến đã thừa kế và tiếp tục quản lý, gìn giữ khu nhà vườn. Chính bà là chủ nhân lâu nhất, gìn giữ toàn vẹn nhất và đã nâng cao giá trị của khu nhà vườn An Hiên cho tới khi bà qua đời vào năm 1997.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975) cho tới khi bà Đào Thị Xuân Yến qua đời (1997), An Hiên, hay còn được gọi là nhà vườn bà Tuần Chi trở thành một địa chỉ văn hóa của đất cố đô. Hiện nay, nhà vườn An Hiên thuộc quyền thừa kế của người con dâu Phan Thị Hoàng Oanh và bốn người cháu nội (hiện đang sinh sống tại Pháp)

Một kiến trúc nhà vườn mẫu mực

An Hiên là một kiến trúc tiêu biểu, mẫu mực của nhà vườn xứ Huế, hòa quyện cùng thiên nhiên và được quy hoạch tuân thủ theo đúng những nguyên tắc phong thủy của kiến trúc truyền thống Phương Đông. Hướng chính của nhà quay ra phía sông Hương. Toàn bộ khuôn viên rộng gần 5000m2, luôn xanh ngắt màu cây lá. Cổng của khu nhà vườn phía ngoài có dáng vẻ khiêm nhường, ẩn sau những vòm cây rợp bóng. Cổng được xây bằng gạch cuốn vòm với những đường nét cổ kính đặc trưng của kiến trúc Huế. Phần cuốn vòm trên cánh cổng có trang trí hình hổ phù, hai bên trụ cổng là đôi câu đối, phía trên vòm cổng là một bức hoành cuốn thư nổi có hai chữ AN HIÊN. Tất cả các chi tiết trang trí này đều được khảm sành sứ. Phía trên cổng là hình hai con dơi sải cánh. Hai cánh cổng gỗ có kiến trúc “thượng song hạ bản” mở ra dẫn vào bên trong…

Từ cổng vào nhà đi qua một lối nhỏ dưới những vòm cây mơ đan vào nhau, tạo nên chiều sâu và một cảm giác tĩnh lặng, trang nghiêm. Bố cục của ngôi nhà và các hạng mục phụ trợ cùng khu vườn rất chặt chẽ, hợp lý với tỷ lệ kiến trúc đẹp, phù hợp cảnh quan. Phía trước nhà, nơi kết thúc lối đi với hai hàng mận là một tấm bình phong có vai trò như một “tiền án” trước nhà. Tấm bình phong có kiến trúc thanh thoát, nhẹ nhàng, ở giữa có hình chữ “thọ”, hai bên có hai chữ “song hỷ”. Phía trong, sau bức bình phong, trước ngôi nhà là một bể nước thả hoa sung; đây là yếu tố “minh đường” trong phong thủy. Kiến trúc chính là một ngôi nhà 3 gian 2 chái nằm gần như ở trung tâm khu vườn. Ngôi nhà rộng 135m2, có kiến trúc mẫu mực của kiến trúc truyền thống nói chung và thể loại nhà rường Huế nói riêng. Toàn bộ hệ khung kết cấu nhà được làm bằng gỗ, liên kết mộng hoàn toàn. Có tất cả 48 cột, cùng hệ thống vì kèo được làm bằng gỗ mít; đòn tay gỗ kiền kiền; ván ngăn trong nhà gỗ lim. Các cột được gối trên những bệ đá hình vuông. Hệ thống vì kèo được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Mái lợp ngói liệt nhiều lớp, bờ nóc hai bên đắp rồng chầu, ở giữa đỉnh mái có hình hoa sen.

 Không gian nội thất của ngôi nhà được phân chia rõ ràng theo chức năng sử dụng. Gian giữa là gian thờ, với nguyên tắc bài trí: “tiền Phật hậu linh” (thờ Phật phía trước, thờ tổ tiên phía sau), hai gian hai bên là nơi tiếp khách theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ” (nam bên trái, nữ bên phải), hai chái nhà cũng tương tự, là nơi ở và sinh hoạt của nam (bên trái) và nữ (bên phải), theo quan niệm xưa thời phong kiến. Điều đặc biệt, ngôi nhà có nhiều kỷ vật rất quý của cung đình triều Nguyễn. Đó là bức hoành phi đề 4 chữ “Văn Võ Trung Hiếu” do vua Bảo Đại ban cho gia đình năm 1937, hiện đang treo ở gian giữa, và nhiều bài thơ của Vua Thành Thái, hiện cũng được treo ở nơi tiếp khách trong nhà.

Sau này, do nhu cầu tiếp khách cũng như dành ngôi nhà thành nơi tham quan, bà Tuần Chi đã cho dựng một nếp nhà khác bên mé trái ngôi nhà rường bên cạnh để ở và sinh hoạt. Căn nhà mới này có kiến trúc kiểu Pháp.

Chốn bình yên hoa trái 4 mùa

Không chỉ là một ngôi nhà đặc biệt lưu dấu nhiều thế hệ danh gia vọng tộc, một công trình kiến trúc đẹp hòa quyện cùng cảnh quan thơ mộng; An Hiên thực sự còn là một không gian sinh thái, một vườn cây hương sắc 4 mùa.

Nhiều hàng cây, gốc cây nơi đây đã có hàng chục năm tuổi, như hàng mơ ở lối vào được trồng từ những năm 1940. Nhiều loại cây ăn quả, nhiều giống cây quý hiếm khắp 3 miền cũng được đưa về đây tụ hội. Có thể kể tới những măng cụt, sầu riêng, thanh long… của miền Nam; mơ, hồng, vải thiều… của miền Bắc; thanh trà, dâu, vả… của miền Trung.

Có những gốc cây thật đặc biệt, như cây hồng xiêm Tiên Điền do cụ Nghè Mai - chắt nội đại thi hào Nguyễn Du mang từ quê hương Nghi Xuân - Hà Tĩnh tặng Tuần Vũ Nguyễn Đình Chi. Đây là một loài hồng quý, không có hột, rất thơm ngon. Hay có thể kể tới 13 gốc măng cụt Giang Châu, một loại quả quý nổi tiếng xứ Huế chuyên được dâng cho vua…

Vườn An Hiên cũng là một vườn hoa. Mùa xuân hoa mơ nở trắng lối vào, mùa hè hoa súng nở đỏ trên mặt nước… Phía bên ngôi nhà mới là một giàn phong lan với hàng chục loài khoe sắc.

Hơn một trăm năm, An Hiên đã trải qua bao đời chủ nhân, trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian. Giờ đây nhà vườn An Hiên là một chốn bình yên, một địa chỉ văn hóa của đất cố đô. Ở nơi này, người ta có thể cảm nhận được một thế giới khác cuộc sống bên ngoài: Sâu hơn, chậm hơn và bình lặng hơn. Đó là một không gian êm đềm, thư thái, một nơi chốn thâm trầm và yên tĩnh. Đó là nơi giao hòa thiên nhiên và con người, là nơi lắng lại để trở về với quá khứ…


Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>