menu_open
Nguyên vẹn và duy nhất
Xem cỡ chữ:
12 năm sau Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), đến lượt Cửu đỉnh vừa được Trung tâm Di tích Cố đô Huế hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét cho ý kiến trước khi đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Cũng trong khoảng thời gian ấy, liên quan đến Huế và triều Nguyễn còn có Châu bản triều Nguyễn (năm 2014) và Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016) được công nhận Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ý tưởng thiết kế Cửu Đỉnh là của vua Minh Mạng. Vua dụ rằng, “Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ còn ít, những người biên chép ghi lại có chỗ không đúng, chép ra toàn là của vạc nấu ăn, còn như đỉnh cao lớn và nặng, thì không những gần đây không có mà đến đời Tam đại cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành chín đỉnh to, sừng sững đứng cao, nguy nga kiên cố, không chút sứt mẻ, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi không bao giờ hết”. Vua Minh Mạng trực tiếp chọn hình ảnh và giao cho Bộ Công chỉ đạo hàng trăm thợ đúc đồng Phường Đúc và thợ giỏi khắp nước thực hiện.

Tôi nhớ tới nhà nghiên cứu Dương Phước Thu là người đã dành thời gian nghiên cứu và đã có nhiều chia sẻ về Cửu đỉnh từ những năm qua. Theo anh, hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh là đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam. Cửu đỉnh là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, là tư tưởng thống nhất dân tộc và là một tác phẩm “Đại Nam nhất thống chí”, mô tả sông núi, sản vật, nhân vật chỉ bằng hình ảnh mang tính vĩnh cửu trên chất liệu đồng bền vững. Cội nguồn của dân tộc Việt Nam, chỉ xem trên Cửu đỉnh sẽ hiểu. Nhận xét của ông Thu đã nói rõ giá trị to lớn của Cửu đỉnh, tên gọi dân gian của 9 đỉnh đồng lớn còn được gọi là 9 đỉnh Triều đại.

Thật giá trị và hiếm có trên thế giới khi biết rằng, khởi đúc từ cuối năm 1835, hoàn thiện xong tháng 6/1837, trải qua hơn 180 năm, đi qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, song đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn và nằm ngay vị trí ban đầu tại sân Thế Miếu, Đại Nội Huế. Đây là những bản nguyên gốc và cũng là bản duy nhất. Từ khi được hình thành, Cửu đỉnh chưa từng được sửa chữa, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Vì vậy, chúng có giá trị độc bản và không thể thay thế.

Di sản tư liệu thế giới, còn gọi là Chương trình Ký ức thế giới (tiếng Anh là  Memory of the World) của UNESCO ra đời từ năm 1994. Mục đích là để ghi nhận các di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu (Documentary Heritage) có giá trị trên thế giới, đó có thể là cuốn sách, bộ phim, bức ảnh, giọng nói (băng ghi âm), hay là bút tích... hướng sự chú ý của thế giới tới việc gìn giữ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và tiếp cận. Chương trình xuất phát từ thực tế có di sản tài liệu quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại và mai một ở nhiều nước và khu vực.

Đáng tự hào, khi trong cùng một khu di tích lại được UNESCO ghi danh nhiều danh hiệu cao quý như Quần thể di tích Cố đô Huế: Di sản văn hóa Thế giới (năm 1993), Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Nhã nhạc Cung đình Huế (năm 2003) và 3 di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới (chưa tính Cửu đỉnh). Đó là lý do vì sao Huế được mệnh danh là trung tâm văn hóa và điểm đến du lịch hấp dẫn, không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới.

ĐAN DUY
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>