menu_open
Ôn Tố xăm hường
Xem cỡ chữ:
Gắn bó với nghề chế tác thẻ xăm hường hơn 40 năm nay, ông Đặng Văn Tố (72 tuổi, phường Hương Sơ, TP Huế) cho chúng tôi biết đổ xăm hường chủ yếu mang lại sự vui vẻ trong những ngày Tết.

Chơi “đổ xăm hường” là gieo các hột xúc xắc để dành những chiếc thẻ khắc chữ ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa như: Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên. Tương ứng với mỗi loại thẻ sẽ có một số điểm riêng.

Theo luật của người xưa, người chơi gieo sáu con xúc xắc được khắc dấu chấm theo thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục (trong đó mặt nhất và mặt tứ tô màu đỏ, các mặt khác tô màu đen) rồi căn cứ vào các mặt hiện ra để tính điểm và nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp.

Thang điểm cơ bản dựa trên mặt tứ, gọi là hường. Khi kết thúc ván chơi, ai đang giữ trong tay gồm những thẻ nào, có được bao nhiêu điểm, tổng số điểm cộng lại sẽ giúp xác định kẻ thắng người thua. Số người tham gia trò chơi xăm hường không quy định cụ thể, thường là 6, nhưng ít người hơn vẫn có thể chơi được.

Trong những ngày Tết, trò chơi này không chỉ giúp người chơi giải khuây mà còn thử đoán vận may. Thông qua các mặt xúc xắc đổ được, mọi người đoán xem trong năm mới mình có được nhiều may mắn hay không. Và quan trọng hơn cả là người chơi có được niềm vui, tiếng cười giòn giã khi tham gia trò này.

Trước đây, những bộ xăm hường của ông Tố được làm bằng tre, gỗ nhưng độ bền không cao, hình khắc trên thẻ xăm cũng nhanh phai. Về sau, ông đã nghiên cứu sử dụng xương bò để làm nguyên liệu. Xương bò được xử lý qua nhiều công đoạn như: làm sạch, luộc, ngâm vôi tẩy trắng, cưa nhỏ, gia công, khắc trang trí,… Sản phẩm của ông Tố vừa đẹp lại vừa bền nên được nhiều người lựa chọn, giá cả từ 1,8 triệu đến 2,5 triệu/bộ. Điều thú vị xăm hường còn được bày bán trên các sàn thương mại điện tử mà theo ông Tố “cho nhiều người biết để tìm mua cho tiện”.

“Có người tới đây xem tôi làm, cũng có người còn quay lại các công đoạn. Tôi cũng không có giấu nghề nên vui vẻ cho họ theo dõi, quan sát. Tuy nhiên không có ai làm được bởi không dễ để khắc hoàn thiện tấm thẻ vừa bắt mắt, vừa có hồn”, ông Tố tâm sự.

Hiện tại, ông Đặng Văn Tố được xem là người cuối cùng ở Huế còn gắn bó với nghề chế tác thẻ xăm hường bằng phương pháp thủ công. Trong căn nhà nhỏ của mình, ông vẫn dành một khoảng không gian riêng tầm 15 mét vuông để “giữ lửa” nghề làm xăm hường.


Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Đặng Văn Tố vẫn dành một khoảng không gian riêng tầm 15 mét vuông để “giữ lửa” nghề làm xăm hường
Xương bò sau khi được xử lý, loại bỏ tạp chất, khử mùi được đưa vào máy mài…
…làm thành những thẻ bài trắng tinh tươm
Lúc này con gái ông Tố phụ trách công đoạn khắc hình thẻ xăm hường
Từng đường nét dần được hiện rõ
Khuôn làm thẻ xăm với nét tinh xảo mà theo ông Tố không phải ai cũng làm được
Đường nét các nhân vật, chữ tước vị hiện nổi bật trên thẻ xăm
Mỗi bộ xăm hường ông Tố còn chu đáo kèm theo tờ hướng dẫn cách chơi
Ở tuổi “thất thập”, ông Đặng Văn Tố được xem là người cuối cùng ở Huế còn gắn bó với nghề chế tác thẻ xăm hường
Trong những ngày Tết, chơi xăm hường là nét văn hoá truyền thống của người dân xứ Huế

Xuân Đạt