menu_open
Thiếu Lâm Tự ở Huế
Xem cỡ chữ:
Lâu nay nghe Thiếu Lâm là người ta lập tức nghĩ đến ngôi cổ tự nổi tiếng bên xứ Trung Hoa, còn ở Huế thì... À, cũng có “Thiếu Lâm Tự” đấy, nhưng mà đó là từ nói vui của dân hay lai rai buổi chiều để chỉ cái quán nhậu bình dân nơi góc chùa trên đường Hùng Vương gần chợ An Cựu. Tôi cũng từng ỷ y như vậy, nhưng hóa ra có một ngôi chùa mang tên “Thiếu Lâm Tự” luôn hiện hữu ngay trên đất Huế từ hơn trăm năm nay mà không nhiều người biết.

Tam quan chùa nhìn từ ngoài vào

Ngôi chùa ấy tọa lạc ở thôn Thượng I, phường Thủy Xuân, TP. Huế, cách Đàn Nam Giao chỉ dăm phút đi bộ, với tên gọi “Chùa Tổ Tây Thiên”. Ngôi chùa thoạt tiên chỉ là một thảo am và được Tổ khai sơn là Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh đặt tên Thiếu Lâm trượng thất (1902); đến năm 1904 đổi thành Thiếu Lâm Tự; năm 1911, chùa được đổi tên là Tây Thiên Phật cung. Còn cái tên Chùa Tổ Tây Thiên hay Tổ đình Tây Thiên thì bắt đầu có từ năm 1933, khi chùa được vua ban cho tấm biển ngạch đề mấy chữ “Sắc tứ Tây Thiên Di Đà tự”.

Để đến Chùa Tổ Tây Thiên, bạn có thể đi theo một con đường nhỏ mé trước, bên trái Đàn Nam Giao. Hoặc có thể theo đường Minh Mạng, đến đầu dốc cầu Lim thì rẽ vào con hẻm bên trái theo bảng chỉ dẫn. Gọi là Chùa Tổ, nhưng Tây Thiên không thuộc dạng “chùa to phật lớn” mà chỉ là một ngôi cổ tự khiêm cung, hòa mình với thiên nhiên cây cỏ như đặc trưng của nhiều danh lam cổ tự xứ Huế. Tuổi của chùa chỉ mới 120 năm, nhưng nơi đây lại in đậm dấu ấn của nhiều sự kiện, nhiều danh tăng kiệt xuất đã có công chấn hưng Phật giáo nước nhà.

Sau khi Tổ Thanh Ninh Tâm Tịnh viên tịch, Trưởng tử của ông là Hòa thượng (HT) Giác Nguyên kế tục trú trì. Tiếp nối sự nghiệp của bổn sư, năm 1935, HT Giác Nguyên đã cùng An Nam Phật học hội quyết định thành lập một Phật học viện rất quy mô tại chùa Tây Thiên gồm đủ ba trường Sơ - Trung - Cao đẳng, thu nhận học tăng trên khắp 17 tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Phật học viện Tây Thiên được đánh giá là “Phật học viện đầu tiên có hệ thống tổ chức rất khoa học, có phương pháp giáo dục tập trung hoàn chỉnh, là một trung tâm đào tạo Tăng tài nổi tiếng nghiêm túc và có chất lượng học tập cao nhất của Phật giáo tại miền Trung lúc bấy giờ”. Học Tăng xuất thân từ Phật học viện này sau này nhiều người trở thành những bậc danh tăng đạo cao, đức trọng, góp sức làm hưng thịnh Phật giáo và văn hóa dân tộc như quý HT Đôn Hậu, Thiện Hoa, Mật Nguyện...


Chánh điện chùa Tổ Tây Thiên

Năm 1951, Tây Thiên còn trở thành “Trại trường” của Gia đình Phật tử khi tổ chức này được quyết định đổi tên từ tổ chức Gia đình Phật hóa; sát cánh cùng Từ Đàm đùm bọc, che chở cho tổ chức GĐPT không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Bên cạnh đó, đây còn là chiếc nôi hình thành những ngôi trường sơ cấp, những bệnh xá từ thiện để giúp đỡ cho đồng bào phật tử khó khăn, hoạn nạn.

Năm 1967, HT Giác Nguyên còn lập nên “Tịnh nghiệp Đạo tràng Tây Thiên” để làm nơi tu học cho các giới cư sĩ tại gia. Cho đến bây giờ, Đạo tràng Tây Thiên vẫn được duy trì và thu hút nhiều Phật tử tựu về sinh hoạt trong dịp an cư kiết hạ. Đó là dịp để nhiều người sống chậm và chiêm ngẫm về những giá trị chân thiện mỹ cuộc đời. Trong một lần tham gia Đạo tràng như thế, lũ con nít chúng tôi may mắn đã được HT Đôn Hậu vẫy lại hỏi chuyện, HT khuyến khích và bày cách cho chúng tôi tập thể dục, rồi ân cần khuyên dạy những điều hiếu hạnh mà một đứa trẻ nên làm. HT Đôn Hậu từ Thiên Mụ về Tây Thiên dự Đạo tràng và trú lại qua đêm, sáng hôm ấy, ông đang tập thể dục bên tháp Tổ. Cũng cần nói thêm, HT Đôn Hậu còn được biết đến với cái tên Giác Thanh - một trong “Cửu Giác” đệ tử lừng danh của Tổ Thanh Ninh Tâm Tịnh.

Chùa Tổ Tây Thiên không xa, bạn nên một lần đến để chiêm ngắm và cảm niệm.

Bài, ảnh: HIỀN AN
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>