menu_open
Thơm mãi hương thanh trà Thủy Biều
Xem cỡ chữ:
Vườn thanh trà xanh mát trong nắng mai.
Thanh trà đã gắn liền với vùng đất Thủy Biều từ bao đời, nó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở làng quê này. Bởi đây không chỉ trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo mà còn là “cây làm giàu” của hàng nghìn hộ nông dân ở phường Thủy Biều.
Vườn thanh trà xanh mát trong nắng mai.

Nằm ở phía Tây Nam thành phố Huế, vùng đất Thủy Biều – xứ hoa thơm quả ngọt, nơi đây không chỉ được biết đến với các điểm di tích lịch sử, ngôi nhà rường cổ kính mà còn là những vườn cây thanh trà nặng trĩu quả với hương vị ngọt thơm đặc trưng hiếm nơi nào có được. 

Thanh trà Thuỷ Biều - đặc sản trứ danh xứ Huế

Thủy Biều ngày nay là sự hợp nhất của hai làng Nguyệt Biều và làng Lương Quán. Nơi đây nằm ở khu vực thượng lưu sông Hương được bồi đắp bởi đất mẹ phù sa màu mỡ nên phù hợp trồng ra giống trái thanh trà “đỏng đảnh, quý phái” vang danh vùng đất Cố đô. Thanh trà thuộc họ bưởi nên khi nhìn thoáng qua khá giống nhau. Nhưng để ý kỹ sẽ thấy thanh trà khác với các loại bưởi ở đặc điểm: trái nhỏ hơn, vỏ mỏng màu vàng nắng chứ không xanh, có hương tinh dầu thơm nhẹ. Khi cắt ra múi mọng nước, lúc ăn không hề bị đắng. Thứ hương vị thanh mát thoảng chút chua nhẹ để bất cứ ai thưởng thức cũng không khỏi gật gù, tấm tắc khen ngon. Đối với người Huế sành ăn thường đến tận vườn, chọn mua “thanh trà lão” - loại cây được trồng lâu năm tuy cho trái không to nhưng vị ngọt đậm đà. Thanh trà ngon phải là trái tắm qua những trận mưa đầu mùa. Lúc đấy múi mới mọng nước, không bị quá khô nhưng nếu trời mưa kéo dài, trái sẽ nhạt vị. Một bí quyết được ông Hồ Xuân Đài (chủ vườn thanh trà tại 12/22 Thanh Nghị, phường Thủy Biều) chia sẻ: “Khi hái xuống phải để qua vài ngày lúc đó thanh trà ngọt đường, ăn mới đúng điệu. Ở Huế, nhiều gia đình thường dự trữ sẵn cả mấy chục quả, để dành ăn những tháng sau khi hết mùa. Bởi loại quả này không quá cầu kì trong khâu bảo quản, khi mua về nên rải dưới nền nhà hoặc nơi thoáng mát thì có thể giữ gần hai tháng vẫn không hư”.

 

Chống cành cho những chùm thanh trà sai trĩu quả.

Món ngon từ thanh trà

Ngoài cách ăn thông thường như loại trái cây giải nhiệt, người Huế còn dùng thanh trà chế biến ra nhiều món ăn mới lạ để tăng thêm sự hấp dẫn, cuốn hút cũng như bảo quản được lâu hơn. Chẳng hạn như: gỏi mực thanh trà - món ăn là sự kết hợp của mực khô xé tơi đem trộn cùng tép thanh trà, pha vào một ít nước mắm tỏi ớt. Kế đến cho thêm rau thơm, bò khô, tôm, thịt ba chỉ (tùy theo khẩu vị của mỗi người). Hoặc sử dụng vỏ làm mứt thanh trà khá đơn giản: vỏ thanh trà rửa sạch, đem xử lý vị đắng với phèn chua. Sau đó thái sợi và sên với đường cho đến khi cô đặc lại là hoàn tất. Mứt loại quả này có hương vị thơm ngon, rất tốt cho sức khỏe như trị ho, viêm họng, cảm cúm. Nem thanh trà, súp thanh trà, gà hấp thanh trà… cùng nhiều món ăn khác được biến tấu độc đáo, hấp dẫn dưới bàn tay khéo léo của người dân xứ Huế.

 

Ngọt thơm với món mứt thanh trà.

Thương hiệu sản phẩm và hình thức du lịch

Thanh trà đã gắn liền với vùng đất Thủy Biều từ bao đời, nó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở làng quê này. Bởi đây không chỉ trở thành loại cây xóa đói giảm nghèo mà còn là “cây làm giàu” của hàng nghìn hộ nông dân ở phường Thủy Biều, với mức thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng (tùy vào diện tích trồng mỗi nhà). Bên cạnh đó, hằng năm Thủy Biều cũng tổ chức “Lễ hội Thanh trà” thu hút hàng nghìn lượt khách đến với ngày hội. Từ đó nhằm giới thiệu và quảng bá trái cây đặc sản này đến với người tiêu dùng. Ngoài ra, nhiều nhà vườn trồng thanh trà còn kết hợp với kinh doanh theo hình thức homestay, tour du lịch cộng đồng. Chính điều này đã thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến lưu trú, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt như người dân địa phương: hái rau, câu cá, tự tay chế biến các món đặc sản...

Du khách đến tham quan vườn thanh trà Thủy Biều. (Ảnh: Hà Giang)

Với những giá trị to lớn đó, thanh trà - loại quả đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh trà Huế”. Ngoài ra, còn ghi tên mình vào danh sách top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Trong những năm qua, các hộ gia đình trong vùng đã đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu, đưa những tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào canh tác theo hướng sản xuất sạch (tiêu chuẩn VietGAP). Thông qua nhiều kênh phân phối bán hàng khác nhau đã đưa thương hiệu “Thanh trà Huế” đến gần hơn với người tiêu dùng và vươn lên chiếm lĩnh thị trường tại nhiều khu vực. Gần đây nhất, vào tháng 6/2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Huế tổ chức hội thi thiết kế bao bì đóng gói sản phẩm Thanh trà Huế. Qua đó thể hiện sự quan tâm của tỉnh nhà trong việc phát triển thương hiệu “Thanh trà Huế”, đồng thời góp phần xúc tiến quảng bá du lịch cho địa phương.

Lễ hội Thanh trà Huế  năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 30/8 đến 02/9/2018. Trong lễ hội này, sẽ có trên 60 gian hàng để giới thiệu đến công chúng các loại nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực được sản xuất bởi bàn tay của người dân Thủy Biều, Đặc biệt, có 20 gian hàng thanh trà được giới thiệu tại lễ hội lần này là nhũng hộ nông dân được tuyển chọn từ những vườn có trái ngon nhất của phường Thuỷ biều. Ngoài ra, iới thiệu các món ăn đặc sản của quê hương Thuỷ Biều. và món ăn các đầu bếp chuyên nghiệp trên phạm vi thành phố Huế về giới thiệu và phục vụ. Ngoai ra tại lễ hội này, du khách và cộng động địa phương sẽ thưởng thức 10 món ăn đăc biệt chế biến từ quả thanh trà mà lần đầu tiên chỉ có lễ hội thanh trà Thuỷ Biều phục vụ

Nếu có dịp đến Huế, nhất là vào dịp lễ Quốc khách năm nay, du khách hãy ngược dòng Hương Giang ghé thăm Thủy Biều để khám phá vẻ đẹp của chốn làng quê yên bình, cũng như thưởng thức đặc sản thanh trà đầy hương sắc nức tiếng gần xa.

Minh Thảo