menu_open
Bì bõm lội bùn bắt cá… cạn
23/05/2016 5:15:31 CH
Xem cỡ chữ:
PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có dịp đi cùng những trai làng ở xã Hương Toàn (Hương Trà - Thừa Thiên Huế) lội bùn bắt cá mùa nước cạn.

Khi cánh đồng lúa phủ lên một màu vàng óng, con nước ở các kênh mương bắt đầu rút dần để chuẩn bị cho một mùa vụ mới thì những thanh niên làng lại rủ nhau bì bõm lội bùn bắt cá... cạn.

Về xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) những ngày này, đi đâu cũng thấy cảnh bà con đang tất bật chuẩn bị nông cụ cho mùa gặt mới.

Cả cánh đồng lúa của xã nhà đã bắt đầu ươm chín. Khi ấy, để việc thu hoạch dễ dàng, nước ở các thuở ruộng sẽ được bà con "tháo" sạch nước, chảy ra các con mương và đổ về sông Bồ gần đó.


Cánh đồng được bà con nông dân rút hết nước để chuẩn bị cho mùa gặt mới.

Cả cánh đồng trở nên khô rang, con mương trơ đáy chỉ còn lại lớp bùn nước mỏng. Lũ cá đồng bấy giờ theo con nước chưa kịp "thoát thân" sẽ bị mắc cạn lại, quẫy lúc nhúc trong những vũng bùn hiếm hoi.

Chỉ chờ có thế, đám trai làng ở Hương Toàn lại hồ hởi vác thau chậu, tay xách giỏ rủ nhau ra cánh đồng "thu gom lộc trời".

'Khảo sát' địa hình, chọn địa điểm...

Họ thường đi theo tốp, nhóm khoảng 4-5 người chơi thân trong thôn xóm.
Lần theo con mương còn nước, các thanh niên trai tráng hò nhau đắp đất, dồn cá vào vũng cố định rồi hì hục lấy chậu thay nhau tát nước. Khi nước bắt đầu cạn dần, cả hội ùa xuống thi nhau bắt cá. Đó là trường hợp nước trong mương mới rút một ít.

...Bì bõm lội bùn lần tìm...

Còn khi bắt gặp đoạn mương hay thuở ruộng vùng trũng mà cạn hết nước trơ lại những khoảng bùn thì việc bắt cá còn dễ dàng hơn thế. "Lũ cá thường đổ dồn về đây rồi mắc kẹt, không thoát ra sông lớn được. Khi ấy chỉ việc lội xuống và bắt vào bì...", một thanh niên trẻ tên Hoàng chia sẻ.

...vỡ òa iềm vui khi bắt được con cá to.


Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ lùng sục cả cánh đồng, đám trai làng toàn thân lấm lem bùn đất, hả hê lên bờ với một bì đựng đủ loại cá: cá lóc, cá rô đồng, cá diếc, cá rô phi... và một ít cá lòng tong.

Cá đồng mùa này thân trông khá béo, có lẽ vì chúng ăn nhiều hoa lúa, châu chấu và sâu bướm.


'Chiến lợi phẩm'.

Về đến nhà Hoàng, hai thanh niên nhỏ tuổi nhất được phân công 'xõa' toàn bộ 'chiến lợi phẩm' vào chậu nước to rồi tỉ mẩn lựa ra từng loại cá riêng phù hợp với từng món mà gia chủ định chế biến.

"Mẻ này bắt được nhiều cá rô đồng lứa nên chiên giòn rồi chấm với nước mắm chanh ớt để nhậu lai rai, cá lòng tong nhỏ thì kho tiêu ăn với cơm, riêng mấy con cá lóc kia thì làm bát canh chua nấu với dưa môn 'giã' rượu nhé", mạ (Mẹ - PV) của Hoàng 'dự kiến' thực đơn.

Trong lúc chờ đợi mẹ Hoàng chế biến, đám trai làng ai về nhà nấy tắm táp, gội rửa bùn đất. Khi đã xong, cùng nhau tập hợp lại, người mang theo ít dưa chuột, rau sạch nhà trồng được, người tranh thủ ghé quán tạp hoá đầu làng mua ít bánh đa vừng đen và không thể thiếu một ít "xị" "rượu đế mạ nấu".

 


Canh chua cá lóc, cá rô đồng chiên xù...

Cả đám trai làng độ tuổi đủ tấm mén quây quần bên "mâm cỗ" đậm chất làng quê: cá rô lứa chiên giòn, lòng tong kho tiêu, canh chua cá lóc, dưa chuột chấm mắm ruốc ăn kèm bánh đa, cơm trắng.

Cả hội vừa cười đùa, vừa nói đủ thứ chuyện trên đời, nào là chuyện con gái nhà ông A. vừa dẫn bạn trai về nhà ra mắt, hay chuyện thằng B. bỏ Sài Gòn về lại Huế làm thợ sơn. Ngay cả những chuyện thời sự như cá biển chết, mâm cá đồng như thế này đâm ra quý... cũng được cả đám đưa ra bàn luận sôi nổi.

Thấy rôm rả, sợ quý tử ‘choai choai’ quá chén, mẹ Hoàng đảo qua nhắc khéo: "Uống ít ít chiều còn ra đồng giúp mạ rút nước ruộng cho mai máy kịp gặt".

Kông Thành