menu_open
Góc phố Trần Hưng Đạo, Ngã Giữa
25/07/2016 2:49:06 CH
Xem cỡ chữ:
Huế ngày xa xưa mà tôi vẫn gọi là thời hoàng kim, có nhiều nơi, nhiều chốn đã ghi dấu trong ký ức, mãi mãi không quên. Huế một thời, nuôi tôi khôn lớn, cho tôi thành người. Nhớ lắm những con đường, những hàng cây, những khu xóm, những dòng sông, và đặc biệt những góc phố.

Trước 1975, là người Huế bạn khó lòng quên góc đường Trần Hưng Đạo – Phan Bội Châu mà trước đó người ta vẫn thường gọi là Ngã Giữa (Phan Đăng Lưu bây giờ). Tôi vẫn nhớ mãi nơi góc phố này, cứ mỗi chiều thứ bảy hay chủ nhật, các chàng tuổi mới lớn, các sinh viên hay học sinh các lớp trên, thường là học sinh Quốc Học, Thiên Hựu (Providence), Bình Linh (Pellerin) vẫn hay đứng và nhìn dòng người qua lại trước mắt mình, cố nhiên vẫn ngắm người đẹp là chính.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại nhiều bài hát nổi tiếng, phải chăng một phần từ cảm xúc của những chiều qua phố:

“Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ tên em. Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím…”.

Lẽ cố nhiên hòa mình vào đám đông, trôi theo dòng người những chiều thứ Bảy hay Chủ nhật, nhạc sĩ có lúc chợt khám phá, thấy rằng đời mình bất chợt chỉ là những đám đông, những cuộc vui tạm bợ, những nụ cười chợt thoáng qua:

“Chiều nay em ra phố về. Thấy đời mình là những đám đông. Người chia tay nhau cuối đường. Ngày đi đêm tới trăm tiếng hư không…”

Và khi buồn bã cô đơn, muốn trực diện với bản ngã của mình thì không không gì hơn là giấu mình trong căn gác trọ, nằm co ro nghe nỗi buồn hiện hữu:

“Chiều chủ nhật buồn, nằm trên căn gác đìu hiu. Tôi xin em năm ngón tay thiên thần. Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi. Tôi tôi xin năm ngón tay em đi vào cô đơn…”

Sự ra đời những bài hát của Trịnh Công Sơn, nổi tiếng một thời và cho đến bây giờ, vẫn thường xuất phát từ Huế. Huế của những bản tình ca, Huế của tình yêu và thân phận…



Bùng binh Ngã Giữa


Và rõ ràng, cụ thể, Huế của những góc phố một thời, ta nhìn ngắm dòng người đi qua, mong tìm thấy, bắt gặp được đôi mắt của một người, xa xăm, ngút ngàn…

Những ngày ấy, thế hệ của tôi thập kỷ 60, tôi nhỏ bé, con nít chỉ biết theo anh tôi đi chơi, có khi đứng ở góc phố Trần Hưng Đạo, Ngã Giữa, nhìn ngắm người qua đường nhưng chưa biết mong ngắm một ánh mắt một nụ cười như các anh, mà chỉ là thích được theo anh, đi dọc theo con phố Trần Hưng Đạo, Ngã Giữa để mua đồ hay vào mấy tiệm để xem đồ… Và một số cửa tiệm mà anh tôi quen biết nhiều một phần vì ngày ấy một thời anh đã từng theo bố già lên làm đồ sắt cho nhà của họ như tiệm Rồng Vàng, Thái Lợi, Đức Phong ở Trần Hưng Đạo hay tiệm Tân Thành, Hòa Lợi, Hồng Lợi, Xuân Phát, Đồng Phát ở Ngã Giữa và rồi đường Huỳnh Thúc Kháng tức đường Hàng Bè với các tiệm như Trương Đình Kiểm, Chấn Hưng, Tín Dụng…

Ngày ấy, tôi biết lơ mơ anh tôi hay lên nhà sách Tân Hoa ở đường Trần Hưng Đạo. Ông tìm mua mấy quyển sách “Livre de poche” của những nhà văn, triết gia người Pháp, Đức… như Alain Roble Grillet, Guy de Maupassant, Freude, Jean Paul Sartre, K. Marx… Thế nhưng tôi nghe một số bạn của anh thường đùa, anh mê một cô hàng sách trên đó cũng mang tên với hai chữ viết tắt là TH và trang đầu của cuốn sách tôi vẫn thường thấy anh ghi thủ bút là “Mua tại TH, ngày tháng năm …”. Sau này có cơ hội, tôi đã lên tận nhà sách Tân Hoa để nhìn cho được chị TH và quả thật chị đẹp, nét rất quý phái, thanh nhã, khuôn mặt trái xoan, mắt to sâu, nhưng đượm buồn. Tôi cũng không hiểu mối quan hệ của anh tôi và chị TH đến đâu, chỉ biết rằng, sau này khi anh lên học tại Đại học Đà Lạt thì không thấy anh nhắc đến người này nữa. Năm 1968-1969 tôi ghi danh học Dự bị Văn khoa, tình cờ tôi lại học chung lớp với một người em của chị TH, đó là Nguyễn Thị Manh M. Manh M đẹp còn hơn cả cô chị. Nét đài các, trang nhã và thanh tú. Hỏi ra tôi được biết gia đình chị em TH ở sau lưng rạp xi-nê Hoàn Mỹ, sát sông Hương. Cô này đã có bồ, nhà ông này ở Đà Nẵng.

Nhưng với tôi có thể nói con đường Ngã Giữa tức Phan Bội Châu để lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất.

Xa xăm nhất, lâu đời nhất có thể nói là cửa tiệm Nam Hoa của một người Tàu. Bây giờ tôi không nhớ tiệm nằm ngay chặng nào, chỉ biết rằng ngày đó tôi có một người bạn cùng lớp, đi học cùng đường. Năm học lớp nhất tức lớp 5 bây giờ tôi học tại trường tiểu học Bồ Đề Thành Nội. Con đường xa tắp ngút ngàn từ nhà tôi ở dưới Chợ Dinh, tôi nhớ đó là khoảng thời gian năm 1958-1959, nghĩa là cách đây 57 năm các bạn ạ, tôi bé xíu vậy mà buổi sáng nào cũng dậy sớm đi học. Con đường quá xa. Tôi đi một đoạn ngắn trên đường Chi Lăng rồi qua một ngã rẽ, tôi vòng ra đường Võ Tánh, trực chỉ cầu Đông Ba, rồi từ đó vào cửa Đông Ba, dọc theo đường Mai Thúc Loan, đi một đoạn dài nữa, rẽ trái, rồi rẽ phải và đến trường. Xa quá phải không các bạn. Thế nhưng rồi cũng quen. Có những ngày mùa đông, trời mưa tầm tã, tôi kéo lê đôi guốc mộc đi học. Nhớ một lần khi đi về, ngang cửa Đông Ba, đôi guốc bị đứt quai, tôi ném luôn đôi guốc xuống hồ ở cửa Đông Ba rồi đi chân đất về nhà.

Lớp học ngày ấy tôi vẫn còn nhớ tên một số bạn như bạn Bùi Cán ngồi gần tôi, bạn Hồ Ngọc Tô làm lớp trưởng, bạn Nguyễn Văn Chuân cao và gầy, bạn Trần Thị Trà Mai, bạn Thái Thị Thanh Xuân, bạn Trần Thị Xuân Chi… và bạn Nguyễn Hưng, chính là người Hoa mà vẫn thường rủ tôi đi theo bạn về tận nhà ở đường Ngã Giữa luôn. Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ thầm ngày ấy mình sao ham vui, theo thằng Hưng làm chi cho đường thêm xa, vì tôi đi về men theo đường Mai Thúc Loan qua cửa Đông Ba đi ngã sau thì tiện đường hơn. Hay là vì ngày ấy tôi bị quyến rũ bởi mấy hột ô mai mà nó vẫn thường lấy mang theo và dúi cho tôi? Tuy nhiên cũng có thể vì ngày ấy tôi thích ngắm mấy con phố, mấy cửa tiệm bán đồ? Sau này khi lớn thêm chút nữa, lên học Nguyễn Du Huế, tôi lại biết thêm một người bạn nữa, ấy là bạn Nguyễn Văn Thông ở tiệm Xuân Phát.

Một điểm đặc biệt là đường Phan Bội Châu rất hẹp, hai nhà đối diện ngó nhau rất gần, lại thêm đường không có cây thế cho nên đi giữa đường người ta có một cảm giác như đang đi trong sân nhà. Và cũng vì thế mà người ta có cảm giác gần nhau hơn? Và nhất là mỗi lần đến ngày lễ Phật Đản thì ban đêm đi giữa phố Ngã Giữa ta có cảm giác như đang đi giữa hội Hoa đăng với rừng cờ và đèn đủ màu sắc lấp lánh…

Các cửa tiệm ở phố Phan Bội Châu đối với tôi trở nên quá quen thuộc. Có lẽ vì hàng ngày tôi thường đi qua, thường chăm chú nhìn vào đồ trưng trong đó, có khi còn nhớ luôn tên ông chủ tiệm. Nổi tiếng nhất, sang trọng nhất phải kể đầu tiên là nhà hàng Đại thế giới, nơi tập trung của giới nhà giàu ngồi ăn nhậu tại đây.Rồi kế đến tôi nhớ đến quán ăn Vĩnh Lợi, nổi tiếng với món tiết canh. Một thương hiệu mà người Huế khó quên là cháo lòng Đồng Ý, rất ngon, đặc biệt nước trong, hạt cháo không bấy, không rền. Ăn vào cảm giác đi đến đâu cho ta sự dễ chịu đến đó. Nổi bật trong cháo là hỗn hợp gan, tim, cật, lòng, mề, dồi, và nhất là có lát chả heo cắt theo nửa vòng tròn, quá ư tuyệt. Tiệm mì Châu Anh rất ngon, chỗ này gần sát với cửa Đông Ba, và một địa điểm văn hóa: Hát bội Đồng Xuân Lâu, nơi diễn xuất các tuồng tích xưa thường chủ yếu là của Tàu như Phụng Nghi Đình, Bao Công xử án Quách Hòe… Có lần, lúc đó tôi quá nhỏ, đi theo cha xem hát bội tại đây, thấy mấy người ăn mặc lòe loẹt xanh vàng đỏ tím, râu xồm xoàn. mặt bôi màu đỏ choét, môi tô ánh son mắt kẻ than đen và đặc biệt đội mũ, mang hia, buồn cười nhất là đôi hia mũi cong vút ngóc lên trên. Diễn viên đi khập khiễng, khệnh khạng ngồi xuống ghế, tay vuốt râu, tay múa trong không khí, miệng the thé:

– Như ta đây, …

Rồi thì một hồi trống đổ dồn ..

Mới đây, ngày 10.08.2015, bạn Nguyễn Văn Thông con của chủ tiệm Xuân Phát, kể tôi nghe một chuyện vui vui. Sát phía sau Đồng Xuân Lâu là giáp ranh với tiệm Xuân Phát. Ba của bạn Thông có sáng kiến dựng một cái chòi nhỏ, để xem “cọp” các buổi diễn của “Đồng Xuân Lâu. Các diễn viên sau nhiều lần phát hiện được hiện tượng coi “cọp” này nên sau đó, ô cửa sổ trên sân khấu diễn bị che kín luôn, chỗ này gần sát với Phô tô Lê Viêm.

Tuy nhiên, có một chỗ mà tôi nhớ nhất đó là tiệm Tân Thành, chuyên bán xe đạp, đồ phụ từng xe, lốp ô tô và đặc biệt có mô tơ đánh bóng đồ đồng. Ngày ấy nhà tôi gò độc bình. Độc bình bằng đồng gốc là mấy ống đạn 105 ly, người ta dùng rồi đưa vào lò lửa nung hồng lên xong nhúng nước cho nguội rồi đưa vô một cái nòng sắt, dùng búa gò hay dát mỏng cho đến lúc nào ống đạn trở thành cái độc bình, xong đem lên tiệm Tân Thành đánh bóng sáng ngời. Tôi còn nhớ tên người chủ tiệm, trùng tên với cha tôi, đó là anh Nguyễn Toại, ngày đó anh còn trẻ lớn hơn anh tôi không bao nhiêu tuổi. Cách đây 2 năm anh tôi ở Huế kể là anh Toại trở về Huế, đã tìm ra nhà anh tôi để đến thăm, anh Tân Thành cao to, khỏe mạnh, tuổi đã 92. Một người bạn khác nữa thời học Nguyễn Du Huế là bạn Châu Bá Hy, nay là bác sĩ Hy, chuyên khoa về quang tuyến, đọc phim chẩn bệnh tại nhà. Nhà Hy ở xéo xéo ngó qua bên kia, sát với tiệm Tân Thành. Và một địa điểm rất đẹp, gần cuối đường là công viên, có sân có. Khu vực này, tôi nhớ có tiệm mè xửng Song Hỷ. Tiệm này có hai cô con gái tên là Lý Lệ Hà, Lý Lệ Hương. Lý Lệ Hà, học năm Dự bị Văn Khoa với tôi. Phía đối diện bên kia là kiosk đan len Thu Đông (tiệm này hình như còn)

A, vẫn chưa hết, tôi không thể quên tiệm bán TV, cassette Hòa Lợi sát cua Trần Hưng Đạo vô ngã giữa, bỏ tiệm bánh Chấn Hưng, tiệm bán hàng vải, tơ lụa của ông Chà Và Ấn Độ là đến. Tại đây, năm 1973, tôi đã mua cái cassette stéréo hiệu Hitachi mà hai loa rời có bản lề, mở đóng cho gọn khi xách. Ui chao! thời nớ mà mua được cái máy như rứa thiệt là quá hách xì xằng. mấy đứa bạn dạy cùng trường Hòa Vang lác mắt. Chủ nhật, ban đêm về nhà mở nhạc nghe mê ly luôn. Tôi còn nhớ số tiền mua cái máy đó là 89.000 đồng bằng 3 tháng lương trường chính của tôi. Ngoài ra còn có tiệm Xuân Phát, Đồng Phát là hai anh em ruột, cha tôi làm cửa kéo cho họ. Tiệm Xuân Phát có hai anh em lại là bạn của tôi và anh kế tôi. Người bạn của tôi tên là Nguyễn Văn Thông là bác sĩ Thông hiện nay đã về hưu nghe đâu làm thêm tại bệnh viện tư nào bên hữu ngạn. Rồi tiệm Hồng Phúc bán hương trầm nổi tiếng mà cứ đến tết là cha tôi bảo anh tôi phải lên đó để mua cho được vì hương thơm của nó.

Giữa tiệm Đồng Phát và Xuân Phát tôi nhớ có tiệm Hoàng Hưng. Tại đây có một người tên là Hoàng Thị ML, học chung với tôi mấy chứng chỉ Triết những năm từ 70-72, điều mà tôi nhớ mãi ở ML là miệng luôn ngậm ô mai. Sau này khi hỏi thăm dò tôi biết được là ML đã có chồng là anh VK cũng dạy Triết ở trường Hàm Nghi Huế. VK là em VKha, nguyên chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế những năm tháng tranh đấu. Tiệm Hoàng Hưng tôi còn quen một người nữa là bạn Hoàng. Nnăm 1973 tôi vào trình diện tại Trung tâm 1 nhập ngũ Đà Nẵng thì gặp em của ML cũng cùng trình diện một đợt, sau này hỏi ra thì bạn nói rằng VK là anh rể của bạn.

Lẽ cố nhiên đường Phan Bội Châu còn nhiều tiệm nổi tiếng nữa mà tôi không biết hết.
Các địa điểm trên đây, ngày nay hầu như không còn nữa. Có chăng chỉ còn trong hoài niệm…