Tham dự Hội nghị có ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN; Ông Trương Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Hoàng mai Huế; Ông Nguyễn Bá Hội - Chủ tịch HĐ thành viên Công ty TNHH Tư vấn và phát triển thương hiệu AMC Việt Nam. Cùng các hội viên Hội Hoàng mai Huế, đại diện cho các nhà vườn, tổ chức được Ghi nhận quyền sử dụng CDĐL đợt 1.
Hội nghị lần này nhằm tập huấn về tổ chức quản lý, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý và sử dụng CDĐL Hoàng mai Huế cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là tiền đề và cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện việc quản lý và sử dụng cũng như triển khai công tác tuyên truyền nhằm lan tỏa CDĐL Hoàng mai Huế đến người dùng trên cả nước, hướng đến xây dựng các liên kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm bền vững, hiệu quả, gia tăng giá trị và khả năng thương mại cho sản phẩm, đồng thời góp phần thực hiện tốt Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh, các tổ chức, cá nhân đăng ký và sử dụng CDĐL Hoàng mai Huế sẽ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với việc sử dụng CDĐL, được quyền yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm đối với CDĐL gây tổn hại đến uy tín, chất lượng và thiệt hại về kinh tế cho tổ chức, cá nhân cũng như cộng đồng sản xuất Hoàng mai. Đồng thời chúc mừng 100 nhà vườn, tổ chức, cá nhân thuộc hội viên Hội Hoàng mai Huế trên địa bàn tỉnh được quyền sử dụng CDĐL "Hoàng mai Huế”.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo quy chế quản lý, tất cả các hoạt động quản lý CDĐL đảm bảo công khai, minh bạch và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân được sử dụng CDĐL một cách thuận lợi nhất; Các tổ chức, cá nhân sử dụng CDĐL tự chịu trách nhiệm về nguồn gốc địa lý; tính chất đặc thù của sản phẩm; phương pháp sản xuất sản phẩm theo Bản mô tả danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm Hoàng mai Huế và theo Quy chế này, đồng thời tuân thủ các quy định về tem, nhãn sản phẩm mang CDĐL cũng như các quy định về quảng bá, phát triển sản phẩm theo Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế
Theo đó, CDĐL Hoàng mai Huế là dấu hiệu tồn tại dưới dạng chữ “Hoàng mai Huế” hoặc logo CDĐL. Dùng để chỉ dẫn về các sản phẩm Hoàng mai được sản xuất trong khu vực địa lý theo Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn được nộp theo hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. CDĐL Hoàng mai Huế được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy định kiểm soát đặc tính và phương pháp sản xuất tạo ra, duy trì đặc tính sản phẩm Hoàng mai mang CDĐL Hoàng mai Huế; Quy định kiểm soát sử dụng tem, nhãn cho sản phẩm mang CDĐL Hoàng mai Huế đã tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp CDĐL của tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang CDĐL Hoàng mai Huế.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được ông Nguyễn Bá Hội - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam hướng dẫn các quy định về quản lý, sử dụng CDĐL Hoàng mai Huế. Dịp này, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã trao Giấy ghi nhận quyền sử dụng CDĐL “Hoàng mai Huế” cho 100 hội viên Hội Hoàng mai Huế.
Theo đó, ngày 18/01/2024, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00134 cho sản phẩm Hoàng mai “Huế” và Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức quản lý. Tiếp đó, trong khuôn khổ Ngày hội Hoàng mai Huế lần thứ II - 2024 được khai mạc vào ngày 01/02/2024, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã trao Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL Hoàng mai Huế cho Sở KH&CN.