menu_open
“Đại sứ” du lịch trẻ
Xem cỡ chữ:
  Hướng dẫn viên trẻ Lê Đức Hoàng trong lần hướng dẫn đoàn khách thăm hệ thống di sản Huế
Nghề hướng dẫn viên được ví như “đại sứ” du lịch. Những người trẻ theo đuổi nghề này cảm thấy tự hào với trọng trách đó và cảm thấy may mắn khi trải nghiệm công việc ở vùng đất Cố đô, giàu di sản văn hóa.
 Hướng dẫn viên trẻ Lê Đức Hoàng trong lần hướng dẫn đoàn khách thăm hệ thống di sản Huế

Đam mê

Mới vào nghề hướng dẫn viên du lịch 2 năm, nhưng với chàng trai Lê Đức Hoàng (TP. Huế), đó là khoảng thời gian đầy cảm xúc vì được sống với nhiệt huyết và đam mê. Với Hoàng, niềm ước mong theo đuổi nghề này đã được ấp ủ từ khi còn là cậu học sinh ngồi ghế nhà trường phổ thông.

“Từ hồi cấp 3, mình đã mê văn hóa lịch sử của quê hương. Nhiều lần vào các danh thắng, di sản tham quan mình chứng kiến cảnh các cô chú làm nghề hướng dẫn viên sao mà thú vị quá. Và rồi mình nhận ra, ngoài điểm đến đã rõ ràng nhưng nếu không có những câu chuyện hấp dẫn từ các hướng dẫn viên thì cảm xúc người tham quan sẽ khác”, Hoàng chia sẻ. Và cũng từ đó cậu quyết tâm theo đuổi nghề hướng dẫn viên.

Chừng ấy thời gian làm hướng dẫn viên, Hoàng bảo rằng so với những thế hệ tiền bối, người trẻ theo đuổi nghề này không gặp nhiều khó khăn, trở ngại như trước. “Ngoài kiến thức mỗi người tự học, với thế hệ mình công nghệ đã hỗ trợ. Vì thế, việc tìm hiểu thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng ở nhiều nền tảng khác nhau đã khiến cho công việc thuận lợi hơn rất nhiều”, Hoàng nói.

Hầu hết các di tích nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế, Hoàng đã đặt chân đến với vai trò là người hướng dẫn, thuyết minh cho du khách. Bằng kiến thức sâu, chắc, lối thuyết minh tường tận và hấp dẫn, Hoàng đã khiến những vị khách dù lần đầu đặt chân đến Huế hay đã trở lại nhiều lần đều hài lòng.

“Có đoàn khách đặt lịch mình một ngày, nhưng rồi sau ngày hôm đó họ đã quyết định ở lại Huế nguyên một tuần để khám phá. Và cũng đoàn khách này, họ đã quay trở lại Huế đến lần thứ ba, mỗi lần như thế mình là người hướng dẫn đoàn. “Gieo” tình yêu Huế vào các vị khách phương xa và được đón nhận như thế, mình cảm thấy rất hạnh phúc”, Hoàng nhớ về một kỷ niệm trong nghề và nói rằng với người làm hướng dẫn viên được giúp khách gắn bó với Huế và yêu Huế nhiều hơn như là một sứ mệnh.


 Trần Quang Thành (phải) trong một dịp dẫn đoàn tham quan danh thắng ở Huế

Luôn cập nhật kiến thức mới

Cũng như Hoàng, Trần Quang Thành mới có thâm niên… 2 năm đặt chân vào nghề “làm dâu trăm họ”, nhưng dáng vẻ chững chạc, phong trần. Một phần vì niềm đam mê với nghề, phần lăn lộn giữa nắng gió do đặc thù công việc. Từ một chàng trai thích xê dịch, mê đi đây đó bỗng một ngày Thành nghĩ tại sao mình không làm một hướng dẫn viên để chia sẻ những thông tin, những điều mình hiểu biết về di sản Huế đến với mọi người. Nghĩ thật làm thật, sau khi tốt nghiệp Trường Du lịch (Đại học Huế), Thành bắt đầu hành trình với nghề.

Vốn bản tính năng động, nhanh nhạy, Thành nhận thấy người làm hướng dẫn viên du lịch ngoài đam mê thôi chưa đủ, cần phải nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của du khách để “biến chuyển” một cách hợp lý. “Du lịch giờ đây là nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người. Và họ đi du lịch với rất nhiều mục đích, tính chất, hình thức khác nhau. Điều đó đòi hỏi hướng dẫn viên cũng phải kịp nắm bắt và luôn trau dồi cho bản thân thêm những kỹ năng khác nằm ngoài chương trình đào tạo hướng dẫn viên”, chàng hướng dẫn viên vừa bước qua tuổi 24 chia sẻ.

Không chỉ làm tròn trách nhiệm như một hướng dẫn viên thông thường mà theo lời Thành, mỗi chuyến hướng dẫn sẽ dốc hết tâm trí, sức lực để giới thiệu cho du khách, phải làm sao để họ “vừa thấm, vừa yêu Huế”.

Ngoài thời gian đi tour, Thành tranh thủ lúc rảnh rỗi cùng với anh em đồng nghiệp trau dồi, học hỏi lẫn nhau, cập nhật thêm kiến thức mới để truyền tải đến du khách cũng như nâng cấp cho các bài thuyết minh. “Làm nghề này, nếu không đụng vào sách vở hay cập nhật kiến thức thì rất dễ thụt lùi hay khiến bản thân dậm chân tại chỗ, cũng như bị nhàm chán trong quá trình thuyết minh”, Thành nhìn nhận.

Dù vậy, Thành bảo thi thoảng vẫn nghe thông tin những người làm trong ngành du lịch nói chung, hướng dẫn viên nói riêng đưa ra những thông tin thiếu chính xác, gây ảnh hưởng đến du lịch Huế khiến nhiều người phiền lòng, thậm chí ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường du lịch. Với kinh nghiệm của mình, chàng hướng dẫn viên trẻ cho rằng, có thông tin đúng thời điểm này nhưng cũng có thể không còn phù hợp ở thời điểm khác. Vì thế, ở góc độ người hướng dẫn trong quá trình hành nghề phải cố gắng hết sức có thể để cung cấp đầy đủ thông tin và chính xác nhất đến với du khách.

Cả Hoàng và Thành cho biết, bên cạnh mức thu nhập ổn, điều mà họ tìm thấy ở nghề đó là có được nhiều chuyến đi thú vị, gặp được rất nhiều người hay ho, tích lũy được vốn sống. Thế nhưng, để theo đuổi được nghề ngoài kiến thức phải rèn luyện sức bền cho thể lực.

Họ cũng đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ sau mình, nếu có ý định trở thành hướng dẫn viên thì ngay từ bây giờ hãy nuôi dưỡng trong mình một niềm đam mê thật lớn, học hỏi thật nhiều về kiến thức, kinh nghiệm và nghiệp vụ nghề. “Ngoài ra, cần trau dồi vốn ngoại ngữ và không ngừng tìm kiếm, học hỏi những kiến thức từ sách vở cho đến đời thực… Những điều đó sẽ giúp ích cho các bạn có định hướng theo nghề này trong tương lai”, hai bạn trẻ cùng nhận định.

Nhật Minh