menu_open
Bên ngôi nhà của “Ông già Bến Ngự”
Xem cỡ chữ:
 Ngôi nhà lưu niệm của "Ông già Bến Ngự". Ảnh: Ngọc Hòa
Đi qua cây cầu vắt qua sông An Cựu, lên dốc Bến Ngự đến khu di tích lưu niệm chí sĩ Phan Bội Châu, trong đó có ngôi nhà cũ của cụ Phan Bội Châu - nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Người mà dân Huế gọi với cái tên thân thương “Ông già Bến Ngự”.
 Ngôi nhà lưu niệm của "Ông già Bến Ngự". Ảnh: Ngọc Hòa

Sinh ra ở làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, xứ Nghệ, nhưng TP. Huế là nơi cụ Phan đặt những bước chân đầu tiên trên con đường vận động tìm đường cứu nước, nơi nhà chí sĩ gắn bó 15 cuối đời khi bị thực dân Pháp quản thúc. Ở đây có một khu tưởng niệm khang trang tại số 119 trên con đường mang tên ông. Khu di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Huế được xếp hạng cấp quốc gia là nơi ông từng sống, làm việc những năm tháng ở Huế và cũng là nơi yên nghỉ cuối cùng của cụ. Khu di tích có các cụm công trình: Ngôi nhà ở lúc sinh thời của cụ, lăng mộ cụ Phan, nhà thờ cụ Phan, từ đường, tượng cụ Phan và nghĩa trang Phan Bội Châu... Đã đến đây nhiều lần và mỗi lần đến là biết thêm nhiều điều, nhưng nguyên một cảm xúc là cảm phục. Trong ngôi nhà ở lúc sinh thời của “Ông già Bến Ngự” được phục dựng lại năm 1997, với mái tranh nép mình bên những rặng cây và hàng cau vươn cao mang đậm hồn nước, hồn dân tộc là vật dụng đơn sơ, tái hiện lại cuộc sống đạm bạc của một Nhân cách lớn vì đất nước, non sông.

Được biết, những năm tháng bị quản thúc ở Kinh đô Huế, với tình cảm yêu mến và trân trọng, nhân dân cả nước và Thừa Thiên Huế đã tự nguyện quyên góp để mua khu vườn ở dốc Bến Ngự này làm nhà ở cho cụ. Ngôi nhà được xây dựng năm 1926, do cụ Phan tự thiết kế, cụ Võ Liêm Sơn - giáo viên trường Quốc Học đứng ra chủ trì xây dựng. Nhà có ba gian, tượng trưng cho ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), nhà lợp tranh, vách đất tương đối cao và thoáng mát. Chính giữa nhà hình vuông, làm nơi diễn thuyết. Xung quanh có các chái chia phòng riêng biệt.

Hẳn chúng ta cũng đã biết rằng, nhà chí sĩ Phan Bội Châu với tấm lòng yêu nước sâu sắc, đã sớm xuất dương tìm cách giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của thực dân phong kiến. Sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, năm 1925 ông bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và bị thực dân Pháp lén lút đưa về Hà Nội. Trước phong trào đấu tranh của Nhân dân cả nước đòi ân xá cho cụ, thực dân Pháp phải đưa cụ về giam lỏng tại Huế từ năm 1925 - 1940. Tại mảnh đất là trung tâm đầu não của thực dân phong kiến thời bấy giờ, mặc dù bị quản thúc chặt chẽ, song thực dân và phong kiến vẫn không khuất phục được lòng yêu nước, ý chí cách mạng của cụ Phan Bội Châu. Và ngôi nhà của ông đã trở thành một địa chỉ tập hợp những thanh niên, trí thức ưu tú, có tư tưởng tiến bộ, giác ngộ cách mạng.

Không chỉ có vậy, cụ Phan Bội Châu còn xây dựng một khu nghĩa trang mang tên chính mình trên đồi Quảng Tế, xã Thủy Xuân để các chí sĩ cách mạng có nơi an nghỉ sau những hành trình bôn ba vì nước. Ban đầu cụ Phan có ý định xây dựng tại đây một cô nhi viện, nhưng do thực dân Pháp ngăn cấm, cụ đã cho xây dựng nghĩa trang với ý nghĩa không giúp được người sống thì giúp người chết. Theo di nguyện của cụ Phan, chỉ những người đồng chí, cộng sự với mình hoặc vì chủ nghĩa cách mạng mà hy sinh mới được an táng, chôn cất tại đây.

Chí sĩ Phan Bội Châu người xả thân vì giang sơn, xã tắc, nên dù ở nơi đâu cũng được dân chúng kính yêu, thương mến. Năm 1925, khi cụ bị thực dân Pháp bắt và chúng rắp tâm hãm hại, Nhân dân cả nước trên dưới một lòng ra sức phản đối, gây áp lực để chúng phải thả cụ. Năm 1974 học sinh, trí thức cả nước một lần nữa nhất tâm quyên góp tiền bạc với mong muốn đúc tượng cụ Phan. Các học sinh trường Quốc học Huế đã phát hành 1 đợt xổ số nhằm quyên tiền ủng hộ việc đúc tượng cụ Sào Nam. Đó cũng là cách mà người dân dành sự tôn kính cho vị tiền bối cách mạng. Bức tượng hoàn thành được đặt trong Khu lưu niệm nhà cụ Phan Bội Châu vào năm 1987, sau được chuyển đến vườn hoa đường Lê Lợi, bên bờ sông Hương, gần cầu Trường Tiền trung tâm thành phố Huế để nhiều người cùng chiêm bái. Đứng bên bức tượng Phan Bội Châu uy nghi nhớ những câu thơ sinh thời của cụ: “Cũng vì đá nguyên khối nặng, hình vút tầng không/Kẻ trượng phu đâu cần khuất chí, bậc thái thượng chẳng nao lòng!/ Cột chống lưng trời, nêu gương cương thường muôn thuở/Tiếng vang mặt đất, dậy văn bút hai vùng!”.

Từ ngôi nhà của cụ Phan ở ban đầu, nay là Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, nơi lưu giữ di sản quý giá về cụ Phan, người truyền lửa cho các thế hệ người Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3 năm 2017, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến thăm nơi này. Đây là một sự kiện lịch sử đặc biệt trong quan hệ ngoại giao hai nước Nhật bản - Việt Nam. Mối quan hệ ngoại giao đã phát triển từ phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng từ năm 1905 đến năm 1909. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất cụ Phan và 100 năm ngày mất bác sĩ Asaba Sakitaro, những người Nhật hảo tâm đã tặng tấm bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt Nhật từ phong trào Đông Du đặt trong khu vườn trước mộ cụ Phan Bội Châu tại khu tưởng niệm. Bác sĩ Asaba Sakitaro chính là người đã hỗ trợ tích cực cho cụ Phan trong quá trình cụ đi tìm đường cứu nước. Cụ Phan chính là thiên sứ, người đặt nền móng, tạo dòng chảy lịch sử kết nối để quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản sau này ngày càng phát triển và nâng lên một tầm cao mới như ngày hôm nay.

 Và mỗi chúng ta khi đến bên ngôi nhà nhỏ này, hình ảnh cụ Phan "Ông già Bến Ngự" với những năm tháng cuối đời ở Huế vẫn hiển hiện, in đậm trong tình cảm, lòng biết ơn của người dân xứ Huế và cả nước. Cụ mãi là tấm gương các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau thêm những niềm tin và ý chí cùng nhau nỗ lực đưa quê hương đất nước phát triển mạnh giàu.

Nguyên Anh
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>