Những di sản văn hóa phi vật thể này thuộc các loại hình: lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Ca Huế thính phòng
Cùng với Ca Huế, đợt này có thêm 25 di sản nữa cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: Lễ hội Đình Vồng (xã Song Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang); Lễ hội Y Sơn (xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang); Lễ hội đền Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, Bắc Giang); Nghệ thuật Múa khèn của người Mông (Bắc Kạn); Lễ Cấp sắc của người Tày (Bắc Kạn); Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng (Đà Nẵng); Lễ Kin pang then của người Thái trắng (thị xã Mường Lay, Điện Biên); Tết Nào pê chầu của người Mông đen (xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng, Điện Biên); Lễ hội đền Hoàng Công Chất (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, Điện Biên); Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Gia Lai); Lễ hội Quỹa Hiéng (Lễ hội qua năm) của người Dao đỏ (xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang); Nghi lễ Then của người Tày (Hà Giang); Lễ hội đình Trịnh Xuyên (xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang, Hải Dương); Lễ hội Chùa Hào Xá (xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, Hải Dương); Lễ hội đền Kỳ Cùng-đền Tả Phủ (Lạng Sơn); Lễ hội Bủng kham (xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, Lạng Sơn); Lễ hội Ná nhèm (xã Trấn Yên, huyện Băc Sơn, Lạng Sơn); Nghệ thuật Xòe Thái (Lai Châu); Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò-Nghĩa Lộ (ihị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái); Nghệ thuật Xòe Thái (Sơn La); Lễ Hết chá của người Thái (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La); Hát nhà tơ (hát cửa đình) (Quảng Ninh); Rối cạn của người Tày ở Thẩm Rộc và Ru Nghệ (xã Bình Yên, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên); Hát Sọong cô của người Sán Dìu (xã Sơn Nam, xã Thiện Kế, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) và Kéo co truyền thống (Tuyên Quang).
Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Lần đầu tiên Nghệ thuật Ca Huế được tôn vinh đúng mực và trở thành một điểm nhấn trong kỳ Festival 2014 trong chương trình 'Âm sắc Hương Bình'
Theo hồ sơ di sản do tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng, ca Huế đã có hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển trên mảnh đất Thuận Hóa – Phú Xuân (Huế hiện nay). Trong cái nôi của vùng văn hóa Huế vốn rất đặc thù, ca Huế trở thành một thú chơi tao nhã của các văn nhân tài tử, là loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc. “Ở đấy, văn chương, âm nhạc hòa quyện làm một, tạo nên một vẻ đẹp thơ mộng mà tinh tế, dân gian mà bác học”...
Loại hình nghệ thuật này đang trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước cả ở thuyền rồng trên sông Hương và trong các thính phòng tại Cố đô Huế.
Đặc biệt, hiện nay, tại Bảo tàng Văn hóa Huế (25 Lê Lợi, TP. Huế), CLB Thính phòng Ca Huế vẫn thường tổ chức các buổi giao lưu giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ vào các tối thứ 3, thứ 6 hàng tuần với mục đích ban đầu chỉ là tạo ra một không gian Ca Huế đúng nghĩa để mọi người biết đến, không chỉ là khách du lịch mà còn là những thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho mọi người tiếp xúc và gần gũi hơn với vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc.
Mặc dù đây là chương trình không bán vé nhưng lại quy tụ được những gương mặt, giọng ca nổi tiếng về Ca Huế như Nghệ nhân Minh Mẫn, Thanh Hương, NSƯT Thanh Tâm, NSƯT Thái Hùng, NSƯT Khánh Vân, Kim Vàng, Quỳnh Hoa, Lệ Hoa, Võ Quê… ngay từ những buổi đầu thành lập và rất nhiều những thế hệ kế cận hội tụ cả tài lẫn sắc. Với nhiều ý tưởng hay đến từ những người tâm huyết với Ca Huế như tổ chức các cuộc thi Nhiếp ảnh với Ca Huế, soạn lời mới cho Ca Huế theo chủ đề..., đến nay, Thính phòng Ca Huế đã trở thành một điểm đến bất thành văn của mọi người để tìm hiểu một phần tinh hoa của Văn hóa Huế.