menu_open
Đáp ứng đúng nhu cầu để thu hút khách quốc tế tốt hơn
Xem cỡ chữ:
Năm 2023, ngành du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3 – 3,5 triệu lượt khách; trong đó, mục tiêu khách quốc tế khoảng 20 - 30%.

Khách nước ngoài tham quan Huế. Ảnh: Đình Thắng

Mục tiêu 20 - 30%

Tổng lượt khách du lịch đến Huế năm 2022 ước đạt 2,05 triệu; trong đó, có hơn 260 ngàn lượt khách quốc tế. Năm 2023, ngành du lịch Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3 – 3,5 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế đón được khoảng 20 - 30%. Có nghĩa là, trong năm 2023 ngành du lịch đặt mục tiêu tăng khoảng 3 lần lượng khách quốc tế so với năm 2022, với con số cụ thể rơi vào khoảng 700 – 800 ngàn lượt khách.

Nếu so sánh thị phần khách quốc tế và nội địa một thời gian của du lịch Cố đô, thì con số 20 - 30% khá khiêm tốn. Ở thời điểm trước xảy ra dịch bệnh, con số luôn xấp xỉ 50 - 50 giữa hai thị phần khách quốc tế và nội địa.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho hay, có thể thấy tình hình du lịch quốc tế có nhiều thay đổi so với trước, dù trước đó dự báo năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của du lịch thế giới và Việt Nam. Tình hình xung đột giữa các nước chưa chấm dứt, nền kinh tế toàn cầu bị tác động. Khách Trung Quốc đã đi du lịch trở lại nhưng chưa nhiều. Vì thế, nhu cầu đi du lịch trung bình của toàn bộ khách quốc tế chỉ đang đạt mức 25% so với trước dịch.

“Cũng giống như khách quốc tế vào Việt Nam, số lượng khách trong nước đặt tour du lịch quốc tế đang còn thấp. Nhu cầu đang tập trung vào một số thị trường gần, có mức giá tour vừa phải. Có thể khẳng định, chỉ khi nhu cầu khách trong nước đi ra nước ngoài bình thường trở lại thì du lịch trên toàn thế giới mới thật sự bình thường. Vì vậy, con số khách quốc tế từ 20 – 30% của 3 – 3,5 triệu lượt khách mà Huế hướng đến trong năm 2023 là phù hợp”, ông Minh phân tích.

Vai trò của khách quốc tế đối với điểm đến trong phát triển du lịch rất quan trọng. Khách quốc tế thường đi theo tour, giúp điểm đến chủ động cung ứng các dịch vụ, tạo ra nguồn thu cao hơn và ổn định hơn cho điểm đến. Lãnh đạo Sở Du lịch cũng nhấn mạnh, khách quốc tế đến Huế thường có mức chi tiêu cao hơn so với khách nội địa.

Sau những ngày đón Tết Nguyên đán, lượng khách Thái Lan đến Huế đã nhiều hơn từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, nhưng vẫn xảy ra câu chuyện bỏ điểm khi tham quan. Thời gian du khách lưu lại Huế ngắn nên nguồn thu không cao. Hay vào những ngày đầu năm mới này, một số điểm đến trong cả nước đã đón một số thị trường khách mới như Ấn Độ, Trung Quốc, nhưng ở Huế vẫn chưa. Điều này đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp mới trong thu hút khách quốc tế trở lại.

Du khách đến tham quan di sản Huế

Cần có những giải pháp hiệu quả hơn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, dù còn nhiều khó khăn, song phải khẳng định rằng, du lịch thế giới đang dần phục hồi tốt hơn. Trước diễn biến đó, điều cần làm của du lịch Huế là tập trung triển khai các giải pháp, hình thành các sản phẩm, dịch vụ để khai thác khách nội địa, lấy khách nội địa là nền tảng; đồng thời tăng cường các giải pháp để thu hút tốt hơn các thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong năm 2023, ngành du lịch tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng. Vận động doanh nghiệp phát triển một số sản phẩm mới gắn với du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe; du lịch thông minh, du lịch nông nghiệp. Đồng thời, phát triển dòng du lịch tâm linh, du lịch làng nghề. Đề xuất lãnh đạo tỉnh ban hành các chính sách trong quản lý và phát triển du lịch, đề xuất một số định hướng, triển khai một số hoạt động sự kiện để phục hồi, phát triển du lịch.

Theo giới phân tích, Huế cần làm rõ hai nhu cầu khác nhau của khách quốc tế. Đối với thị trường khách châu Âu, châu Úc, Bắc Mỹ cơ bản có nhu cầu tìm hiểu sâu về văn hóa – di sản. Những gì mang tính nguyên bản đã thu hút được khách. Còn với những thị trường Đông Nam Á và một số nước ở Đông Á cũng là văn hóa - di sản nhưng đòi hỏi thêm những trải nghiệm, các chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tính giải trí cao hơn. Vì thế, điều cần làm là xác định các thị trường trọng điểm cần hướng đến để cung ứng những sản phẩm phù hợp.

Phía Sở Du lịch cho rằng, bên cạnh nỗ lực xây dựng các sản phẩm mới, ngành cũng đang đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến. Trong thời gian đến, ngành sẽ triển khai chiến dịch truyền thông “Cố đô Huế – Điểm đến di sản hàng đầu Việt Nam” trên kênh truyền hình CNN. Đây là kênh truyền thông lớn, từ đó, hình ảnh du lịch Huế đến với nhiều thị trường hơn.

Để các giải pháp thu hút khách quốc tế đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu ngành du lịch phải luôn chủ động nghiên cứu thị trường và chủ động có những giải pháp phù hợp. Với nhiều thay đổi trong quá trình đón và phục vụ khách như hiện nay, ngành cũng phải chủ động tham mưu các chính sách để tỉnh thay đổi kịp thời.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nêu ví dụ, trong ít tháng nữa Nhà ga T2 của Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào hoạt động. Đây là cơ hội rất lớn của du lịch. Điều đặt ra là dù nâng cấp lên 5 triệu lượt khách/năm mà không có nguồn khách, không có đường bay thương mại quốc tế thì cũng không hiệu quả. Vì thế, ngay từ bây giờ, ngành du lịch cần chủ động tham mưu các thị trường khách trọng điểm, có xu hướng lựa chọn Huế làm điểm đến để những tham mưu cho tỉnh có kế hoạch về mở đường bay mới.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG