menu_open

Đền Văn Thánh làng Thanh Thủy Chánh

Xem cỡ chữ:
Đền Văn Thánh. Ảnh: thuathienhue.gov.vn
Đền Văn Thánh làng Thanh Thủy Chánh là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh, được công nhận vào năm 2017. Di tích thuộc địa phận xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đền Văn Thánh. Ảnh: thuathienhue.gov.vn

Chúng ta có thể đi đến di tích bằng hai con đường thủy, bộ khác nhau. Đường bộ từ trung tâm thành phố Huế (Phu Văn Lâu), đi đến đường Tố Hữu, đến ngã ba Tỉnh lộ 10 rẽ trái theo đường Tỉnh lộ 1 đi khoảng 4km, tiếp tục rẽ trái theo đường liên thôn đi khoảng 200m là đến đền Văn Thánh. Nếu chúng ta xuất phát theo đường thủy, từ Đập Đá dùng thuyền xuôi theo dòng sông Như Ý đến làng Thanh Thủy Chánh, theo các con hói làng là đến đền Văn Thánh. 

Làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay thuộc thành phố Huế), cách thành phố Huế khoảng 5km về hướng Đông Nam, là một trong những làng được hình thành khá sớm ở Thừa Thiên Huế, là một trong 69 làng thuộc huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, từ một làng gốc ban đầu có tên là Ôn Tuyền, sau đổi tên và tách thành Thanh Thủy Chánh và Thanh Thủy Thượng[1].

Trong thiết chế làng xã, ngoài bộ máy hành chính, bộ máy tự quản, quan hệ dòng họ, làng xóm, còn có các tổ chức hội. Ở làng Thanh Thủy Chánh có hai tổ chức hội quan trọng, đó là Hội Tư võ và Hội Tư văn, được hình thành khoảng thế kỷ XVIII[2].

Làng Thanh Thủy Chánh là một làng quê ở gần kinh thành Huế – trung tâm văn hóa, chính trị thời phong kiến và ngay cả dưới thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ, thì việc học hành, thi cử rất có ảnh hưởng đến làng. Dân làng Thanh Thủy Chánh có truyền thống hiếu học. Dù còn nghèo khổ, nhưng nhà nào cũng cố gắng cho con em đi học để hiểu đạo lý, lễ nghĩa của thánh hiền, nếu khá hơn thì mong thi cử đỗ đạt, để làm rạng danh gia đình, dòng họ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Vì vậy, làng Thanh Thủy Chánh đã hình thành nên được cho mình hai tổ chức quan trọng thời bấy giờ đối với một thiết chế làng xã đó là Hội Tư võ và Hội Tư văn.

Hội Tư văn là nơi tập hợp những người có khoa cử, các quan văn đã về hưu, các ấm sinh, những người có học thức, hay chữ ở làng. Hội đóng vai trò quan trọng trong việc giáo huấn các lễ nghi, phép tắc, truyền thống theo đạo lý “tam cương ngũ thường”, trở thành một thiết chế trong việc giữ gìn tôn ti trật tự, lễ giáo của làng. Hội là nơi tập hợp của những người hay chữ, có học thức nên thường được dân làng nhờ cậy viết các hương ước, gia phổ, tộc phổ, câu đối, đơn thư, văn khế và các bài tế trong các lễ hội đám tang… đồng thời được dân làng trông cậy vào việc chăm lo, khuyến khích, động viên việc học hành, thi cử của con em trong làng. Họ lập ra đền Văn Thánh và tổ chức tế lễ tại đền vào ngày rằm tháng 2 hàng năm, gọi là lễ tế xuân kỳ.

Hội Tư võ ở làng Thanh Thủy Chánh gồm những quan võ về hưu, binh lính đã giải ngũ và trai tráng khỏe mạnh, tập hợp để cùng nhau luyện tập võ nghệ nhằm bảo vệ quê hương, xóm làng. Họ lập miếu Võ Thánh thờ Quan Công.

Đền Văn Thánh làng Thanh Thủy Chánh là nơi thờ Đức Khổng Tử – người sáng lập ra Nho giáo, được người đời sau suy tôn là Vạn Thế Sư Biểu (người thầy của muôn đời), là một vị Thánh về văn chương. Đền Văn Thánh được xây dựng nhằm thể hiện lòng thành kính đối với Đức Khổng Tử; đề cao đạo đức, lễ giáo phong kiến theo tư tưởng của Nho gia; tôn vinh sự học, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “cầu hiền đãi sĩ” theo đạo lý làm người của dân tộc. Ở làng Thanh Thủy Chánh, Hội Tư văn và đền Văn Thánh thờ Đức Khổng Tử được hình thành khá sớm vào khoảng thế kỷ XVIII.

Đến thời Tự Đức, nhận thấy con em trong làng ít người học hành đỗ đạt, nên dân làng đã bỏ tiền ra để trùng tu lại đền Văn Thánh với ước nguyện cầu mong con cháu tu chí học tập thành tài, thi cử đỗ đạt làm rạng danh làng xã, góp phần xây dựng quê hương.

Trước năm 1945, ở làng Thanh Thủy Chánh có đầy đủ các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng, như đình, chùa, miếu, nhà thờ họ, khuôn hội… Nhưng đến năm 1947, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” không để cho thực dân Pháp có nơi để đóng quân, lập đồn bốt tấn công lực lượng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã Hồng Thủy, dân làng chủ động tháo dỡ các công trình kiến trúc đó. Tất cả hương án, đồ thờ tự ở các đình, chùa… được đưa vào thờ tại đền Văn Thánh. Cho đến sau năm 1956, khi các công trình này được xây dựng lại, dân làng mới thỉnh về lại để thờ tự. Trong khoảng thời gian đó, các hoạt động tế lễ đều diễn ra ở đền Văn Thánh. Riêng miếu Võ Thánh thờ Quan Công, trước đây được dân làng lập thờ riêng, nhưng do bị hư hỏng nặng, sau này cũng được thỉnh vào thờ chung tại đền Văn Thánh.

Khuôn viên của đền Văn Thánh khá rộng với tổng diện tích là 2.467m2, ngôi đền được bố trí nằm ở ví trí trung tâm của thửa đất, xây dựng theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái mái lợp ngói, đền Văn Thánh gồm có các công trình chính bao gồm hồ bán nguyệt; Bình phong; Sân đền và Đền.

Hồ bán nguyệt án ngữ ở phía trước đền, trong hồ trồng hoa sen, hoa súng và thả cá… Ngoài chức năng làm tôn thêm vẻ đẹp và trang nghiêm của đền, hồ bán nguyệt còn chứa đựng một yếu tố quan trọng trong thuật phong thủy, trong cách xây dựng các công trình kiến trúc dân gian xứ Huế.

Từ vị trí hồ bán nguyệt đi vào khoảng 2,5m là vị trí bức bình phong của đền Văn Thánh. Theo quan niệm “phong thủy”, bình phong là nơi để che chắn cho ngôi đền tránh khỏi những điều không hay, tạo sự kín đáo cho hệ thống các công trình bên trong, đồng thời cũng là nơi để đắp vẽ, trang trí những hình tượng có tính chúc tụng, mong ước của dân làng, bình phong của đền Văn Thánh cũng không nằm ngoài ý nghĩa ấy. Bình phong được xây đặc, kiểu “cuốn thư”, mặt trước trang trí hình tượng “Hà đồ cõng lạc thư”, mặt sau trang trí “chữ thọ”, xung quanh và dưới chân của 2 mặt đều được nề, đắp vẽ các họa tiết dây, hoa lá tứ thời, sóng nước, rồng ẩn vân uốn lượn cách điệu. Gần sát sau bình phong đặt một cái lư khá lớn làm bằng chất liệu xi măng, dùng để hóa vàng mã mỗi khi có dịp cúng tế.

Nối liền với bình phong và đền là khoảng sân đền khá rộng. Sân được đúc bằng bê tông, hai bên tả, hữu có các bồn hoa, cây cảnh, xung quanh là vườn trồng rau xanh… Từ sân đi qua các bậc tam cấp là đến đền.

Đền Văn Thánh quay mặt về hướng Tây Nam, trước đền là cánh đồng lúa rộng lớn tạo nên một không gian thoáng, xa xa là núi Ngự Bình được xem là tiền án; Trước mặt là hồ bán nguyệt được chọn làm yếu tố“minh đường thủy tụ”. Đền gồm có tiền đường và chánh điện.

Tiền đường của đền phần mái được lợp ngói liệt, chính giữa nóc trang trí hình tượng mặt Hổ phù đội mặt trời, trên các bờ nóc, bờ quyết, nóc phụ… trang trí “long hồi, long hóa lá, long, lân, quy, phụng…” Hai đầu hồi trang trí đắp nổi hình mặt Dơi cách điệu, chất liệu chủ yếu bằng xi-măng, vẽ bột màu, ghép sành sứ, kiểu kiến trúc này giữ cho mái được vững chãi trước thời tiết và khí hậu khắc nghiệt của xứ Huế nói riêng và miền Trung nói chung, vừa tạo cảm giác uy nghiêm đồ sộ nhưng vẫn nhẹ nhàng thanh thoát.

Từ sân đền đi qua các bậc cấp để vào tiền đường, trước tiền đường có hàng cột trụ tròn bằng chất liệu bê tông chịu lực dùng đỡ phần mái hiên, cột được trang trí rồng cuộn từ dưới lên vẽ bằng bột màu. Nội thất của tiền đường để trống, tạo một không gian mở thoáng dùng làm nơi hội họp, tế lễ, sinh hoạt văn hóa… tiền đường được chia ra làm ba gian thông nhau và tạo thành ba lối đi vào bên trong chánh điện, trên ngạch cửa của lối vào trong đền có treo các bức đại tự bằng chữ Hán, theo kiểu cuốn thư bằng chất liệu xi-măng, ghép sành sứ, bột màu.

Bức đại tự ở giữa: Chữ Hán: 殿 聖 武 文

Phiên âm: Văn võ thánh điện

Bức đại tự bên trái: Chữ Hán: 光 德 聖

Phiên âm: Thánh Đức Quang

Bức đại tự bên phải: Chữ Hán: 疆 無 德

Phiên âm: Đức vô cương

Chánh điện của đền Văn Thánh trước đây đền được dựng theo kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái với bộ sườn bằng gỗ, mái lợp ngói liệt; trải qua thời gian ngôi đình đã bị hư hỏng nặng. Năm 2008, dân làng đã tiến hành hạ giải ngôi đền cũ để bảo đảm an toàn, đền mới được xây lại ngay trên nền đất cũ bằng chất liệu bê tông giả gỗ theo mô-típ kiến trúc nhà rường, mang đặc trưng của một ngôi đền xứ Huế.

Kết cấu chính của đền Văn Thánh được đúc bằng bê tông giả gỗ rất tinh tế  như một nhà rường 3 gian 2 chái, tường gạch, mái lợp ngói liệt, chính giữa nóc trang trí hình rồng đội mặt trời, trên các bờ nóc, bờ quyết, nóc phụ… trang trí hình tượng long hồi, long hóa lá, quy, phụng… hoa lá cách điệu, hai đầu hồi có đắp nổi hình “Dơi ngậm kim tiền”. Tổng thể kết cấu của đền nhìn vào như một ngôi nhà rường truyền thống có “thượng trến hạ xuyên, giao nguyên trụ đội”, hệ thống cột, kèo, xuyên, trến… được đúc rất chắc chắn. Tường được xây bằng gạch, vừa để che chắn, vừa làm chức năng chịu lực. Cửa làm bằng gỗ theo lối bản khoa, chia làm 3 lối đi, mỗi lối có 4 cánh. Hai bên tả và hữu mặt tường trước của chái đông và chái tây có đắp nổi hình “Long mã chở lạc thư” để tạo thế trấn yểm bảo vệ cho ngôi đền, phía trên có trổ cửa sổ đúc rỗng theo lối chữ thọ, để lấy ánh sáng bên ngoài vào trong đền, xung quanh trang trí hoa văn dây lá, tất cả đều được ghép bằng sành sứ và vẽ bằng bột màu rất hài hòa tạo cảm giác nhẹ nhàng tinh tế.

Nội thất bên trong chánh điện, các án thờ được bài trí ở cả ba gian từ ngoài vào trong đến sát tường, từ ngoài đi vào gian chính giữa đặt một bàn thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, theo kiểu bàn chân nai cao, đặt trên đế chân quỳ bằng bê tông giả gỗ, hai án hai bên tả, hữu trước đây được làm bằng gỗ, sau do bị hư hỏng nên được làm lại bằng bê tông giả gỗ thấp thua án giữa, mặt trước được quét sơn và trang trí khá tỉ mỉ, xung quanh hương án được chia làm nhiều ô hộc với những hình vuông và hình chữ nhật, mỗi ô hộc đều được chạm khắc, trang trí các đề tài tứ linh, cây cối, hoa lá… ở chính giữa là mặt “Hổ phù”. Bên trên bài trí các đồ thờ tự như: Bài vị, lư xông trầm, lư hương, bình hoa, khay đựng trầu cau, đĩa đựng hoa quả, đế đèn…

Sau lưng ba án thờ chính là bàn soạn nơi bày biện lễ vật khi có việc tế lễ hoặc kỵ giỗ, sau bàn soạn đến gần sát vách của nội điện là ba bàn thờ khá lớn, trên mỗi bàn thờ thiết trí một chiếc ngai được chạm trổ, sơn son thếp vàng và trên ngai thiết trí một tượng thánh, gian giữa thờ đức Khổng Tử, hai gian tả hữu thờ Quan Thánh và các vị học trò của Đức Khổng Tử, cùng các đồ thờ tự như: Bài vị, lư xông trầm, lư hương, bình hoa, khay đựng trầu cau, đĩa đựng hoa quả, đế đèn… Hai bên tả hữu của hai chái của gian nhất bài trí chuông, trống.

Chính giữa gian ngoài (gian nhất) trên cao ngang trến có treo 3 bức đại tự chữ Hán sơn son thếp vàng với nội dung:

Bức đại tự ở giữa: Chữ Hán: 寺 光 清

Phiên âm: Thanh quang tự

Bức đại tự bên trái: Chữ Hán: 成 大 集

Phiên âm: Tập đại thành

Bức đại tự bên phải: Chữ Hán: 顯 靈 神

Phiên âm: Thần linh hiển

Bên phải của đền còn có một ngôi nhà ba gian của con cháu bác Lê Viết Khứu ở để trông coi, chăm sóc và hương khói cho đền. Nhà được xây bằng gạch và xi măng, mái lợp ngói, nóc không trang trí, nhà cũng được dùng để làm nơi soạn sửa đồ cúng, trà rượu khi làng có lễ tế hoặc kỵ giỗ.

Đền Văn Thánh hiện nay được Ban đại diện và con dân trong thôn Thanh Tuyền phối hợp với chính quyền địa phương chăm sóc, quản lý, nên nhìn chung đền đang được bảo quản tốt và vẫn giữ được những nét truyền thống của làng. Đền Văn Thánh làng Thanh Thủy Chánh còn lưu giữ được cho mình một số di vật, hiện vật như sau: 03 Bức đại tự; 01 Trống; 01 Chuông; 03 Án thờ; 05 Bài vị; 03 Ngai thờ; 03 Tượng thánh.

Cùng với việc tôn vinh những bậc hiền tài đỗ đạt, cống hiến công sức cho nước nhà, đền Văn Thánh còn là một trong những di tích quý ghi lại những sự kiện, dấu ấn lịch sử, nhiều chiến công của người dân nơi đây trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc  Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân nơi đây đã bám đất, bám làng, biến địa hình, địa vật của quê hương mình thành nơi ẩn nấp, cất giấu vũ khí để hoạt động cách mạng mà kẻ địch không thể ngờ tới. Nhiều chiến công oanh liệt, nhiều địa danh lịch sử, như cầu Chùa, cồn Niệu, chùa Thầy Giáng… đã trở thành dấu tích lịch sử tại địa phương, mãi mãi là niềm tự hào của người dân trên mảnh đất anh hùng này, đền Văn Thánh là một địa điểm như vậy.

Đền Văn Thánh nằm giữa cánh đồng rộng, xung quanh có nhiều cây cổ thụ, lùm cây hoang và các bụi tre rậm rạp che phủ, cách khá xa khu dân cư, lại được bao bọc bởi hệ thống các con hói nhỏ, chằng chịt chảy ra các con sông Như Ý và Lợi Nông (sông An Cựu) để nối làng Thanh Thủy Chánh với các làng xung quanh khu vực, như: Vân Thê, Lang Xá, Dạ Lê… Từ đền Văn Thánh rất dễ quan sát và bao quát một vùng rộng lớn, có thể phát hiện mọi động tĩnh, người lạ xâm nhập từ xa, đồng thời lại có nhiều lối thoát hiểm và ẩn nấp qua các hệ thống kênh mương. Với vị trí địa hình vô cùng thuận lợi như vậy, khu vực đền Văn Thánh trở thành một địa điểm lý tưởng cho những hoạt động bí mật của các đồng chí lãnh đạo Thường vụ Huyện ủy Hương Thủy (nay là Thị ủy Hương Thủy) và Chi bộ xã Hồng Thủy (nay là Đảng bộ xã Thủy Thanh) để chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương, mà trực tiếp là tại địa bàn các xã Hồng Thủy, Thiên Thủy và Bích Thủy (Thủy Thanh và Thủy Vân ngày nay) trong suốt cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Cách mạng tháng Tám năm 1945, đền Văn Thánh là một trong những nơi sinh hoạt của các đoàn thể cách mạng xã Hồng Thủy, như “Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc”, là nơi tổ chức các phong trào “Tuần lễ đồng, tuần lễ vàng” quyên góp tài chính ủng hộ kháng chiến. Đền Văn Thánh còn là một địa điểm tổ chức lớp “Bình dân học vụ” cho người già và trẻ em, tạo niềm vui vẻ, phấn khởi và ham học hỏi của bà con đến tham gia học tập.

Tháng 5-1946, tại đền Văn Thánh dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thượng Phương, Phó Bí thư Huyện ủy Hương Thủy, đã diễn ra Hội nghị củng cố tổ chức Đảng và thành lập Chi bộ các xã Hồng Thủy và Lê Thủy. Chi bộ Hồng Thủy do đồng chí Đặng Hoàng làm Bí thư[3] Chi bộ xã Lê Thủy (Dạ Lê Chánh và Vân Thê Đập, Vân Thê Làng) do đồng chí Hoàng Trọng Khiết làm Bí thư. Sự ra đời của Chi bộ Hồng Thủy và Lê Thủy là một mốc son quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống chính trị ở địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển Đảng để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng sau này.

Trong những năm từ 1948-1949, mặc dù địch đóng đồn khắp các thôn trong xã, chúng thường xuyên tiến hành các đợt khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, nhưng đền Văn Thánh vẫn là nơi an toàn để các đồng chí lãnh đạo của huyện, xã thường xuyên lui tới để chỉ đạo phong trào. Đó chính là cơ sở, động lực thúc đẩy lực lượng kháng chiến ở Thủy Thanh ra sức chiến đấu trong giai đoạn mới với khí thế của một vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đền Văn Thánh là nơi hoạt động của các đồng chí lãnh đạo huyện Hương Thủy, lực lượng An ninh huyện, xã, đây còn là nơi sinh hoạt của tổ chức Đảng ở địa phương, như: Kết nạp đảng viên; học tập chủ trương, chính sách và đường lối của Đảng, cách thức tuyên truyền vận động quần chúng tham gia cách mạng…

Theo các nhân chứng lịch sử cho biết: Trong một trận càn của thực dân Pháp vào khu vực đền Văn Thánh, trước tình hình cấp bách, không đủ thời gian để cất giấu tài liệu, các đồng chí cán bộ của ta chỉ kịp nâng chiếc ngai thờ Thánh lên và để tài liệu xuống dưới. Do tài liệu dày, lại cất giấu trong lúc vội vàng, nên bị địch phát hiện. Chúng bảo: “Thần Thánh mà cũng theo Việt Minh”, nên đã dùng súng bắn vào tượng Thánh, 1 viên đạn đã trúng vào ngai gỗ nơi đặt tượng Thánh, sau khi tượng bị vỡ, người dân thỉnh tượng đi chôn thì phát hiện ở trong tượng từ cổ xuống cột sống có một chuỗi tiền bằng đồng (các cụ bảo đây là tiền ngụy, theo cách gọi của các vua quan triều Nguyễn là tiền Quang Trung Thông Bảo và Cảnh Thịnh Thông Bảo). Tượng Thánh và chuỗi tiền đồng được chôn trước bình phong của đền Văn Thánh[4].

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đền Văn Thánh vẫn là nơi địch thường xuyên tổ chức các đợt phục kích để bắt bớ, khủng bố, đàn áp các phong trào cách mạng, nhưng với tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, các đồng chí đảng viên vẫn kiên cường nằm vùng bám trụ, không rời dân để lãnh đạo kháng chiến. Đền Văn Thánh vẫn là địa điểm bí mật của Chi bộ Đảng cơ sở và các lực lượng kháng chiến.

Cuối tháng 11-1959, tại đền Văn Thánh, đồng chí Đặng Tràm, Bí thư Huyện ủy Hương Thủy và đồng chí Nguyễn Viết Cường đã bắt liên lạc được với các đồng chí Lê Đình Phổ, Đặng Tao, Trần Duy Phiến, cùng một số cán bộ, quần chúng của xã Hồng Thủy, từng bước xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng tổ du kích hợp pháp, xây dựng nội tuyến ngụy ở thôn xã…

Năm 1960, được sự vận động của đồng chí Nguyễn Viết Vân, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư xã Hồng Thủy đã xin làng cho ông Nguyễn Viết Khứu ra đền để ở và trông coi hương khói, đồng thời làm cơ sở cho cán bộ, bộ đội đến bám trụ, ẩn nấp hoạt động cách mạng. Gia đình của ông Nguyễn Viết Khứu đã trở thành cơ sở nuôi dưỡng, bảo vệ cách mạng cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Từ năm 1961, đền Văn Thánh đã bắt đầu đón một số đồng chí cán bộ lãnh đạo của xã, của huyện. Lúc này, đền chưa có hầm bí mật. Nhưng nhờ vị trí thuận lợi, khi có động tĩnh, thì ra vườn rồi trốn ra ruộng lúa. Đặc biệt từ năm 1964 đến cuối năm 1968, ngày nào cũng có bộ đội ăn ở trong đền, có ngày lên đến 15 người. Trong số đó, có các đồng chí thuộc đội biệt động, các cán bộ lãnh đạo của xã, của huyện ủy, lực lượng an ninh thành phố Huế như: Đồng chí Lê Quý Cầu, Phùng Yên, Nguyễn Viết Hùng, Đặng Văn Rịa, Trần Duy Chánh…

Dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng ở Thủy Thanh, nhân dân khu vực xung quanh đền Văn Thánh đã chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu như đào hầm bí mật, giao thông hào, dự trữ lương thực, thực phẩm để ủng hộ cho kháng chiến…

Từ năm 1962, trong khuôn viên đền Văn Thánh có 09 căn hầm: 1 căn trong khuôn viên vườn của đền, 8 căn còn lại nằm rải rác quanh khu vực đền. Có nhiều hầm, như hầm ở bụi tre rậm, có đến 2 miệng hầm: Một miệng từ bụi tre xuống được ngụy trang bằng cành và lá tre rụng, một miệng thì thông ra bờ hói ngoài ruộng, để đề phòng khi địch càn quét lâu ngày, không lên được, hoặc nếu địch phát hiện thì sẽ thoát ra hói để lánh đi nơi khác. Bình thường thì ở nổi trong đền, nhưng khi có động tĩnh thì một số xuống hầm, một số ra ruộng lúa ẩn nấp.

Có thể nói, trong khoảng thời gian này, đền Văn Thánh không chỉ là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi ăn ở của các đồng chí lãnh đạo của huyện, của xã nằm vùng trực tiếp chỉ đạo địa bàn, mà còn là địa điểm liên lạc, hội ý chớp nhoáng giữa các lực lượng bám trụ đồng bằng của huyện và là một đầu mối chỉ huy liên lạc hết sức quan trọng của huyện, nơi cất giấu vũ khí của các lực lượng vũ trang cách mạng.

Năm 2012, Cơ quan Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cùng phối hợp với chính quyền xã Thủy Thanh đã tiến hành khảo sát và tham khảo ý kiến của các bậc lão thành cách mạng từng sống, hoạt động trên địa bàn xã về các căn hầm bí mật trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau chuyến khảo sát, đã quyết định chọn 2 căn hầm bí mật tiêu biểu để phục dựng với mục đích tưởng nhớ, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Một căn hầm ở bụi tre cuối góc vườn bên phải của đền Văn Thánh và một căn hầm nữa ở cồn Miệu (miếu).

Cồn Miệu là một gò đất nổi cao, rộng nằm giữa cánh đồng ruộng lúa lớn của xã Thủy Thanh. Từ cồn Miệu có thể bao quát cả một vùng rộng lớn xung quanh. Trên cồn này có một ngôi miếu và ngôi mộ khá lớn của Cao tổ dòng họ Nguyễn Quang, ngài khai canh thứ hai sau họ Lê Diên của làng Thanh Tuyền. Trước đây, cồn Miệu là một khu vực nhiều mồ mả, cây cối rất rậm rạp, um tùm và được cho là nơi linh thiêng nên không ai dám vào đây. Với lợi thế đó, quân và dân xã Thủy Thanh đã biến đây thành một cơ sở hoạt động bí mật với nhiều căn hầm bí mật được đào giữa các ngôi mộ. Cùng với đền Văn Thánh, cồn Miệu trở thành điểm dừng chân bí mật của các cán bộ cách mạng từ trên rừng về, các vùng ven lên và thành phố về đều dừng chân ở đây trước khi vào làng và trở thành điểm chỉ huy các trận đánh giải phóng thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) trước ngày 26-3-1975.

Tại đền Văn Thánh từ năm 1954-1975, là nơi các đồng chí như Đặng Tràm, Nguyễn Viết Vân, Phùng Yên, Lê Quý Cầu và các đồng chí ở lực lượng an ninh vũ trang của xã, huyện, thành phố thường xuyên về bám trụ, để lãnh đạo phong trào cách mạng… Tại đây đồng chí Nguyễn Viết Vân, Huyện ủy viên Bí thư xã Hồng Thủy cùng đồng chí Phùng Hữu Yên (tức Xuân Yên) Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Huyện đội trưởng, huyện Hương Thủy đã lãnh đạo, chỉ huy lực lượng bộ đội địa phương cùng du kích xã đánh chiếm trụ sở xã Thủy Thanh vào đêm 31-10-1964, tiêu diệt được 18 tên dân vệ và tên cảnh sát trưởng ác ôn Phan Công Bon, bắt sống toàn bộ bọn ngụy quân, ngụy quyền của xã Thủy Thanh, thu được một số lượng lớn vũ khí.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968), đền Văn Thánh là nơi lực lượng du kích địa phương cùng phối hợp với bộ đội chủ lực huyện Hương Thủy đánh bại cuộc càn quét của tiểu đoàn biệt động 39 của địch.

Đêm 9-3-1975, đồng chí Lê Quý Cầu – Bí thư Huyện ủy và đồng chí Lê Hữu Tòng – Huyện đội trưởng đã phát động lệnh Tổng Tiến công vào các đồn bốt, cơ quan của ngụy quyền đóng quanh vùng và chiều 21-3-1975, đồng chí Lê Quý Cầu giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Thị Thiệp – Bí thư Đảng ủy xã triệu tập buộc ông Trần Duy No – ấp trưởng Thanh Thủy Chánh tập trung lực lượng Phòng vệ Dân sự của địch tập trung tại đền Văn Thánh để giao nộp vũ khí cho cách mạng, lúc này, đồng chí Lê Quý Cầu, Nguyễn Thanh Hải và đồng chí Mạnh đứng ra nói chuyện, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và chính sách khoan hồng của cách mạng đối với những người biết hối lỗi, đồng thời cảnh cáo một số tên Việt gian còn hung hăng[5].

Cùng với mảnh đất và những người con anh hùng của làng quê Thanh Thủy Chánh, đền Văn Thánh đã góp phần tô điểm thêm truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân xã Thủy Thanh trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quê hương, xứng đáng trở thành một di tích lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Hàng năm ở đền Văn Thánh thường diễn ra các hoạt động tế lễ Đức Khổng Tử (vào ngày 18-2 âm lịch) và lễ tế Quan Công (ngày 24-6 âm lịch). Đây là những dịp người dân trong làng tề tựu để tưởng nhớ đến các bậc hiền nhân, cùng nhau ôn lại những truyền thống văn hóa tốt đẹp, thông báo kết quả học tập của con em, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong việc giáo dục con cháu trong làng. Những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại đền Văn Thánh trở thành nét đẹp truyền thống của dân làng gắn kết quá khứ, hiện tại với tương lai, để dòng chảy lịch sử không ngừng nối dài trong ký ức của mỗi một người dân xã Thủy Thanh nói riêng và người dân thị xã Hương Thủy nói chung về quê hương, có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất.

Trải qua một thời gian dài tồn tại, đền Văn Thánh chịu tác động của nhiều yếu tố như thiên tai, bão lũ, chiến tranh… nên đền bị hư hỏng nhiều, dân làng đã tiến hành sửa chữa lại, cụ thể là vào các năm năm 1972, 1986, 1990, tiến hành sửa chữa lại một số hạng mục như: Thay đòn tay, cột kèo, lợp ngói và trang trí bộ tứ linh. Lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 2008, con dân trong làng cùng với chính quyền địa phương và những người con của làng đi làm ăn xa cùng nhau đóng góp tiền của để đại trùng tu, xây dựng ngôi đền vững chắc và uy nghiêm cho tới ngày nay.

Chúng ta có thể nhận xét rằng, Thanh Thủy Chánh là một trong những làng xuất hiện tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa thuần Việt: Hệ thống đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ họ… gắn liền với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa dân gian. Là những thiết chế văn hóa lâu đời hiện hữu và tồn tại bên cạnh đình, chùa, miếu, đền Văn Thánh cùng với Hội Tư văn (làng Thanh Thủy Chánh) xuất hiện khoảng thế kỷ XVIII, là một yếu tố độc đáo của văn hóa làng xã. Đền Văn Thánh được xây dựng để thờ Đức Khổng Tử, với mục đích đề cao đạo đức, lễ giáo phong kiến theo tư tưởng của Nho gia, tôn vinh việc học, tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Nhưng cùng với thời gian, đền Văn Thánh trở thành biểu tượng cho việc giáo dục nếp sống văn hóa, lễ nghi, tôn ti trật tự, đạo đức lành mạnh cho dân làng; góp phần hình thành, phát triển truyền thống hiếu học, coi trọng giáo dục, xem việc học như là phương tiện để hình thành nhân cách tốt đẹp cho con em trong làng; hình thành tình yêu thương gia đình, dòng tộc, yêu quê hương, Tổ quốc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc  Mỹ. Với vị trí tự nhiên thuận lợi, kín đáo, ít người qua lại, khó tiếp cận, có nhiều lối thoát hiểm, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đền Văn Thánh trở thành một địa điểm lý tưởng để hoạt động bí mật của cách mạng. Nơi đây, là địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Đông Sơn (xã Hồng Thủy), là nơi sinh hoạt của tổ chức cơ sở Đảng địa phương, là nơi làm việc bí mật của huyện với xã, đồng thời là điểm cất giấu vũ khí phục vụ cho kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với hệ thống hầm bí mật được bố trí ở những vị trí bất ngờ, ngụy trang một cách khéo léo, đền Văn Thánh trở thành cơ sở nuôi giấu, che chở cho nhiều cán bộ lãnh đạo của huyện xuống nằm vùng, bám trụ trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng để giữ vững địa bàn mang tính chiến lược là xã Thủy Thanh, nơi trung chuyển, cung cấp nhân tài vật lực cho kháng chiến, là vùng đệm nối liền các xã vùng ven biển của huyện Phú Vang và vùng giải phóng.

Đền Văn Thánh còn là địa điểm ẩn nấp của cán bộ, chiến sĩ cách mạng ở địa phương, là địa bàn đứng chân, tập kết của nhiều lực lượng vũ trang cách mạng góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Xuân 1975).

Chiến tranh đã lùi xa, đền Văn Thánh lại trở về với không gian tĩnh mịch, trang nghiêm vốn có của một chốn thờ tự thiêng liêng, nhưng giờ đây trong ký ức của nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng và người dân ở vùng đất này, đền Văn Thánh còn là một địa danh gắn liền với một thời kỳ đấu tranh vô cùng gian khổ với những hy sinh, mất mát, nhưng cũng rất vinh quang với nhiều chiến công rất đỗi tự hào vì độc lập, tự do của dân tộc; với tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của người dân làng Thanh Thủy Chánh nói riêng và người dân xã Thủy Thanh nói chung trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và cách mạng đó, đền Văn Thánh làng Thanh Thủy Chánh đã được công nhận là di tích lịch sử Lưu niệm sự kiện cấp Tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 1709/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 2-8-2017. Những giá trị của đền Văn Thánh cần được gìn giữ, phát triển cho muôn đời sau, để nơi đây không chỉ dừng lại là “tài sản” riêng có của dân làng, mà còn là “tài sản chung”, địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, đồng thời là điểm đến để nhân dân trong tỉnh đến tham quan, ngưỡng vọng về một vùng đất văn hóa, cách mạng; là địa điểm thích hợp để tổ chức lễ vinh quy bái tổ, các hoạt động khuyến học và trao học bỗng cho con em trong làng, qua đó giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo cho thế hệ mai sau.

[1] Dương Văn An (2015), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh hiệu đính và dịch chú, Nxb Thuận Hóa, Sở Khoa học – Công nghệ Quảng Bình xuất bản, Huế, tr. 64.

[2] Lê Đình Liễn (2001), Làng Thanh Toàn – xã Thủy Thanh, tỉnh Thừa Thiên Huế trước 1975 (Quá trình hình thành, phát triển và bản sắc văn hóa làng). Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Mã số: B.99-07-48. Huế, tr. 56.

[3] Ban chấp hành Đảng bộ xã Thủy Thanh (2015), Lịch sử Đảng bộ xã Thủy Thanh (1930-2015), NXB Thuận Hóa – Huế, tr. 54.

[4] Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Viết Kiến, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hương Thủy. Năm 1980, cán bộ văn hóa đi sưu tầm tư liệu và hiện vật đưa về để làm trưng bày.

[5] Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Viết Giám, nguyên Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh (1991-1994).

EMC Đã kết nối EMC