menu_open
Hiệu quả của mô hình dịch vụ nấu ăn gia đình
Xem cỡ chữ:
Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều phụ nữ huyện Phong Điền không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn tạo việc làm tăng thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ thông qua mô hình dịch vụ nấu ăn gia đình

 Dấu ấn

Nhiều phụ nữ có thêm việc làm tăng thu nhập từ các mô hình dịch vụ nấu ăn gia đình

 

Đi đầu trong mô hình này là chị Võ Thị Tất, hội viên phụ nữ thôn Trạch Thượng II, thị trấn Phong Điền. Vốn có năng khiếu nấu ăn từ nhỏ, lại từng được đào tạo qua lớp nấu ăn nên chị Tất thường được người dân trong khu phố thuê mỗi khi có cưới hỏi, kỵ giỗ… Tiếng lành đồn xa, số người nhờ chị nấu ăn ngày càng tăng, năm 2002, chị Tất quyết định thành lập dịch vụ nấu ăn gia đình chuyên phục vụ cưới, hỏi... Lúc mới thành lập, chị chỉ nhận những đơn hàng phục vụ dưới 200 khách, nhưng nay chị đã tự tin nhận những bữa tiệc lên đến trên 1.000 khách không chỉ ở Phong Điền mà cả ở TP Huế. Với mô hình này, chị Tất thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 hội viên phụ nữ với mức lương 3-4 triệu đồng/ tháng và 40 chị làm thời vụ với thu nhập 300 ngàn đồng/ ngày. Chị Ngô Thị Thùy, trước đây không có việc làm, cuộc sống gia đình đều trông chờ vào công việc thợ nề của chồng, rất bấp bênh. Từ khi tham gia vào đội nấu ăn của chị Tất, chị có thêm thu nhập cuộc sống của gia đình ổn định hơn hẳn.

Cũng là dịch vụ nấu ăn, nhưng chị Phan Thị Thành, hội viên phụ nữ thôn Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền lại phục vụ suất ăn cho công nhân của các công ty trên địa bàn huyện. Với mô hình này, chị giải quyết được việc làm cho 10-12 chị với mức lương ổn định.
Dịch vụ nấu ăn gia đình nay đã được “phủ sóng” trên toàn bộ các xã của huyện Phong Điền, xã ít có 2-3 mô hình, xã nhiều có 6-7 mô hình, vừa đáp ứng nhu cầu địa phương vừa tạo việc làm cho hội viên. Chị Khẩu Thị Lài, chủ nhà hàng Như Ý xã Phong Chương cho hay: Trước đây, trong làng gia đình nào tổ chức cưới hỏi hay đãi tiệc gì lớn phải ra tận Hải Lăng (Quảng Trị) thuê người vào phục vụ nấu ăn, vừa tốn kém lại vừa bất tiện. Năm 2006, Hội LHPN xã phối hợp với các trung tâm mở lớp dạy nghề cho chị em phụ nữ trên địa bàn xã. Sau khi được học, chị mạnh dạn mở nhà hàng phục vụ hội họp các cơ quan, gia đình... và mang lại hiệu quả. Từ mô hình của chị Lài, Hội LHPN xã đã nhân rộng ra ở các thôn khác. Hiện nay, xã Phong Chương có bảy mô hình dịch vụ nấu ăn gia đình của các hội viên phụ nữ, tạo việc làm tăng thu nhập cho hàng chục chị em.
 Tạo đà cho hội viên
Để các mô hình dịch vụ nấu ăn gia đình ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện tốt phong trào phụ nữ tích cực tham gia phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội LHPN huyện Phong Điền luôn đồng hành cùng các hội viên, thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho chị em bằng nhiều việc làm thiết thực.
 Chị Trần Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền cho biết: “Các cấp hội đã phối hợp với trạm y tế các xã, thị trấn hướng dẫn hội viên kinh doanh dịch vụ nấu ăn gia đình tiến hành khám, giấy chứng nhận sức khỏe; tổ chức các lớp tập huấn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp mở lớp đào tạo, nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ cho hội viên. Đồng thời, Hội cũng tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn thông qua kênh của Ngân hàng Chính sách xã hội, trung bình mỗi chị được vay 20 triệu đồng để để duy trì, mở rộng dịch vụ. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh dịch vụ nấu ăn gia đình của các hội viên phụ nữ ngày càng mang tính chuyên nghiệp từ khâu chế biến, trang trí đến lễ tân và chất lượng các món ăn được đảm bảo, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Điều quan trọng, mô hình này vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho hội viên, vừa giải quyết được việc làm cho hàng trăm hội viên phụ nữ.