menu_open
570 tấn rác thải nhựa được thu gom và quản lý thông qua Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam
Xem cỡ chữ:
Trao kỷ niệm chương cho các đối tác đã đồng hành cùng dự án trong Hội thảo “Kết thúc dự án và Triển khai mở rộng dự án Huế - Đô thị giảm nhựa”
Sáng ngày 15 tháng 11 năm 2024, tại khách sạn Indochine [105A  Hùng Vương - Tp. Huế], UBND thành phố Huế phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và WWF-Na Uy đã tổ chức Hội thảo "Kết thúc dự án và Triển khai mở rộng dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam". Sự kiện nhằm tổng kết những kết quả đạt được trong giai đoạn 2021-2024, đồng thời thảo luận về định hướng mở rộng dự án trong tương lai.
Trao kỷ niệm chương cho các đối tác đã đồng hành cùng dự án trong Hội thảo “Kết thúc dự án và Triển khai mở rộng dự án Huế - Đô thị giảm nhựa”

Hội thảo có sự tham gia của Ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND thành phố Huế, Đại diện WWF-Việt Nam cùng hơn 150 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội, các trường học, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương. Đặc biệt, hội thảo còn có sự góp mặt của Bà Hilde Solbakken – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ và người dân Na Uy đối với việc thúc đẩy bảo vệ môi trường bền vững ở Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.

Phát biểu khai mạc, Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Dự án WWF - Việt Nam nhấn mạnh rằng Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (Dự án TVA) được khởi xướng từ cam kết của thành phố Huế vào tháng 11 năm 2021 nhằm giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường. Đây là mục tiêu tham vọng nhưng đã được cụ thể hóa thông qua nhiều mô hình và sáng kiến sáng tạo, giúp thành phố Huế trở thành đô thị tiên phong trong công tác giảm thiểu rác thải nhựa ở miền Trung Việt Nam.


Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Dự án WWF - Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bà Hilde Solbakken, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam, đã bày tỏ sự đánh giá cao về những nỗ lực và thành quả của thành phố Huế trong việc thực hiện Dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa". Đại sứ nhấn mạnh: "Huế đã trở thành hình mẫu điển hình cho các thành phố khác trong khu vực khi áp dụng các giải pháp sáng tạo và bền vững nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Thành công của dự án không chỉ dừng lại ở con số ấn tượng 570 tấn rác thải nhựa được quản lý hiệu quả mà còn tạo nên những thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng." Bà Hilde Solbakken cũng cam kết Na Uy sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các sáng kiến mở rộng dự án trong tương lai, hướng tới một môi trường sống xanh, sạch và bền vững hơn.


Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Hilde Solbakken, phát biểu tại hội thảo, đánh giá cao nỗ lực của thành phố Huế trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa và cam kết tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến bền vững.

Từ khi bắt đầu triển khai, dự án Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Trong hơn ba năm qua, đã có hơn 570 tấn rác thải nhựa được thu gom và quản lý hiệu quả, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ các dòng sông, vùng đất ngập nước và hệ sinh thái ven biển. Đặc biệt, chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đã được triển khai trên toàn địa bàn 36 phường, xã của thành phố Huế với sự trang bị 295 điểm thùng chứa rác sau phân loại. Gần 26.000 hộ gia đình đã được tuyên truyền về phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa, cùng với 742 tuyên truyền viên tham gia thực hiện hơn 68.000 lượt thăm hộ.


Những kết quả hoạt động của Dự án giai đoạn 2021 – 2024 đầy ấn tượng trong phần báo cáo của Bà Hoàng Ngọc Tường Vân – Giám đốc Dự án TVA tại Huế 

Bên cạnh đó, mô hình "Trường học giảm nhựa" đã lan tỏa đến 51 trường tiểu học và trung học cơ sở, thu hút sự tham gia của hơn 155.000 giáo viên và học sinh. Dự án cũng ghi nhận sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Đến nay, 41 đơn vị, bao gồm khách sạn, công ty lữ hành và nhà hàng, đã cam kết triển khai các hoạt động giảm thiểu nhựa. Thành phố còn xây dựng thành công điểm đến du lịch giảm nhựa cộng đồng tại Thủy Biều với sự tham gia của 16 cơ sở địa phương. Ngoài ra, 9 trạm nhà chờ và máy cấp nước miễn phí cũng đã được lắp đặt tại các điểm du lịch nhằm khuyến khích người dân và du khách giảm sử dụng nhựa dùng một lần. Đặc biệt, dự án đã áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý chất thải với sự phối hợp cùng Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hình ảnh từ camera giám sát giúp nhận diện rác thải đổ không đúng quy định. Ngoài ra, ứng dụng Hue-S đã được cập nhật thêm các tính năng mới như “Tìm kiếm điểm lưu chứa rác đã phân loại” và “Hướng dẫn du lịch giảm nhựa” để hỗ trợ người dân và du khách. 


Ông Nguyễn Văn Trai – Chủ tịch UBND xã Phú Mậu chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa thất thoát ra môi trường tại trên địa bàn xã


 
Cô Lê Thị Thu Hằng – Phó Hiệu trưởng trường THCS Phú Thượng chia sẻ về “Mô hình trường học giảm nhựa” đã triển khai từ tháng 10/2023 - 5/2024

Hội nghị cũng được lắng nghe báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa của ngành du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2024, nhấn mạnh nỗ lực tuyên truyền, tập huấn, và cam kết từ các khách sạn, công ty lữ hành trong việc thay đổi hành vi sử dụng nhựa dùng một lần; đồng thời giới thiệu các tour du lịch không sử dụng nhựa nhằm hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững và bao trùm. Các hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn góp phần xây dựng hình ảnh Huế là điểm đến du lịch sạch, thân thiện với môi trường trong khu vực.


Ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở du lịch báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa của ngành du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2024

Chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về những thách thức và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án. Những mô hình thành công và sáng kiến giảm nhựa được xem xét để mở rộng quy mô áp dụng cho các tỉnh thành lân cận.


Ông Trần Song, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố - Giám đốc BQL Dự án TVA Huế đánh giá cao những nỗ lực của dự án và khẳng định thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Phát biểu kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy – Giám đốc dự án chương trình giảm nhựa tại Việt Nam chia sẻ: “Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, sự tham gia nhiệt tình của các đối tác, người dân trên địa bàn và sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của người dân Na Uy, dự án đã triển khai thành công các can thiệp và sáng kiến giảm nhựa, vượt mức mong đợi so với chỉ tiêu đề ra của Chương trình Giảm nhựa. Thông qua những thành tựu ban đầu đã thực hiện, dự án kỳ vọng thành phố Huế sẽ tiếp nối để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động trong thời gian tới, hướng đến xây dựng Huế là một đô thị giảm nhựa tiêu biểu ở miền Trung Việt Nam, là hình mẫu để các thành phố khác học tập và phát triển.”

 
Bà Lê Thị Thanh Thủy Bà Lê Thị Thanh Thủy chia sẻ kết quả các hoạt động kỹ thuật của Dự án.

Buổi hội thảo khép lại với nghi thức trao kỷ niệm chương cho các đối tác đã đồng hành cùng dự án trong suốt ba năm qua. Đây là lời tri ân dành cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, góp phần xây dựng một thành phố Huế xanh - sạch - đẹp hơn. Hội thảo đã mở ra một chương mới với những kế hoạch và chiến lược cụ thể, hứa hẹn mang lại sự thay đổi tích cực cho môi trường sống của cộng đồng.

 


Đại diện lãnh đạo tỉnh và khách mời trao kỷ niệm chương cho các đối tác dự án nhằm ghi nhận sự đóng góp tích cực trong suốt giai đoạn 2021-2024.

Một số hình ảnh Khám phá Huế ghi nhận thêm tại Hội thảo:

 
Các đại biểu thảo luận về kế hoạch mở rộng dự án giảm nhựa năm 2025.


Đại biểu và khách mời tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm.

Tin, bài: Thanh Thi - Ảnh: Khám phá Huế tổng hợp
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>