menu_open
Huyền Không Sơn Thượng - Ngôi chùa đẹp tịnh yên của Huế ẩn mình giữa non xanh
Xem cỡ chữ:
Đến Huyền Không Sơn Thượng, giữa đất trời bao la, được trải lòng mình ra với thiên nhiên dân dã, để sống thật với chính mình, gạt bỏ những âu lo, muộn phiền thường nhật cũng là một cơ hội không nên bỏ qua trong cuộc đời.

Chùa Huyền Không Sơn Thượng thuộc hệ phái Nam Tông, tọa lạc tại lưng chừng núi ở thôn Chầm, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, Thành phố Huế. Với khu rừng thông xanh mướt bao quan, cắt ngang là con suối nhỏ nở đầy bông súng, xung quanh chùa có nhiều cây phong lan, cây sứ và những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã thu hút du khách thập phương đến tham quan, lễ bái.

Tượng Phật nằm ở chùa Huyền Không Sơn Thượng. - Ảnh: phatgiao.org.vn

Đặt chân đến ngôi chùa cổ kính này bạn không khỏi ngạc nhiên trước sự vắng vẻ, tĩnh lặng đúng chất chùa chiền cổ. Nằm ở độ cao 300m so với mực nước biển, nhờ cây rừng bạt ngàn cùng hồ nước bao quanh nên chùa Huyền Không Sơn Thượng có không khí trong lành, dễ chịu đến lạ kì. Huyền Không Sơn Thượng nổi tiếng với vẻ đẹp trầm mặc, nhuốm màu thời gian  nằm ẩn sâu trong thung lũng, được bao quanh bởi những triền đồi và nằm giữa rừng thông bạt ngàn gọi là Vạn Tùng Sơn, cắt ngang là con suối nhỏ nở đầy bông súng. Đến với Huyền Không Sơn Thượng, thưởng khách sẽ cảm thấy tâm hồn được thư thái, thanh tịnh, quên đi mọi âu lo trong cuộc sống thường nhật.

Chiếc cầu bắc ngang hồ hoa súng xanh mướt - Ảnh: Thanhlyly Flycam

Cũng giống những ngôi chùa trăm năm ở đất cố đố, Huyền Không Sơn Thượng cũng mang trong mình trầm tích theo thời gian. Khung cảnh núi non bao quanh lấy ngôi chùa tạo nên một không khí linh thiêng, cổ kính hiếm nơi đâu có được. Theo như tìm hiểu, chùa được sáng lập bởi ngài Viên Minh và chư huynh đệ là Sư Trí thâm, Sư Tấn Căn, Sư Tịnh Pháp. Tuy nhiên, vào năm 1976, ngài Viên Minh vào làm Tổng thư ký tại chùa Kỳ Viên nên đã đề cử thượng tọa Giới Đức giữ chức trụ trì chùa Huyền Không.

Đến năm 1978, chùa được di dời từ Hải Vân, Lăng Cô về thôn Nham Biểu, xã Hương Hồ. Sau 10 năm tọa lạc tại đây, sư Giới Đức đã thiết kế chùa mang đậm chất thiền, gần gũi với thiên nhiên. Là chốn đến an nhiên của rất nhiều lữ khách muốn tránh xa muộn phiền.  Đến năm 1992, Thượng tọa chính thức vào ở trong núi Hòn Vượn, giao lại chùa Huyền Không Sơn Thượng cho đại đức Pháp Tông làm trụ trì. Trải qua theo thời gian, hình ảnh ngôi chùa đẹp như ngày nay là do bàn tay và sự sáng tạo của đại đức Pháp Tông.

Được biết, chùa thuộc hệ phái Nam Tông. Xây dựng từ năm 1989, nhờ công xây dựng của các tăng ni, phật tử, từ một vùng đồi hoang sơ, khô cằn nơi đây trở thành chốn tâm linh của những người muốn cầu mong sự an vui, bình yên trong cuộc sống. Chùa có diện tích khoảng 10.000m2, được quy hoạch gồm 2 khu vực chính là Ngoại Viện và Nội Viện. Trong đó, Ngoại Viện là nơi tổ chức các nghi lễ thờ cúng, sinh hoạt của Phật Giáo, còn Nội Viện được dành cho sự tĩnh tu của các tăng ni, phật tử.

Ai đó đã từng ví, ngôi chùa đẹp như một bức tranh thủy mặc. Không gian yêu tĩnh, bạn chỉ có thể nghe thứ âm thanh duy nhất phát ra từ tiếng côn trùng kêu lao xao, tiếng chim hót líu lo hay tiếng lá cây xì xào trong gió thổi. Chùa Huyền Không Sơn Thượng bao gồm Ngoại viện và Nội viện. Trong đó, Nội viện được dành hoàn toàn cho sự tĩnh tu, thì Ngoại viện là nơi sinh hoạt, thờ cúng và thăm quan.

Các công trình ở Ngoại viện được bố trí hoài hòa với trung tâm là Chính điện. Nơi đây là địa điểm thờ cúng. Chính điện có diện tích 150m2, được trang trí rất tỉ mỉ, và chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni. Hầu hết các Phật tử, lữ khách đều đến đây để chiêm bái.

Hầu hết các công trình kiến trúc tại chùa đều sử dụng vật liệu gỗ là chính, với thiết kế đơn giản, hài hòa với thiên nhiên. Khám phá Chánh điện, bạn sẽ thấy nét kiến trúc mượn cốt một ngôi nhà rường Huế. Với vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, lợp ngói vảy cá – mang dáng dấp hồn Huế và hồn Việt.

Không gian uy nghi, trang nghiêm nơi cửa Phật

Cái hay của chùa chính là là sự đơn giản và mộc mạc khiến du khách cảm thấy rất dễ chịu khi đến. Bạn đến đây có thể đi dạo quanh khuôn viên chùa, thắp hương, hay hòa mình vào nhịp sống bình dị của các nhà sư. Đó là sự trải nghiệm độc đáo, giúp bạn nhẹ nhõm và thanh thản hơn, quên hết mọi âu lo muộn phiền.

Cuộc sống bình dị của các nhà sư 

Điều ấn tượng là Huyền Không Sơn Thượng còn có cả một vườn thư pháp. Các sư trụ trì thường đến đây để nghiên cứu thư pháp, viết sách, làm thơ.  Những tác phẩm được trình bày cẩn thận trên tre, đá gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về đạo lý làm người, tu dưỡng đức tính, những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Huyền Không Sơn Thượng còn có cả một vườn thư pháp

Thưởng khách có thể đến chùa vào bất cứ ngày nào trong tuần. Nếu bạn muốn bắt trọn khung cảnh huyền ảo của chùa và ngắm nhìn cảnh vật xung quanh thì hãy đến chùa vào buổi sáng sớm nhé! Lúc này, những giọt sương vẫn còn vương đọng, mang đến không gian mở ảo như chốn “bồng lai tiên cảnh”, đúng chất đi đến sự vắng lặng vậy. Chắc hẳn bạn sẽ rất thích thú khung cảnh nơi đây.

Khung cảnh tĩnh yên, mờ ảo của Chùa lẩn trong sương sớm

Chùa Huyền Không Sơn Thượng, điểm đến an nhiên, thiền tịnh bạn không thể không đến khi đi du lịch Huế. Nếu bạn là một tín đồ yêu thích sự nét đẹp cổ kính, luôn muốn khám phá những công trình kiến trúc nhuốm màu thời gian, đặc biệt là am hiểu về Phật Giáo thì đừng bỏ qua ngôi chùa này. Còn với những du khách muốn “đi tìm sự vắng lặng”, cân bằng lại cuộc sống thì chùa Huyền Không Sơn Thượng sẽ là địa chỉ lý tưởng trong chuyến hành trình tìm về chốn tịnh yên.

Không gian yên tĩnh, thanh mát khiến tâm hồn người trở nên thư thái khi viếng cảnh Chùa

** Note lại một số lưu ý khi thăm quan chùa Huyền Không

- Đây chốn tu hành, thiện tịnh, vì vậy, bạn tuyệt đối không được làm ồn. Đồng thời, đừng làm gì gây hại đến cảnh quan và không gian của chùa.

- Trong chùa, có một số khu vực không được vào hoặc hạn chế người viếng thăm. Do đó, bạn cần chú ý để không vi phạm nội quy của chùa.

- Khi vào chùa, bạn hãy mặc quần áo lịch sự, kín đáo, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, quần soóc, váy ngắn, …

Thưởng khách cần giữ trật tự và tôn trọng cảnh quang của Chùa khi viếng thăm - Ảnh: Phatgiao.org.vn

Địa chỉ: Thôn Đồng Chầm (Hòn Vượn), phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Huế.

Vì chùa nằm khá xa trung tâm thành phố, đường sá đi lại khá khúc khuỷu. Vì vậy, du khách nên lựa chọn cho mình những phương tiện phù hợp. Nếu bạn là người có tay lái chắc chắn, khỏe mạnh lại đam mê phượt thì hãy chọn xe máy. Ngược lại, nếu bạn đi theo đoàn thì nên di chuyển bằng ô tô để đảm bảo an toàn cho chuyến hành trình. Lấy trung tâm thành phố Huế là điểm xuất phát, du khách đi đến đường Kim Long, qua chùa Thiên Mụ. Sau đó, bạn đi thẳng đến hết đường Văn Thánh. Qua cầu Xước Dũ, bạn đi thêm 1km nữa là đến thôn Chầm. Tiếp tục chuyến hành trình thêm 500m du khách sẽ thấy cổng làng Văn hóa thôn Chầm. Qua cổng này, đi thẳng 250m, bên phải có một tấm biển chỉ đường, du khách chỉ cần đi theo sự chỉ dẫn của bảng là đến được chùa Huyền Không Sơn Thượng nhé!

Nguồn tham khảo: 

- Fanpage: Chùa Huyền Không Sơn Thượng

- Website du lịch: https://halotravel.vn/

- Cùng một số nguồn ảnh khác...

Khám phá Huế xin giới thiệu đến bạn đọc toàn cảnh Chùa và một số nếp sinh hoạt của các nhà sư Huyền Không Sơn Thượng :

Khám phá Huế tổng hợp
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>