menu_open
Không thừa nhận việc Đan viện Thiên An đòi hơn 107 ha đất và rừng thông
Xem cỡ chữ:
Dù đã có quyết định của Tổng Thanh tra Nhà nước về xác định nguồn gốc hơn 107 ha đất và rừng thông đồi Thiên An ở xã Thủy Bằng (Hương Thủy) nhưng Đan viện Thiên An (ĐVTA) cho rằng đó là đất của mình. Từ đó, đan viện nhiều lần tự ý xây dựng, lấn chiếm trái phép, sử dụng sai mục đích nhiều diện tích đất ở đồi Thiên An do Nhà nước quản lý.

>> Thấy gì qua vụ phá rừng, chiếm đất tại Thiên An

  

Tuyến đường dân sinh và phòng, chống cháy rừng ở khu vực Thiên An bị Đan viện Thiên An đào, múc đã được người dân san lấp
 
Sự việc trở nên “nóng” khi ĐVTA khiếu nại Nhà nước thu hồi 495.929m2 đất tại xã Thủy Bằng giao cho Công ty Du lịch Cố đô Huế thuê thời hạn 40 năm để xây dựng Trung tâm vui chơi giải trí đồi Thiên An – hồ Thủy Tiên theo Quyết định 1230/QĐ-TTg, ngày 24/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ.

Phía ĐVTA cho rằng, diện tích đất Nhà nước thu hồi là một phần trong tổng số hơn 107 ha đất rừng thông đồi Thiên An là của Đan viện và có đủ giấy tờ để chứng minh chủ sở hữu, sử dụng đất này từ năm 1940 đến nay. “Chúng tôi đã mua từng lô đất nhỏ bắt đầu từ năm 1940 đến năm 1959 với tổng thể hơn 107 ha và chúng tôi đã làm tờ trích lục đất. Đến năm 1995, Nhà nước đo vẽ lại rồi cho rằng đất của Nhà nước”, Đan sĩ Cao Đức Lợi (người của ĐVTA) đưa ra lý do. 

Đan sĩ Cao Đức Lợi và Đan sĩ Võ Văn Giáo (tự giới thiệu là linh mục) cho rằng, ĐVTA căn cứ vào tờ sao bản đồ do Ty Điền địa Thừa Thiên cấp ngày 17/5/1969, với tổng diện tích hơn 107 ha.

Các giấy tờ liên quan đến diện tích hơn 107 ha đất mà phía ĐVTA đưa ra để chứng minh là phần đất của mình hầu hết đều là bản photo.

 

Xe cơ giới được ĐVTA đưa đến để san ủi đất ở khu vực đồi thông
 
Tuy nhiên, Quyết định số 577/QĐ-XKT, ngày 6/6/2002 của Tổng Thanh tra Nhà nước về việc giải quyết khiếu nại của ĐVTA khẳng định: Các chứng cứ (photo) từ năm 1975 trở về trước về nguồn gốc hơn 107 ha đất rừng thông mà ĐVTA cho là của đan viện chỉ thể hiện 72,354 ha, còn 35,3255 ha không có căn cứ pháp lý để chứng minh là diện tích mà ĐVTA đã từng quản lý, sử dụng.

Toàn bộ diện tích rừng thông đồi Thiên An và đất rừng sau giải phóng Nhà nước quản lý giao cho Lâm trường Tiền Phong (hiện là Công ty TNHH Lâm trường Tiền Phong) quản lý, khai thác và sử dụng diện tích đất tự nhiên là 18.093 ha từ đó đến nay. Theo bản đồ 299 đo đạc năm 1984, Trường Quân sự tỉnh trực tiếp quản lý, sử dụng tổng diện tích 46.950m2; Xí nghiệp nuôi cá Huế trực tiếp quản lý, sử dụng 47.961m2 đất và mặt nước ao hồ Thủy Tiên.

Theo quan điểm của Ths. Luật sư Nguyễn Văn Phước – Văn phòng Luật sư Huế, những văn bản photo xác định nguồn gốc đất do ĐVTA sở hữu trước năm 1975 là không có giá trị pháp lý. Theo Hiến pháp và Luật Đất đai 2013 khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Mọi tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Ngày 5/3/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có Nghị định số 01/NĐ-75 nêu rõ về chính sách ruộng đất; Quyết định số 31/QĐ-76 về việc quản lý sử dụng ruộng đất, tiếp đến là Quyết định số 188/CP ngày 25/9/1976 quy định về chính sách xóa bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân phong kiến ở miền Nam Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước có Hiến pháp năm 1980, 1992, 2013, Luật Đất đai năm 1988, 1993, 2003,  2013 và các văn bản pháp luật khác về đất đai của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất cả các văn bản trên đều quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý.

Từ những căn cứ được xác định, Quyết định số 577/QĐ-XKT, ngày 6/6/2002 của Tổng Thanh tra Nhà nước khẳng định: “Nhà nước không thừa nhận việc ĐVTA đòi quyền sở hữu sử dụng hơn 107 ha đất và rừng thông tại đồi Thiên An, xã Thủy Bằng”.

Về một số việc làm sai trái của ĐVTA liên quan đến việc xây dựng nhiều công trình không phép, lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý, ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy cho biết: “Chúng tôi đã làm việc nhiều lần với ĐVTA. Họ có nhu cầu gì thì cứ làm đơn trình bày. Nếu yêu cầu đó chính đáng thì  chính quyền sẵn sàng giải quyết, nhưng họ không làm. Họ cho rằng, đất của họ nên họ muốn làm gì thì làm. Chính quyền cũng đã gặp đại diện ĐVTA để trao đổi, trong lúc chờ đợi kết luận của Chính phủ về giải quyết đất đai ở ĐVTA thì không được xây dựng trái phép, nhưng cuối cùng họ vẫn làm. Quan điểm của thị xã là cương quyết xử lý những sai phạm ở ĐVTA theo đúng quy định của pháp luật”. 

Ông Nguyễn Đắc Tập cũng khẳng định: “Những nội dung tại Quyết định số 577/QĐ-XKT ngày 6/6/2002 của Tổng Thanh tra Nhà nước là cơ sở pháp lý quan trọng để lãnh đạo chính quyền địa phương, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, xem xét, giải quyết và xử lý vụ việc hiện nay ở ĐVTA”.

Không ai được đứng ngoài vòng pháp luật

Vụ việc liên quan đến Đan viện Thiên An (ĐVTA) những ngày qua khiến nhiều người dân ở Huế quan tâm, suy nghĩ. Một “Đà Lạt trên đất Huế” mà người dân nơi đây luôn tự hào đã bị ĐVTA làm thay đổi nguyên trạng bởi việc chặt phá rất nhiều cây thông, xây dựng các công trình không phép, sai mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất Nhà nước quản lý, phá đường dân sinh. Nhiều người dân ở 2 thôn Kim Sơn – Cư Chánh (xã Thủy Bằng, TX. Hương Thủy) không khỏi bức xúc và đã phản ứng những việc làm không đúng của ĐVTA. Chính quyền xã Thủy Bằng và người dân mong muốn một cuộc đối thoại để vấn đề được tháo gỡ nhưng tiếc rằng phía ĐVTA không hợp tác, thậm chí họ còn thả chó dữ ra để đuổi dân. Hơn 50 lần chính quyền địa phương và các ngành chức năng lập biên bản về những sai phạm của ĐVTA, nhưng hầu hết đại diện ĐVTA không ký và còn tỏ thái độ thiếu hợp tác.

Còn nhớ, dịp lễ Giáng sinh hàng năm, khi đến thăm, chúc mừng các vị chức sắc trong Tòa Tổng Giám mục Huế, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh và các huyện, thị, TP. Huế luôn khẳng định những thành tựu kinh tế-xã hội mà tỉnh đạt được có sự đóng góp không nhỏ của các vị chức sắc và bà con giáo dân trong việc phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc. Trong lễ Giáng sinh năm 2016 vừa qua, Tòa Tổng Giám mục Huế cũng bày tỏ niềm phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã luôn tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào công giáo sinh hoạt tín ngưỡng. Đồng thời, hứa sẽ tiếp tục vận động bà con giáo dân thực hiện tốt trách nhiệm của người công dân, kính Chúa yêu nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cùng chung tay xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

sự việc tại ĐVTA khiến không ít người buồn lòng. Không chỉ người dân không theo đạo, ngay cả những giáo dân cũng tỏ ra bức xúc. Thậm chí có giáo dân nói thẳng rằng, họ từng rất gắn bó với ĐVTA nhưng kể từ những vụ việc vừa qua họ sẽ không đến đó nữa.

Để sự việc không phức tạp thêm, không còn cách nào khác là đối thoại và giải quyết những vướng mắc thông qua đối thoại. Và trong thời điểm hiện tại, khi chưa có văn bản pháp lý nào khác, thì hơn 107ha đất và rừng thông tại đồi Thiên An mà ĐVTA đòi quyền sở hữu sử dụng nhưng không được Nhà nước công nhận phải thực hiện theo Quyết định số 577/QĐ-XKT ngày 6/6/2002 của Tổng Thanh tra Nhà nước.

BT


Bài, ảnh: Tâm Anh