menu_open
Vụ bia mộ nghi của vợ vua triều Nguyễn bị đào xới: Truy tố tội xâm phạm mồ mả?
Xem cỡ chữ:
"Nếu biết nơi đây có mộ cổ mà đơn vị thi công vẫn san ủi thì sai hoàn toàn về cả mặt pháp luật lẫn đạo lý, có thể truy tố được”, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết.

>> Vụ phát hiện tấm bia đá vợ vua Nguyễn: Chưa bàn giao mặt bằng cho dự án bãi xe

>> Từ chuyện 'ủi bay mộ vợ vua'

>> Sẽ tìm phương án tối ưu đối với bia mộ tài nhân họ Lê

 

  

Tổng thể Dự án Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh ở phường Thủy Xuân, TP Huế.

 Sự việc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp Hội đồng trị sự dòng tộc Nguyễn Phước đào bới và đã tìm thấy tấm bia khắc chữ “Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị, Thụy Thục Thuận Chi Mộ” cùng gạch nền móng nghi là vết tích sót lại sau khi đơn vị thi công đã tự ý đập phá ngôi mộ của vợ một vị vua triều Nguyễn để làm dự án bãi đỗ xe ở phường Thủy Xuân, TP Huế (Báo SGGP đã thông tin), dư luận cho rằng, đây hành vi xâm hại mồ mả cần phải nghiêm khắc xử lý.

Truy tố tội xâm phạm mồ mả?
 
Liên quan đến sự việc, PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, ngay sau khi có thông tin phản ánh, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Hội đồng Trị sự dòng tộc Nguyễn Phước đã lập tức yêu cầu phía chủ đầu tư dừng thi công để tiến hành tìm kiếm là việc làm đúng và cần thiết.

Khi tìm thấy tấm bia mộ tại khu vực này, các cơ quan chức năng trong đó có Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Thanh tra Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế có mặt lập biên bản, ghi nhận sự việc là có trách nhiệm và kịp thời.

“Nếu trước đây đúng là tồn tại một ngôi mộ cổ mà Ban Giải phóng mặt bằng đã di dời thì cần phải đưa ra những bằng chứng về hồ sơ di dời: khi nào, chôn cất ở đâu. Còn nếu biết nơi đây có mộ cổ mà đơn vị thi công vẫn san ủi thì sai hoàn toàn về cả mặt pháp luật lẫn đạo lý, có thể truy tố được”, PGS.TS Đỗ Bang nói.

 

Tấm bia cổ khắc chữ “Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị, Thụy Thục Thuận Chi Mộ” tìm thấy dưới lớp đất bị san ủi làm dự án bãi đỗ xe
 
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, luật sư Võ Công Hạnh (Công ty Luật Công Khánh, Đoàn Luật sư Thừa Thiên - Huế) cho rằng, nếu đây là hành vi xâm phạm mồ mả, hành vi đó phải thể hiện một cách cụ thể rõ ràng, ít nhất cũng bằng tư liệu hình ảnh.
 
Theo đó, cần xác định rõ ngôi mộ tại khu vực triển khai Dự án Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh ở phường Thủy Xuân, TP Huế trước đó có nhìn thấy bằng trực quan hay không? Bằng chứng phía đơn vị thi công biết mà vẫn tự ý san ủi?
 
Nếu thực sự vị trí đó là nơi chôn cất thi hài bà Tài Nhân họ Lê, thụy là Thục Thuận (tức vợ một vị vua triều Nguyễn) thì đó là hành vi cấu thành tội xâm phạm mồ mả theo Điều 245, Bộ luật hình sự 1999; sửa đổi, bổ sung 2009 quy định.
 
Trường hợp chỉ mang tính chất khảo cổ hay nghi vấn thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm mồ mả. Tuy nhiên, tấm bia, nền móng, tường thành… tìm thấy tại khu vực triển khai Dự án Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, nghi liên quan đến ngôi mộ của bà phi Tài Nhân họ Lê vẫn được xem là những chỉ dấu cho thấy đó là hành vi xâm phạm mồ mả nên phía cơ quan công an cần sớm điều tra làm rõ.

Chưa bàn giao mặt bằng đã thi công
 
Nhiều người cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng, kiểm kê mồ mả chưa thấu đáo đã bàn giao cho chủ đầu tư nên mới xảy ra tình trạng ngôi mộ nói trên bị đơn vị thi công san ủi?

Đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế, đơn vị được giao thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án, khẳng định chưa bàn giao mặt bằng tổng thể cho chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Chuỗi giá trị.

Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế, do còn 6 hộ nằm trong dự án nhưng chủ đầu tư chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng nên đơn vị chưa bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp. 

 

Chưa được bàn giao mặt bằng tổng thể nhưng dự án bãi đỗ xe vẫn triển khai thi công
 
Về quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời mồ mả, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành họp dân, kiểm kê mồ mả, sau đó niêm yết công khai thông tin ở UBND phường Thuỷ Xuân, tại khu vực triển khai dự án và trên một số phương tiện thông tin đại chúng.
 
“Tuy nhiên, rất tiếc, qua hai lần kiểm kê, chúng tôi không phát hiện ngôi mộ cổ như báo chí phản ánh. Nếu không, đơn vị đã lập danh sách, gửi các cơ quan liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn gốc, chủ ngôi mộ….”.
 
Cũng theo ông Tuấn, sau lần kiểm kê thứ nhất, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế đã thông báo cho người thân những ngôi mộ có chủ để di dời. Theo đó, toàn bộ khu vực dự án có 42 ngôi mộ cần di dời.
 
Đến lần kiểm kê thứ hai, còn một số ngôi mộ vô chủ, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế tiếp tục tiến hành kiểm kê có sự tham gia của chính quyền và chủ đầu tư. Quá thời hạn niêm yết thông tin công khai nhưng không ai đến di dời, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế đã phối hợp với một số đơn vị liên quan di dời theo đúng quy định. Từ đó đến nay, chưa xảy ra khiếu kiện, khiếu nại gì về vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Văn Lành (trái) làm việc với các cơ quan báo chí ngày 26-6
 
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lành, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế, là người cùng với ông Tuấn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở khu đất thực hiện dự án bãi đỗ xe cho rằng, dù quá trình kiểm kê, di dời mồ mả trên đất hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư để triển khai dự án, song trong quá trình thi công, nếu phát hiện có dấu tích, vết tích lạ, nghi là lăng mộ dù là người dân bình thường thì đơn vị thi công cũng phải ngừng thi công để phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan giải quyết. Đây không chỉ nguyên tắc mà còn là đạo đức, đạo lý. 

Theo một số nhà nghiên cứu, về nguyên tắc của Luật Di sản phải dừng xây dựng công trình bãi đỗ xe khách gần lăng vua Tự Đức để tiến hành khảo cổ. Bên canh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần sớm rà soát và xây dựng bản đồ quy hoạch khảo cổ ngay để bảo tồn di sản.
 
VĂN THẮNG