menu_open
Lầu Tứ Phương Vô Sự điểm đến văn hóa của di sản cố đô Huế
Xem cỡ chữ:
Huế, nơi bảo lưu được tương đối nguyên vẹn diện mạo của kinh đô thời quân chủ. Với nét đặc trưng cổ kính và thơ mộng, Huế mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật đang tồn tại bao gồm: Nhã nhạc, đền đài, lăng tẩm… và dáng dấp của Huế càng được tô vẽ hơn khi Lầu Tứ Phương Vô Sự được đưa vào hoạt động trở lại để làm điểm dừng chân cho du khách thập phương sau một thời gian đóng cửa.

Lầu Tứ Phương Vô Sự (mang ý nghĩa bốn phương bình yên) được xây dựng năm 1923 dưới triều vua Khải Định (1916-1925). Đây là công trình nhà vua cho xây dựng để chuẩn bị cho lễ mừng thọ “Tứ tuần đại khánh tiết” của mình. Lầu được xây trên vị trí một ngôi đình mang tên Tứ Thông, dựng vào năm 1804 đời Vua Gia Long (1802 – 1820) với chức năng là điếm canh của cấm quân ứng trực, bảo vệ Hoàng thành. Sau khi được xây dựng, lầu Tứ Phương Vô Sự trở thành nơi nhà vua và hoàng gia hóng mát, ngắm cảnh, cũng là nơi vui chơi, học tập hàng ngày của các hoàng tử và công chúa giai đoạn cuối triều Nguyễn.    

Tứ Phương Vô Sự lâu, là một tòa lầu 2 tầng được xây dựng theo kiểu kiến trúc thuộc địa. Đứng trên tầng hai của lầu Tứ Phương Vô Sự, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả mặt bắc Hoàng thành, quan sát cuộc sống thanh bình của người dân Thành Nội Huế. Quay lưng lại, sẽ ngắm được khung cảnh tuyệt vời của mặt nước, cây xanh và những công trình kiến trúc nhấp nhô trong Hoàng cung. Đây cũng là điểm ngắm đẹp nhất của Hoàng thành Huế. Tương truyền, ngày xưa khi đứng ở vị trí này Hoàng đế Thiệu Trị đã thưởng ngoạn toàn bộ Hoàng cung của mình để rồi cảm tác chùm thơ “Cung trung thập cảnh” (Mười cảnh trong cung). Chùm thơ này đã được Nội Các vẽ tranh minh họa khắc kèm từng bài thơ trên mộc bản, rồi gửi qua tận Trung Quốc để nhờ vẽ trên tranh gương… Đến nay, Huế vẫn giữ được một phần của bộ tranh vô giá này.

Không gian văn hóa Lầu Tứ Phương Vô Sự được đưa vào hoạt động sẽ giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch trong quần thể di tích Cố đô Huế, góp phần quảng bá những nét đẹp độc đáo của cố đô xưa. Đồng thời, nơi đây cũng khơi dậy lòng đam mê, tinh thần biết gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cung đình của người dân xứ Huế, tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách trong và ngoài nước khi đến với mảnh đất này.

Trọng Bình
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>