menu_open
Minh Khiêm Đường một nhà hát độc đáo ở lăng Tự Đức
Xem cỡ chữ:
Nhà hát cổ Minh Khiêm Đường - Ảnh: Internet
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử sân khấu, Minh Khiêm Đường là nhà hát xưa nhất của Việt Nam hiện còn, tương đối đầy đủ hình dạng và các đường nét chủ yếu của nguyên bản.
Nhà hát cổ Minh Khiêm Đường - Ảnh: Internet

Một điều gây ngạc nhiên và thú vị đối với các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật và các du khách nội địa cũng như quốc tế, nhất là đối với người phương Tây, là trong một khu lăng tẩm của Huế, chỗ chôn một ông vua đã chết, lại có một nhà hát để diễn tuồng cho vua xem, trình tấu ca múa và âm nhạc cho vua thưởng thức. Đó là nhà hát Minh Khiêm Đường trong lăng Tự Đức. Nhà hát này là một công trình kiến trúc mang giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Nó là một trong những biểu hiện cụ thể nhất của chủ đề tư tưởng và triết lý kiến trúc lăng tẩm Huế: đây là cuộc sống của những người đã chết, và là nơi sống gửi thác về (sinh ký tử quy). Nhờ xây dựng theo tư tưởng chủ đạo ấy mà lăng lẩm các vua nhà Nguyễn được xếp vào kỳ quan của thế giới vào năm 1957 (Les merveilles du Monde, Hachette, Paris, trang 227).

Riêng lăng Tự Đức đã được xây dựng trong 3 năm, từ 1864 đến 1867, khi vua đang tại vị. Ở đó có khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, nhưng nhìn một cách khái quát, có thể phân chia mặt bằng kiến trúc ra làm hai khu vực: Lăng mộ ở bên trái và tẩm điện ở bên phải. Lúc sinh thời, nhà vua đã đặt tên cho khu vực tẩm điện ấy là Khiêm Cung mà cửa chính nó là Khiêm Cung Môn. Ngoài hệ thống Hoàng cung ở Đại Nội, Khiêm cung có thể được xem là hệ thống Hoàng cung thứ hai mà vua Tự Đức đã dùng để thỉnh thoảng lên đây nghỉ ngơi tiêu khiển. Thể chất nhà vua vốn bạc nhược, năng đau ốm, và tinh thần lại thường căng thẳng vì việc nhà lẫn việc nước. Một nhà nghiên cứu trước đây đã từng viết: "Trong lúc việc nước rối ren, tâm trí mệt mỏi, vua muốn có một nơi để thỉnh thoảng xa lánh cảnh triều nghi, lên đó đi dưỡng tinh thần" (Bửu Kế, Lăng Tự Đức, Tạp chí Đại học, Huế, số 31, tháng 2-1963, trang 130).

Trong khu vực giải trí đó của nhà vua, có khoảng vài chục công trình kiến trúc, bao gồm cung điện, nhà cửa, đình tạ, hồ, đảo... và đặc biệt nhất là nhà hát Minh Khiêm Đường.

Nhà hát này được xây đựng vào đầu năm 1865. Trên tấm hoành phi bằng gỗ khá lớn được chạm trổ và sơn son thếp vàng, hiện nay còn treo tại chỗ (trong nhà hát), ngoài ba chữ lớn "Minh Khiêm Đường" còn có một lạc khoản bên trái ghi rõ thời điểm xây dựng ấy: "Tự Đức thập nhất niên thập nhị nguyệt cát nhật tạo" (Xây dựng vào ngày tốt tháng 12 năm Tự Đức thứ 17), tức là tháng 1-1865.

Sau khi Khiêm Cung được xây dựng xong (1867), vua Tự Đức còn sống thêm 16 năm nữa (đến năm 1883) và thỉnh thoảng lên đây hưởng thú thanh nhàn, trong đó có cái thú xem biểu diễn nghệ thuật sân khấu, nhất là nghệ thuật hát bội, ở nhà hát Minh Khiêm Đường.

Nhìn lại lịch sử sân khấu Việt Nam, bộ môn hát bội đã đạt đến chỗ cực thịnh dưới triều Nguyễn (1802- 1945). Từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, triều đình Huế đã thành lập những đội ca, nhạc, múa, diễn tuồng càng ngày càng đông đảo và tổ chức có quy củ. Vua Gia Long đã cho dựng nhà hát Thông Minh Đường trong phạm vi Cung Diên Thọ để bà Hoàng Thái Hậu thưởng thức nghệ thuật sân khấu. Vua Minh Mạng cho xây Duyệt Thị Đường để vua cùng gia đình và triều đình đến coi diễn tuồng. Vua Thiệu Trị cho dựng thêm nhà hát Tịnh Quan Đường trong phạm vi Cung Khôn Thái dành cho vua và các bà nội cung xem hát. Vua Tự Đức cho xây Minh Khiêm Đường và Khiêm Cung như đã nói trên. Và vua Khải Định cho xây nhà hát Cửu Tư Đài theo lối tân kỳ tại cung An Định.

Hiện nay các nhà hát Thông Minh Đường, Tịnh Quan Đường và Cửu Tư Đài đều đã điêu tàn, mai một. Duyệt Thị Đường đã bị biến tướng từ khi dùng làm Trường Âm nhạc cách đây hơn 30 năm. Chỉ có Minh Khiêm Đường là nhà hát còn được tương đối nguyên vẹn. Đó là một điều rất quý đối với các nhà nghiên cứu nghệ thuật sân khấu.

Nghệ thuật tuồng triều Nguyễn đã đạt đến đỉnh cao của nó dưới thời Tự Đức (1848-1883). Vua Tự Đức là một nhà văn hóa hơn là một nhà chính trị. Ông có kiến thức rộng về lịch sử, văn học và nghệ thuật. Bấy giờ, Huế là trung tâm nghệ thuật tuồng lớn nhất trong nước. Nhà vua đã cùng với các danh nho trong triều biên soạn, chỉnh lý tuồng hát và quy tụ được khoảng 300 đào kép hát về kinh đô để trổ tài diễn xuất. Nhà hát tuồng nổi tiếng nhất của Việt Nam trong mấy năm này là Đào Tấn, một vị quan dưới thời Tự Đức. Dưới thời ông vua mang tâm hồn nghệ sĩ này, kịch bản hát bội xuất hiện nhiều chưa từng thấy xưa nay, trong đó có những pho tuồng đồ sộ, như "Vạn bửu tường trình", "Quần phương hiến thụy", "Học lãm"... mỗi pho dài cả trăm hồi và diễn trong nhiều đêm. Minh Khiêm Đường cũng đã từng là nơi diễn các tuồng hát như thế để cho nhà vua thưởng thức. Đây cũng là nơi trình tấu ca múa và âm nhạc là những bộ môn mà nhà vua hâm mộ. Trong bài Khiêm Cung Ký, vua Tự Đức có viết: "Minh Khiêm Đường bị lâm hạnh tấu nhạc dã" (Minh Khiêm Đường được làm sẵn để khi vua lên chơi thì nghe trình tấu âm nhạc). Minh Khiêm Đường liên quan đến sở trường, sở thích của vua Tự Đức đối với văn hóa nghệ thuật, và liên quan đến những hoạt động sôi nổi của các bộ môn văn nghệ trình diễn trên sân khấu đương thời. Nó là một di tích chứng minh hùng hồn nhất để thấy được sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật sân khấu thời bấy giờ.

Minh Khiêm Đường lại là nhà hát có giá trị đặc sắc trong nghệ thuật kiến trúc, trong cách trang hoàng và trang trí.

Nằm trong phạm vi Khiêm Cung, bốn tòa nhà Hòa Khiêm Điện, Lương Khiêm Điện, Minh Khiêm Đường và Ôn Khiêm đường tọa lạc ở bên cánh trái, nối liền hai chái thuộc hai mé ấy của hai ngôi điện vừa nối lại với nhau. Cũng như Ôn Khiêm Đường nằm đối diện, Minh Khiêm Đường là tòa nhà có 3 gian 2 chái và 2 hiên. Toàn bộ cấu trúc của tòa nhà nằm trên một mặt bằng hình chữ nhật dài 27,57m và rộng 18,15m. Nền cao 0,65m, mặt lát gạch bát tràng và quanh nền bó vỉa bằng đá thanh. Nền ở phần chái phía Lương Khiêm Điện xây cao hơn 0,20m so với nền của 3 gian và chái kia, vì đây là nơi đặt ngự tọa để vua ngồi xem. Hai mặt trước và sau của nền, trổ 5 hệ thống bậc cấp bằng đá thanh với thành bậc chạm trổ hình kỳ lân tạo thành những khối vân xoắn rất mềm mại và sinh động, gồm hai hệ thống bậc cấp ở phía sân và ba hệ thống phía vườn.

Cao khoảng 7m, toàn bộ giàn mái được chống đỡ bởi một hệ thống cột gỗ, gồm 6 hàng cột dọc và 8 hàng cột ngang, tổng cộng đáng lẽ là 48 cột, vì có hai cột ở gian giữa không dựng được với mục đích tạo ra sự rộng rãi cho mặt bằng sân khấu để khi trình diễn khỏi bị vướng. Các cột dựng trên chân đá tảng. Hệ thống kèo gồm 4 bộ, được cấu trúc theo kiểu vì kèo cánh ác mà đuôi các kèo được chạm trổ hình dây lá cách diệu. Các hoành, trến, và đặc biệt nhất là các pa-nô ở liên ba đố bản đều chạm trổ tỉ mỉ công phu với những mô-típ trang trí hình ảnh bát bửu, hồi văn chữ vạn và nhiều đường nét kỷ hà rất phong phú và đa dạng.

Đáng chú ý nhất về phần trang trí trong nhà hát này là ở trần nhà, mặt trần gỗ rộng khoảng 40m2 trải rộng khắp mặt bằng hai hàng cột giữa chạy suốt ba gian. Ở đó các nghệ nhân thời Tự Đức đã trang trí thành một bầu vũ trụ bao la, gồm có mặt trời (đường kính 0,30m), các đám mây trắng và các vì tinh tú. Khoảng 50 vì tinh tú được làm bằng khuy đồng bọc hạt thủy tinh ở giữa (đường kính lớn nhỏ khác nhau, từ 5cm đến 3cm). Sự thiết kế bầu vũ trụ như thế có tác dụng mỗi khi trong nhà hát thắp đèn để diễn thì các vì tinh tú sẽ phản chiếu ánh sáng lấp lánh từ nhiều góc tạo ra những màu sắc kỳ diệu, không gian của sân khấu trở nên sống động, làm cho con người cảm thấy mọi việc ở chung quanh mình như đang biến chuyển không ngừng. Chính nghệ thuật trang trí độc đáo này đã làm cho người diễn lẫn người xem có cảm giác những gì diễn ra trên sân khấu đều như đang diễn ra trên thực tế của cuộc đời dưới bấu trời tự nhiên. Thực là một cách trang trí đầy sáng tạo.

Chung quanh tòa nhà có xây tường gạch để bao che ba mặt của mỗi chái, trổ 7 cửa sổ song tiện ván lùa, và 3 cửa lớn để thông với các hướng. Ở hai mắt trước và sau của 3 gian giữa thì dựng hai hệ thống của buồng khoa lồng kính. Hệ thống tường vách xây bằng gạch quanh hai chái góp phần chịu lực cùng hệ thống cột trong việc giữ vững bộ giàn mái của tòa nhà.

Bộ mái Minh Khiêm Đường được lợp bằng ngói ống thanh lưu ly. Bờ nóc bờ quyết đều trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng tráng men màu. Giữa bờ nóc được chắp hình bát quái bằng những thanh đồng tán lại thành hình tám cạnh. Ở hai đầu bờ nóc và cuối các bờ quyết là hình ảnh cành lá hóa rồng đắp bằng vôi vữa ghép sành sứ. Mỗi mặt đầu hồi được trang trí hình một cái khánh cách điệu ốp bằng gạch hoa đúc rỗng tráng men xanh.

Căn cứ vào cách trang hoàng, trang trí và vị thế của các bộ phận kiến trúc, chúng ta có thể chia mặt bằng của không gian nội thất Minh Khiêm Đường ra ba phần chính, với 3 chức năng khác nhau: sân khấu, khán đài vua ngồi và hậu trường dùng để hóa trang, chuẩn bị trước khi ra diễn.

Sân khấu bao gồm mặt bằng 3 gian giữa và cái gác nhỏ nằm ở một phần của chái phía Hòa Khiêm điện. Sàn gỗ của cái gác này cao 2,70m, mặt nước trổ một cửa vòm giống như một cổng thành; bên trên bằng gỗ trang trí song tiện và những hình ảnh khác. Sau gác có bắc hai bên hai cái thang gỗ để diễn viên lên xuống. Có lẽ đây là sân khấu dành cho ông vua trong vở tuồng ngồi diễn. Ngay trước gác có đóng các móc sắt để gắn ròng rọc mà kéo màn. Phần còn lại của chái này là hậu trường, bao gồm các phòng dùng để hóa trang và chuẩn bị mọi thứ trước khi ra sân khấu. Tại các phòng này, có hệ thống kệ gỗ sát vách tường và đố bản để dựng đạo cụ và đồ dùng cho diễn viên hóa trang.

Khán đài đành cho vua và đoàn tùy tùng ngồi xem là mặt bằng của cái bục (cao 0,20m, xây liền với nền) nằm ở chái phía Lương Khiêm điện, nơi vua ăn ngủ. Dĩ nhiên, ngự tọa phải được thiết trí ở giữa, bên dưới tấm hoành phi đề tên công trình kiến trúc: Minh Khiêm Đường. Ngự tọa ở vị thế đối diện với cái gác, và đây là vị trí nhìn ra sân khấu rõ nhất.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử sân khấu, Minh Khiêm Đường là nhà hát xưa nhất của Việt Nam hiện còn, tương đối đầy đủ hình dạng và các đường nét chủ yếu của nguyên bản. Vào năm 1978 ông Pierre Pichard, một chuyên gia của UNESCO, đã đánh giá rất cao về nhà hát này. Đối với ngành văn hóa Việt Nam, chúng ta càng phải nhận thức về giá trị của nó một cách sâu sắc hơn. Bởi vậy, hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đang tiến hành việc tu sửa Minh Khiêm Đường để phục hồi toàn bộ giá trị lịch sử và nghệ thuật cho nhà hát độc đáo này.